ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM - THỦ ĐOẠN THƯỜNG DÙNG CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Những năm gần đây, nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật; trong đó, có những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Trong năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 26 cán bộ diện Trung ương quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, gồm: 4 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương; 2 nguyên Bộ trưởng, 1 Bí thư tỉnh uỷ, 5 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng; 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; 3 nguyên phó Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; 13 sĩ quan đương chức cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó, án tham nhũng, chức vụ đã khởi tố là 390 vụ/1.011 bị can. Những cán bộ cấp cao bị điều tra,  khởi tố có cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang… Đặc biệt có những vụ án, vụ việc tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế.[1]

Không thể phủ nhận rằng để xảy ra những việc này rất đáng tiếc. Tuy nhiên, nó thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đưa ra ánh sáng những hành vi sai trái, xử lý nghiêm minh những kẻ tham nhũng, nhận hối lộ,  làm giàu trên tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã và đang được thực hiện “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Điều đáng nói là, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, các lực lượng chống đối đã lợi dụng điều này để thổi phồng, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Trên các trang BBC, Việt Tân, RFA Tiếng Việt và tài khoản một số đối tượng cực đoan xuất hiện nhiều bài viết, clip với nội dung bôi đen, phủ nhận những thành quả trong phát triển đất nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; quy kết những sai phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên là do chư trương, đường lối sai, năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước ta yếu kém; từ đó, gieo rắc sự hoài nghi, phá rã niềm tin của nhân dân và cán bộ, đảng viên vào công cuộc xây dựng chế độ XHCN do Đảng lãnh đạo.

Với những nội dung đó, thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” được các phần tử cơ hội thường xuyên sử dụng. Đây là thủ đoạn lấy một số sự kiện, hành vi tiêu cực trong xã hội rồi cường điệu lên theo ý đồ của mình; lấy biểu hiện tiêu cực của một vụ việc, của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, quy chụp lên cả hệ thống chính trị. Một cán bộ, đảng viên bị xử lý, họ sẽ lu loa lên rằng tất cả đảng viên Đảng Cộng sản đều xấu xa, là “cuộc thanh trừng nội bộ, xấu xé lẫn nhau”. Một cán bộ, công chức có hành vi không tốt, họ quy kết trở thành bản chất của mọi cán bộ, công chức. Một bác sĩ vi phạm thì họ “vơ đũa cả nắm”, rêu rao rằng “tham nhũng trong toàn ngành y tế”

Thực chất “đánh tráo khái niệm” trong lịch sử đã được các thế lực chính trị trên thế giới sử dụng từ rất sớm. Biến không thành có, biến thiện thành ác, xâu chuỗi những hiện tượng đơn lẻ để vu khống thành bản chất… là chiêu trò không có gì mới nhằm chống phá cách mạng thế giới nói chung, trong đó có cách mạng Việt Nam. Thời gian gần đây, với sự phát triển của internet và mạng xã hội tại nước ta, thủ đoạn này được sử dụng với tần suất dày hơn. Dù được sử dụng nhiều lần nhưng những luận điệu xảo trá, tinh vi của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị tung ra, truyền bá vào từng thời điểm cụ thể, với sự lan sâu lan xa trên mạng xã hội sẽ phần nào đánh vào nhận thức, tâm lý một bộ phận người dân. Cho nên, nó rất nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.  

Nhận thức được bản chất của vấn đề, Đảng, Nhà nước rất kiên quyết trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cùng với hệ thống văn bản pháp luật về công tác cán bộ, về phòng, chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ còn là những cơ chế, chính sách, chế tài nhằm ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Gần đây, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 Quy định về những điều đảng viên không được làm; Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự;... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 144 nghị định, 40 quyết định; các bộ, ngành ban hành hơn 700 thông tư nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng… Tất cả với tinh thần không ngừng, không nghỉ, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả, tạo nên sức mạnh nội sinh, làm cho sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đạt nhiều thành tựu to lớn, ý nghĩa. Người dân được hưởng bình yên, ấm no và hạnh phúc.

Từ những vấn đề trên cho thấy, sai phạm của một bộ phận cán bộ chỉ là hiện tượng cá biệt, không phải là hiện tượng phổ biến. Càng không phải là bản chất của Đảng, Nhà nước như một số đối tượng thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị cố tình lợi dụng để xuyên tạc theo kiểu “đánh tráo khái niệm”… Điều quan trọng là mỗi chúng ta trong quá trình tiếp nhận thông tin cần nâng cao bản lĩnh, phải hết sức cảnh giác, biết lựa chọn, sàng lọc và xem xét khách quan, toàn diện để tránh mắc mưu của kẻ xấu.

 

 Hà Tiên

 

[1] Thông tin từ phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực