BẢO ĐẠI LÀ “NHÀ VUA YÊU NƯỚC”?

Nhân dịp anh nhà giáo Chu Mộng Long ca ngợi Chiếu thoái vị và tôn vinh Bảo Đại là nhà vua yêu nước, tôi lại phải giở quyển từ điển xem lại khái niệm “yêu nước”. Vì trong trí nhớ của tôi, chưa có sách sử nào tôn vinh ông Bảo Đại là “nhà vua yêu nước”, mà họ chỉ bàn về sự ăn chơi sa đọa của ông này mà thôi.

Khi cách mạng tháng 8 bùng nổ, Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH). Trong diễn văn thoái vị, ông ta đã nói một câu nổi tiếng: “Trẫm muốn làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc và sự trân trọng những năm tháng chấp chính của Bảo Đại, đã mời phế đế tham gia Chính phủ lâm thời với chức trách cố vấn.

Nếu cuộc đời Bảo Đại chỉ dừng lại với vai trò “cố vấn Vĩnh Thụy” thì lịch sử và nhân dân sẽ nhìn ông với con mắt cảm thông, thậm chí là kính trọng. Nhưng khổ nỗi, Bảo Đại không đi theo con đường thẳng của “công dân một nước tự do”, như lời ông ta thề thốt…

Ngày 16/3/1946, ông Cố vấn tối cao Bảo Đại tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa, nhưng khi kết thúc, ông không trở về nước theo đoàn, mà trốn sang Hương Cảng (Hồng Kông). Tại Hồng Kông, cựu hoàng Bảo Đại đã tiếp xúc với nhiều giới chính trị, trong đó có người Mỹ là Đại Tướng Marshall, đại diện Hoa Kỳ, đã đem bản giao ước với Bảo Đại về trình Tổng thống Harry S. Truman.

Bảo Đại còn viết thư về nước xin từ chức “Cố vấn tối cao” trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chuyển lời nhắn đến Nam Phương Hoàng hậu là ông vẫn vui khỏe. Để tiện bề ăn chơi, hưởng lạc và nuôi hy vọng “phục quốc”, sau đó Bảo Đại đã đổi tên thành Wang Kunney tiên sinh cho tiện việc hưởng mọi lạc thú. Dân thượng lưu xứ Hồng Kông còn đồn đại rằng: muốn xem mặt ông vua nước Nam chỉ cần tìm ở 14 tiệm nhảy, nếu không thấy thì tìm ở các sòng bạc.

Cái kết của Bảo Đại thì ai cũng biết, một cái chết tha hương nơi đất khách, sau chuỗi ngày ăn chơi trác táng, bán trời không văn tự.

Và vài chục năm sau, ông ta được hậu thế tôn vinh “nhà vua yêu nước”.