“ĐÀO, PHỞ VÀ PIANO” VÀ TRÒ HỀ CỦA ĐÁM "GHEN ĂN TỨC Ở"

Những ngày sau tết Giáp Thìn 2024, bộ phim “Đào, phở và piano” – một bộ phim về đề tài kháng chiến vệ quốc đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả trong nước. Bộ phim “sốt” tới mức nhiều khán giả và số bạn trẻ không mua được vé để xem bởi hệ thống đặt vé của Trung tâm chiếu phim Quốc gia quá tải.

Một diễn viên tham gia đóng phim đã viết trên trang cá nhân “Tự hào vì được đóng phim lịch sử đất nước mình. Ưỡn ngực vì mang trong mình dòng máu Việt, hiên ngang và không bao giờ lùi bước...” Việc đóng phim lịch sử không phải dễ, đòi hỏi những diễn viên phải có hiểu biết lịch sử thì mới có được cái thần thái khi thể hiện được lòng yêu nước. Chúng ta cảm ơn và ủng hộ ê kíp làm những bộ phim lịch sử, bởi họ dũng cảm lựa chọn chủ đề khó. Có thể không phải tất cả những bộ phim lịch sử đều được khán giả đón nhận rộng rãi như vậy, nhưng chắc chắn hơn hẳn những bộ phim chỉ vì lợi nhuận, gây cười nhạt nhẽo của dòng phim thương mại.

Hình tượng người chiến sĩ "Vệ quốc đoàn" trong phim "Đào, phở và piano".

Thế nhưng, thói đời “ghen ăn tức ở” ngay lập tức trỗi dậy, người thành công luôn gặp kẻ phá hoại, tổ chức khủng bố Việt Tân đã “nóng mặt” đăng tải một số bài viết liên quan đến việc phát hành bộ phim với lời lẽ hết sức điêu ngoa “Cục Điện ảnh muốn phát hành phim “Đào, phở và piano” trên toàn quốc và ưu tiên khung giờ vàng cho phim Nhà nước. Lý do chính là vì doanh thu phải nộp 100% vào ngân sách Nhà nước. Mà vào ngân sách có nghĩa là vào túi quan. Khôn như thế quê tôi đầy!”. Đây là luận điệu xằng bậy, phản cảm vô lối; một số “hậu duệ ba que” cũng “theo đóm ăn tàn”, trong có cô ả Tổng Biên tập 01 tạp chí nước ngoài. Thật bất ngờ khi cô này đăng bài chê phim, kèm các lý do đây là “phim nhà nước chỉ nên làm xong cất vào kho. Mà tốt nhất là đừng làm nữa. Để Trấn Thành làm được rồi!” để rồi sau khi “nhận được” quá nhiều “gạch đá” thị phải gỡ bài!

Chiêu trò “thọc gậy bánh xe” của Việt Tân và một số trang mạng phản động đã không xa lạ gì, thường xuyên xuất hiện những bài viết mỉa mai mỗi khi đất nước giành những thành tựu mới, sự kiện văn hóa xã hội mới như bộ phim “Đào, phở và piano” chẳng hạn. Chưa hết, có nhiều kẻ còn viện dẫn ra phát biểu của những nhà làm phim rồi mỉa mai cho rằng phim lịch sử khó nói, nhạy cảm, phức tạp và dễ đụng chạm… Câu chuyện của phim chỉ gợi lại một giai đoạn lịch sử rất ngắn giữa lòng Thủ đô vào thời điểm đang bị đe dọa bởi sự đe dọa xâm chiếm trở lại của thực dân Pháp. Tuy bộ phim chưa thể nói lên tấm lòng yêu nước của người dân Thủ đô- đại diện cho cả dân tộc, nhưng qua đó cũng đã phác họa phần nào về lòng yêu nước của hàng triệu người dân Việt Nam. Phải chăng vì sợ đụng chạm đến quan thầy nên chúng ta phải cố tình chôn vùi vết nhơ của quan thầy cũng như lịch sử oai hùng, tự hào đã làm nên truyền thống của dân tộc Việt Nam – “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”? Lịch sử đã quá rõ ràng nhưng Việt Tân lại đưa ra những lời lẽ mang tính phủ nhận trắng trợn. Thử hỏi khi Tổ quốc lâm nguy thì những kẻ “lưu vong” đã làm gì cho đất nước hay chúng ở hải ngoại vỗ tay tung hô, cổ súy và mong “dạy cho Việt Nam một bài học” để trả thù cho hả dạ, đến bây giờ chúng không biết nhục lại còn mặt dày mở mồm vu cáo, bôi nhọ những người lính đã vì độc lập của đất nước mà hy sinh xương máu.

Hiện tượng “Đào, phở và piano” là minh chứng cho việc giới trẻ không lãng quên lịch sử, tuổi trẻ vẫn đang tìm kiếm những mảnh ghép từ lịch sử để hoàn thiện bức tranh đầy bi tráng và anh dũng mà lớp lớp cha ông đã tạo dựng nên. Có nhìn lại lịch sử, trân trọng từng thời khắc mới có thể hiểu biết, có thêm niềm tự hào và sức mạnh để vượt qua thử thách, hướng tới một tương lai.   

NGUYỄN AN HÒA