DÂN CHỦ KIỂU ... TÂY

Mới đây, Tờ “The Economist” của Vương quốc Anh và “Bloomberg” của Mỹ đã công bố một báo cáo thường niên về tình hình dân chủ toàn cầu, có nội dung: “Các quốc gia dân chủ nhất và kém dân chủ nhất thế giới vào năm 2022”. Theo đó, các tổ chức này xếp hạng Việt Nam trong số nhiều quốc gia có nền dân chủ thấp.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp trên Lào và Myanmar, thậm chí còn dưới cả Campuchia. Rộng hơn tại khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Châu Đại Dương, Việt Nam cũng chỉ xếp trên Afghanistan, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Khu vực có nhiều quốc gia kém dân chủ nhất theo bảng xếp hạng này là Châu Phi và Trung Đông, theo đó, hơn một nửa các quốc gia Châu Phi được xem là kém dân chủ, thậm chí khu vực Trung Đông chỉ có Israel là quốc gia dân chủ. Khu vực Châu Âu được đánh giá là khu vực dân chủ cao khi toàn bộ các quốc gia đều được đánh giá là nền dân chủ đầy đủ, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia có Chính phủ trung lập hoặc nghiêng về Nga.

Bản thân tôi cũng là một người rất hay đàm đạo với các bạn ở “bên kia thế giới”, tôi thường được nghe kể lại rằng: “Chúng tôi đến từ một khu vực được tắm mình trong sự tự do và dân chủ, một phương Tây rộng lớn, tươi đẹp và giàu có, chẳng khác nào những vùng địa đàng của Chúa, nơi mà những công dân ở đây được nói lên mong muốn của chính mình, rồi Chính phủ sẽ lắng nghe và thực hiện theo những nguyện vọng của người dân”. Dân chủ thì là vậy, nhân quyền cũng thật là cao, tôi thật sự thích lắm, bởi vì từ bé đến lớn tôi chỉ được sống ở Việt Nam, tự do và dân chủ đối với chúng tôi thì đơn giản chỉ là việc ngồi các quán cà phê, trà đá vỉa hè để phê bình bất cứ ai mà chúng tôi muốn cùng với những người xung quanh. Tất nhiên là chúng tôi hiểu được việc phê bình, chỉ trích nó rất khác so với xúc phạm một ai đó, chúng tôi hiểu rõ nhân quyền của mình có giá trị bao nhiêu.

Nước Pháp dân chủ đến mức ... người dân xuống đường biểu tình để phản đối luật ... "bóp cổ"  của Tổng thống!

Và khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraina diễn ra, chỉ tính riêng Việt Nam đã chia thành hai phe, một phe thì ủng hộ Ukraina, còn một phe thì ủng hộ Nga. Hai phe này không chỉ tranh đấu với nhau một cách dữ dội tại các quán cà phê, trà đá mà còn trên các nền tảng mạng xã hội cũng có vô vàn đề tài để bàn luận, mà khi gặp được “Kiev con” thì chắc chắn các bạn cũng sẽ gặp được các “Nga con” bình luận cùng. Tất nhiên điều này cũng theo xu hướng ngược lại, đó là khi một đề tài đưa ra để ủng hộ Nga thì chắc chắn có một phe phản đối còn lại là những những người ủng hộ Kiev. Rõ ràng là dân chủ của chúng tôi, tự do ngôn luận của chúng tôi, ít nhất là chúng tôi được nói lên điều mình suy nghĩ về cuộc chiến này, bất kể bạn ủng hộ ai cũng vậy, bạn đều được tôn trọng vì điều đó.

Lúc này, khi đã quá quen thuộc với nền tự do dân chủ của Việt Nam, tôi bỗng chốc tò mò, chợt nhớ về những câu nói của các “học giả” ở bên kia thế giới nói về sự tự do, dân chủ của phương Tây.

Nó thật sự thôi thúc tôi tìm hiểu về vấn đề này để mà so sánh, xem quốc gia của mình còn thiếu sót và phải học hỏi các nước phương Tây ra sao. Thật bất ngờ, không tìm hiểu thì thôi, tìm hiểu rồi tôi bỗng chốc ngã ngửa. Như các bạn đã thấy, sau cuộc chiến giữa Nga và Ukraina xảy ra, các nước phương Tây đã ra vô vàn các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất để mà áp đặt lên những người Nga, điều này đã dẫn đến tình trạng xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn chưa từng có ở Châu Âu. Tất nhiên rồi, vào lúc này thì Châu Âu họ cũng giống như Việt Nam, đó là họ chia thành hai phe, một phe ủng hộ Ukraina, còn phe còn lại thì ủng hộ Nga vì cho rằng những lệnh trừng phạt này không những không làm tổn hại cho Nga mà chỉ gây tổn hại cho chính công dân của nước mình. Vì vậy, họ đã sử dụng quyền tự do, dân chủ của mình, đó là nói lên những điều mình muốn, họ yêu cầu Chính phủ ngừng ngay lại việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraina nhằm giảm leo thang thêm căng thẳng để có thể xúc tiến được các biện pháp thỏa đáng, điều thứ hai là họ yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên nguồn năng lượng của Nga để những dòng khí đốt giá rẻ của quốc gia này có thể tuôn trào trở lại ở Châu Âu.

Những nguyện vọng của người dân thật sự là không sai, rõ ràng đó là một cách đơn giản và hiệu quả nhất để có thể khiến thế giới này trở lại hòa bình như trước đây và những người dân của Châu Âu sẽ thoát khỏi tình trạng lạm phát, điều mà chưa từng xảy ra trong hàng chục năm qua. Nhưng không, có lẽ những người dân của Châu Âu hiểu nhầm, điển hình là những người Đức, tại đây “dân chủ” có nghĩa là “dân phải nghe chủ” có thể nói là trong mọi trường hợp. Vào lúc này, phương Tây nói chung và nước Đức nói riêng thì quyền tự do ngôn luận của những công dân đó là việc họ phải nghe theo mọi quyết sách của Chính phủ trong việc ủng hộ Ukraina. Kể từ thời điểm này, những công dân của Đức phản đối hay nghi ngờ những tội ác của nước Nga ở Ukraina sẽ bị truy tố. Đúng vậy, Quốc hội của Đức đang chuẩn bị thông qua dự luật này, họ đã thể hiện xuất sắc dân chủ của nước này, đó là “dân phải nghe chủ, còn không nghe thì truy tố và đi tù”. Bất chấp ngay cả việc những chính sách của Chính phủ đang làm một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng nghiêm trọng hơn, họ đang cố gắng hợp thức hóa các chính sách của mình bất chấp sự phản đối của người dân và ban hành một đạo luật dành cho những người không ủng hộ chính sách chống Nga của bọn họ. Theo báo cáo từ truyền thông của Đức thị Hạ viện của quốc gia này đã thông qua một dự luật mà theo đó những người công nhận hay phủ nhận, làm tầm thường hóa những “tội ác diệt chủng” trong chiến tranh sẽ bị trừng phạt. Điều này sẽ được bổ sung vào điều khoản 130 của Luật hình sự, theo đó thì hành vi này có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù lên tới 03 năm. Nói một cách dễ hiểu thì điều này có nghĩa là từ nay trở đi, bất kì một ai chống lại đường lối chính sách của Chính phủ Đức trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina sẽ có cơ hội đặt một chân trong nhà đá và bất kỳ một cuộc thảo luận hay phản biện nào để nói lên quan điểm của mình trong cuộc chiến này cũng sẽ bị xử phạt. Lúc này, Chính phủ cũng chỉ cần tuyên bố những điều mà Ukraina làm là đúng và mọi phản biện chống lại Ukraina hoặc ủng hộ Nga sẽ là bằng chứng để chống lại các bạn ở trước tòa.

Đúng vậy, quyền tự do ngôn luận ở nước Đức đã trở thành “quyền được tự do vào nhà đá”, điều đáng nói là các chính sách này được đưa ra trong sự mơ hồ và ngơ ngác của những công dân Đức. Bằng một cách thần kì nào đó, nó đưa ra vào thời điểm mà không ai kịp phản ứng và không hề có sự báo trước nào trước đây. Truyền thông của Đức cho rằng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Hạ viện của Đức đang muốn thông qua dự luật này một cách lặng lẽ nhất có thể, Hạ viện đã quyết định đưa dự luật này vào lúc 23 giờ, có nghĩa là khoảng thời gian đã gần hết giờ trong cuộc họp tại Quốc hội này, giới chính trị gia đang chuẩn bị xách cặp để đi về, còn những người dân thì đang chuẩn bị lên giường để đi ngủ. Đây là một thời điểm vàng mà dường như tất cả các công dân thuộc Cộng hòa liên bang Đức không quan tâm tới.

Và như các bạn biết đấy, kết quả là nó đã được lặng lẽ thông qua, dự luật này không những không chỉ ảnh hưởng cho những công dân của Cộng hòa liên bang Đức mà còn ảnh hưởng lên tất cả các công ty truyền thông và báo chí của xứ sở này. Thông tin đa chiều luôn là một điều được tôn vinh trong giới báo chí và giờ đây với dự luật này cánh nhà báo, đặc biệt là những nhà báo trung lập đưa ra những quan điểm phân tích và nghi ngờ của mình trong cuộc chiến tại Ukraina rất có thể sẽ bị ghép vào “ủng hộ tội ác chiến tranh” và sẽ đứng trước vành móng ngựa thay vì được tung hô như là một nhà báo đã nói lên sự thật. Giới truyền thông nói với nhau rằng, giờ đây một nhà báo hay một nhà phân tích chính trị trước khi ra một bài phân tích nào đó có lẽ phải gặp trước công tố viên để họ xác định rằng anh ta thuộc phe thân Nga hay thân Ukraina, nếu anh ta thuộc phe thân Nga thì rất có thể những bài báo hay phân tích sẽ chính là những bằng chứng để tố cáo anh ta trước tòa. Giờ đây, họ kháo với nhau rằng có lẽ những bài báo hay bài phân tích tương lai ở nước Đức sẽ không còn có tên Nga hay Ukraina, thay vào đó rất có thể nó sẽ là “đại chiến giữa Nôbita và Xuka” để tránh những kiểm duyệt tới từ Chính phủ của Đức. Chúng ta nghe thì điều này có vẻ buồn cười nhưng mà hệ lụy trong tương lai đối với thế giới thì rất đáng để suy ngẫm, rõ ràng là nếu nước Đức thành công với chính sách “khóa mõm” công dân của mình, rất có thể Ủy ban liên minh Châu Âu cũng sẽ lấy đó làm gương, họ sẽ ra một loạt các chính sách tương tự để áp đặt lên từng từng quốc gia thuộc liên minh trong khối. Lúc này, các công dân của Châu Âu đã bị “khóa mõm” tập thể, lan rộng ra xa đó là một phương Tây rộng lớn cũng sẽ áp đặt cái chính sách này lên các châu lục khác bao gồm cả Châu Á của chúng ta, chẳng phải sự “ban phát dân chủ” này nó đã hình thành trong hàng chục năm qua hay sao, chỉ là cách này hay cách khác mà thôi. Nghe chua chát thật đấy, nhưng hành động này cho thấy các biện pháp chống Nga của các Chính phủ phương Tây đã bị người dân dồn tới chân tường và thể hiện sự bất lực trong việc trấn an người dân của mình vượt qua cơn khủng hoảng mà cuộc chiến giữa Nga và Ukraina mang lại.

Thế đấy, theo tôi thì dân chủ nó được thể hiện ở những điều nhỏ nhất chứ không phải là những định nghĩa cao siêu, viễn vông chỉ có trên giấy tờ, sách vở và những nhận định chủ quan từ các tổ chức vớ vẫn nào đó ở “bên kia thế giới”. Mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận được đất nước của chúng ta đang thay đổi từng ngày, tuy rằng sẽ có nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhưng không thể phủ nhận sự cố gắng, nỗ lực đưa đất nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ đã dạy. Chúng ta có quyền mong, có quyền hi vọng về một tương lai tươi sáng, một nên dân chủ thực chất mà chẳng cần quan tâm đến cái gọi là “Bảng xếp hạng” nhân quyền và “tiêu chuẩn kép” của phương Tây.

Việt Hùng