ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI VIẾT “BÁO CHÍ CÁCH MẠNG SƯỚNG GHÊ” CỦA MẠC VĂN TRANG

Ngày Báo chí cách mạng 21/6 cũng đã qua rồi, nhưng hôm nay lang thang trên mạng tôi thấy có bài “Báo chí cách mạng sướng ghê!” của cụ Mạc Văn Trang, hơi ngạc nhiên tại sao báo chí cách mạng lại sướng ? nên tôi đã đọc. Tôi gọi Mạc Văn Trang là Cụ vì năm nay Cụ đã 83 tuổi đời và từng có hơn 50 tuổi đảng. Tôi biết Cụ tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn viết rất khỏe. Nhưng Cụ viết khác với thời Cụ còn làm Tổng biên tập Tạp chí Phát triển giáo dục.

Trở lại với bài “Báo chí cách mạng sướng ghê!”, Cụ viết: “Báo chí chỉ cần làm theo TUYÊN GIÁO và CÔNG AN là ok rồi. Theo Tuyên giáo bảo đăng thì đăng, bảo gỡ thì gỡ, chả phải chịu trách nhiệm gì. Đăng tin theo CÔNG AN càng sướng hơn. Dường như tất cả các vụ án nghiêm trọng gần đây, Tướng Tô Ân Xô người phát ngôn Bộ Công an phát ngôn thế nào thì mấy trăm tờ báo chép đồng loạt như vậy. Hôm trước Tướng Xô nói thế này, hôm sau Tướng nói thế kia, các báo lặp lại nguyên xi, chả mất công viết bài, biên tập mệt óc!” “… Phóng viên cứ ngồi cà phê tán dóc, chờ công an thông báo là chép, đăng, Sướng thế!”;

“Sướng nữa là các báo cứ chép nguyên lời các nhà lãnh đạo báo cáo thành tích, tuyên bố trên trời dưới biển, hứa hẹ đủ trò, nhưng sau đó mới biết là nói láo, bị cụ Trọng cho vào lò, nhưng từ Tổng biên tập đến phóng viên viết bài chẳng ai phải chịu trách nhiệm. Các báo đăng quảng cáo, bốc phét tận mây xanh, nhưng khi khách hàng bị lừa, báo cũng chẳng sao”;

“Những phóng viên các báo cách mạng có thể tha hồ bịa đặt, bôi xấu, xúc phạm những “đối tượng” bị cho là “suy thoái”, “phản động” mà không hề sợ trách nhiệm”. Cụ so sánh “những “nhà báo” này y như bần cố nông đấu địa chủ trong CCRĐ; tố điều khiến địa chủ bị bắn chết mà đương sự không sao cả, có khi còn được trọng dụng”;

“Sướng hơn nữa là các tờ báo của cơ quan đảng, đầu vào được bao cấp, đầu ra được bao tiêu. Những cái sướng của người làm báo cách mạng thời nay kể sao cho hết!”…

Qua cách kể ra các cái “sướng” của báo chí cách mạng hiện nay, chắc mọi người đã hiểu thâm ý của Cụ là Cụ ngầm phản đối “sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước” đối với báo chí. Cụ cho rằng vì chịu “sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước” nên người làm báo không có quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tạo mà chỉ biết “ngoan ngoãn”, “vâng lời”, “làm theo”, “viết nguyên xi”; người làm báo hiện nay không có lập trường, lười biếng, tắc trách, thiếu trách nhiệm với xã hội, với bài báo của mình.

Cụ tỏ thái độ bênh vực những đối tượng suy thoái, phản động và coi những đối tượng này như tầng lớp trên (địa chủ), còn những nhà báo viết bài phản bác các quan điểm sai trái của các đối tượng này thì Cụ coi “y như bần cố nông” và được quyền “tha hồ bịa đặt, bôi xấu, xúc phạm mà không hề sợ trách nhiệm”.

Cụ còn có ý chê bai các tờ báo của cơ quan đảng từ Trung ương đến địa phương là không có chất lượng, không ai đọc. Báo của Đảng thì đảng viên đọc “các chi bộ, cơ quan đều mua để nắm bắt, quán triệt kịp thời những chỉ đạo của cấp ủy. Rồi được Đảng bỏ tiền ra mua phát cho các đảng viên lão thành”…

Cụ viết, cụ nghĩ thế nào về báo chí cách mạng, về người làm báo hiện nay là do nhận thức của Cụ. Tôi chỉ có mấy lời trên, không biết có đúng với dụng ý của Cụ khi Cụ viết bài này không nhỉ?

Nhân đây, tôi cũng muốn đưa ra một vài ý kiến của mình, có khác với ý kiến trong nội dung bài viết của Cụ.

Theo tôi, những nhà báo chân chính “bút sắc, lòng trong, mắt sáng” làm nghề không hề “sướng” mà gian nan,vất vả thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Trước đây, trong chiến tranh, nhiều nhà báo – chiến sĩ lăn lộn trên chiến trường để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật sống động, quý giá để lại cho hậu thế, nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh.

Phóng viên chiến trường tác nghiệp trong chiến dịch Đường 9, Nam Lào

Ngày nay trong thời bình, nhà báo, nhất là những nhà báo làm thể loại điều tra vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhiều gian nan, nguy hiểm. Họ lên rừng để có những phóng sự điều tra về lâm tặc, về khai thác trái phép khoáng sản; xuống biển để chứng kiến nạn nổ mìn, đánh cá khai thác tận diệt hải sản, ra khơi để viết bài đấu tranh khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; họ ngược xuôi trên những chuyến xe Bắc – Nam để viết bài về mãi lộ của một số cảnh sát giao thông hư hỏng, phản ánh nạn cơm tù và những sai phạm của những người tham gia giao thông; thức thâu đêm, nhịn đói, nhịn khát để săn từng hình ảnh, tài liệu phanh phui các vụ sản xuất, buôn bán ma túy, buôn bán người và các tệ nạn xã hội, trên khắp mọi miền của đất nước.

TTXVN đảm bảo an toàn cho phóng viên khi tác nghiệp phòng, chống dịch COVID-19

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí đã góp phần phanh phui, phát hiện, tham gia điều tra, đưa ra công luận nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực và chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm xử lý. Đối tượng bị điều tra rất đa dạng, luôn đề phòng, lẩn tránh, đánh lạc hướng điều tra.

Phóng viên điều tra về tội phạm về ma túy, buôn người, lâm tặc, hải tặc, phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, vì bọn chúng rất liều lĩnh, manh động. Những kẻ tham nhũng thì chúng che đậy tội lỗi rất tinh vi và thường cấu kết với nhau, dùng các thủ đoạn tinh vi, nham hiểm như dùng tiền, dùng gái, dùng chức, để mua chuộc; thậm chí chúng còn cấu kết với cả xã hội đen dùng vũ lực gây sức ép, đe dọa, uy hiếp, hành hung nhà báo và gia đình họ. Bọn làm ăn phi pháp, lừa đảo, gian lận thì rất nhiều kẻ hành hung, gây thương tích cho nhà báo ngay khi họ đang tác nghiệp. Sự dấn thân của nhà báo đôi khi còn bị cản trở bởi chính các cơ quan công quyền nhân danh “pháp luật”, bởi chính đồng nghiệp, thủ trưởng cơ quan, cấp trên của thủ trưởng.

Những người làm báo thầm lặng, cống hiến và sẻ chia cùng đồng bào vùng bão lũ

Trong hơn 41 nghìn người làm báo hiện nay, tuyệt đại đa số đã nhận thức và thực hiện đầy đủ, đúng đắn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình.

Song bên cạnh đó còn một số nhà báo, do yếu kém về đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng danh nghĩa báo chí để vụ lợi, đe dọa, vu cáo, gây áp lực đối với cá nhân, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân; Một số nhà báo trước kia từng là cán bộ, đảng viên, có người có tầm ảnh hưởng trong xã hội, dù đang sống, làm việc, thụ hưởng những thành quả cách mạng do Đảng và nhân dân ta mang lại, nhưng do suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bất mãn, “sám hối”, “trở cờ”, đã quay lưng lại với Đảng, với dân tộc và nhân dân. Họ thường xuyên viết bài phụ họa cho những những quan điểm sai trái, phát ngôn theo luận điệu của các tổ chức phản động, trở thành nhân tố bên trong hỗ trợ hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Tệ hại hơn một số trong số đó đã vi phạm pháp luật và bị chính quyền xử lý về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, sản phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Những người này có “sướng” không hay khổ sở, dày vò vì những sai lầm, tội lỗi của mình.

Việt Hòa