Văn hóa phản biện thời đại công nghệ 4.0

Trong thời đại khoa học – công nghệ phát triển như hiện nay, mỗi người có thể dễ dàng tương tác với nhau qua nhiều phương thức nhưng phổ biến nhất vẫn là mạng xã hội “Facebook”. Không biết từ lúc nào, việc người ta cho mình cái quyền bày tỏ quan điểm cá nhân lại trở nên phổ biến đến thế. Song, bày tỏ quan điểm như thế nào, phản biện ra sao sao cho có văn minh lại là một vấn đề khác. Bài viết này chúng tôi không bàn chuyện đúng sai, chỉ xin trao đổi một đôi điều về văn hóa phản biện hiện nay.

Phản biện có văn hóa giúp cá nhân và cộng đồng hoàn thiện và phát triển hơn

Theo dõi thực trạng tranh luận của cộng đồng mạng hiện nay, không khó để nhận thấy một bộ phận không nhỏ cư dân mạng liên tục “ném đá, quăng gạch” một cách vô tội vạ với nhận thức mang tính chất cảm tính hoặc a dua. Đây là một thói quen xấu trong văn hóa phản biện trên mạng xã hội. Nhiều người luôn thể hiện và cho rằng ý kiến cá nhân là đúng đắn, hợp tình hợp lý, xuất phát từ mục tiêu loại bỏ cái xấu và phát huy cái tốt đẹp. Đây là mục đích đúng đắn, đáng ghi nhận trong mỗi chúng ta, nhưng liệu chúng ta có thể chứng minh tính chính xác của ý kiến cá nhân, liệu khi tranh luận một vấn đề chúng ta có nghiên cứu tất cả những thông tin liên quan hay chưa? Thay vào đó là những câu văng tục, xỉ vả hay chê trách khi lên án một ý kiến nào đó thậm chí là phê phán cả một nền giáo dục, một bộ máy chính trị trên một số bài viết, fanpage. Đặc biệt, liệu có ai nhận thức được rằng nếu bản thân mình có quyền phản biện thì người khác cũng có quyền tương tự, vậy tại sao bản thân lại tước bỏ quyền của người khác? Họ cho rằng đất nước không có “tự do ngôn luận” nhưng chính bản thân lại không tôn trọng quyền “tự do ngôn luận” của người khác, thay vào đó là những lời mạt sát, xúc phạm danh dự cá nhân; phê phán cả một nền giáo dục, một tập thể thậm chí là một chế độ, chưa kể đến việc sử dụng các ngôn từ vô văn hóa, thô tục trên các diễn đàn. Nếu người nước ngoài cho rằng nước Việt Nam toàn kẻ ăn cắp chỉ vì một vài cá nhân liệu có đụng chạm đến tự ái của ai đó?

"Ném đá" trên internet 

 Qua nghiên cứu, tìm hiểu các cuộc tranh luận, phản biện ở các bài viết trên các tài khoản hoặc fanpage nhận thấy: Những cuộc tranh luận không hồi kết thường xoay quanh đến vấn đề biển đảo, cải cách chữ viết của GS Bùi Hiền và GS Hồ Ngọc Đại, những vụ án có nhiều ý kiến trái chiều, sự suy thoái của nền giáo dục Việt Nam, một số hình ảnh liên quan đến lực lượng Công an… Chúng ta hãy khoan bàn luận đến vấn đề đúng sai ở đây, người đời có câu “trong một đám đông nhốn nháo thường có vài kẻ tỉnh táo”, người tỉnh táo thường thắc mắc: Liệu một clip đăng tải trên mạng xã hội thì bao nhiêu phần trăm là đúng, clip đó có bị cắt xén hay không, có bị tắt tiếng ở một số tình tiết quan trong hay không; chúng ta có rõ ràng về một bản án đó hay chưa, cơ quan tiến hành tố tụng và các chủ thể liên quan đã sử dụng những điều luật nào, tính pháp lý mà tòa án đưa ra có phù hợp với pháp luật và tính nhân đạo hay không; tại sao trong một nền giáo dục, cùng một môi trường, cùng một cơ sở vật chất, trong một lớp học lại có những học sinh có học lực và nhận thức cuộc sống khác nhau, gia đình đã làm tròn trách nhiệm khi nuôi dạy con cái hay chưa thay vì giao hết trách nhiệm cho nhà trường và đổ lỗi khi con cái có những nhận thức, hành vi sai trái?

 Nếu muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, chúng ta nên góp ý, phản biện có văn hóa và khoa học, đừng nên “dìm hàng”, “ném đá” cho thỏa mãn bản thân mà không có một biện pháp nào để giải quyết vấn đề. Mỗi người dân đều ý thức được vai trò của bản thân trong xây dựng đất nước, chỉ những cá nhân, fanpage có ý đồ xấu muốn trục lợi cho bản thân khi đăng tải một số hình ảnh, video chưa xác minh tính chính xác để “câu view, câu like” thậm chí để xuyên tạc, bôi nhọ danh dự một cá nhân, tổ chức thậm chí một chế độ gây hoang mang trong quần chúng mới đáng bị lên án. Vì vậy, hãy là một người phản biện văn minh, khoa học góp phần tạo nên môi trường mạng xã hội lành mạnh, trong sạch.

 Minh Khánh