CHUYỆN CÁI NÒNG SÚNG

Chưa bao giờ như hiện nay, công tác phòng chống tham nhũng được đặc biệt quan tâm từ nghị trường cho đến xã hội như vậy. Đảng và Nhà nước ta mạnh tay, kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp tham nhũng, nhiều vị “tham quan” bị kỉ luật và khởi tố, nhiều công trình, dự án bị tuýt còi,… nhân dân thêm phấn khởi, ngày càng tin tưởng. “Phòng chống tham nhũng” luôn là đề tài nóng bỏng mà người người, nhà nhà đem ra bàn tán, thảo luận từ bàn ăn cho đến… quán nhậu, từ phòng làm việc cho đến nơi bán buôn, lắm câu chuyện hư hư, thật thật, đông tây, Ta Tàu có đủ.
Mấy hôm trước nhân trời mưa lạnh, mấy anh em rủ nhau ra quán “chống mỏi”,  bàn bên cạnh các bác thợ mới tan ca đang lưng chừng bữa nhậu hứng thú lên “bàn chuyện quốc sự” tất nhiên lại đề tài “tham nhũng”.  Một bác mở đầu câu chuyện rằng “Trên đời cái gì mấy thằng nớ (chỉ những người tham nhũng) cũng ăn được, ăn rất tài, từng tí nhỏ nhỏ một mà nhân lên thì thành một cục, một đống!”. Xem chừng mấy bạn nhậu vẫn chưa hiểu, bác ta đắc chí “Bay không biết à, đi bộ đội rồi mà không biết, không thấy mấy khẩu súng AK đó, vì răng có khẩu đầu nòng tròn mà có khẩu bị sứt đi miếng tề, bay coi cứ cưa bớt một miếng sắt như rứa nơi nòng súng mà nhân hàng triệu khẩu súng thì thành mấy tạ, mấy tấn sắt, đem tính ra tiền thì mấy rổ hi!” . Cả nhóm thợ đều lè lưỡi, lắc đầu tỏ vẻ thất vọng, vì họ là cánh thợ phần tính toán  thì họ nhanh “Chao ơi! Ăn có khoa học tởm!”. Thoạt đầu tôi cứ tưởng họ đùa nhau, mượn lý do để vui vẻ sau những giờ lao động trên công trường ở Ngã sáu Hùng Vương, thế nhưng càng lúc câu chuyện nòng sung ấy có vẻ “nghiêm túc” chứ không phải chuyện đùa vui. Mâm nhậu toàn thợ bàn tán, chửi rủa “mấy ông nớ ăn chi mà tởm!”, “rứa vẹ đánh đấm chi với bọn vô xâm lược!” lại còn “cái xã hội ni bựa ni rứa rồi đỏ”,… Anh em chúng tôi rất muốn sang “giao lưu” để giải oan cho cái nòng súng ấy lắm nhưng xem chừng bên kia đã say khướt, lại đang cao trào nên đành thôi, cứ mặc họ suy diễn.
Tôi không trách cánh thợ ấy, có thể họ ít hiểu biết về vũ khí nên đôi khi suy nghĩ không đúng, lúc thảo luận nêu ví dụ không hợp lí như hình ảnh nòng súng AK bị vát ấy. Súng AK nguyên bản đầu nòng tròn, khi bắn có độ giật nảy rất lớn làm ảnh hưởng đến kết quả bắn cho nên các nhà khoa học đã cải tiến AK nguyên bản thành AKM với đầu nòng vát. Cách thiết kế như vậy, lúc viên đạn đi ra khỏi nòng súng ít sai lệch so với đường ngắm, đạt hiệu quả bắn tốt hơn. Cải tiến đầu nòng súng AKM còn làm giảm độ giật, nảy của súng, súng bắn ổn định, đường ngắm ít bị xê dịch. Chỉ đơn giản thế thôi thế nhưng các bác thợ lại suy diễn thật “sâu xa”. Đúng là người ta “cố tình bớt đi ít thép” nhưng cố tình có khoa học, cố tình để cải tiến sản phẩm chứ người ta có cố ý ăn gian mẩu thép đầu nòng ấy để bỏ túi như các bác nghĩ đâu.
Những câu chuyện tương tự như câu chuyện của các bác thợ trong quán nhậu không phải là hiếm gặp trong xã hội. Nhất là khi dân ta rất nhiệt tình hưởng ứng “phòng chống tham nhũng”, báo đài ngày ngày loan tin tham nhũng chỗ này, chỗ nọ thì phong trào ấy càng dâng cao bằng nhiều hình thức, có cả những cuộc thảo luận bàn nhậu, cà phê. Nhiệt tình tham gia đó là vốn quý, nó thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với việc xây dựng cơ quan Nhà nước và xã hội tốt đẹp, nhưng nhiệt tình mà thiếu hiểu biết, không phân biệt tốt xấu, nhìn nhận một cách chủ quan, phiến diện, không thấy rõ bản chất, nguồn gốc sự việc, hiện tượng thì thật sự đó là phá hoại. Ví dụ như chuyện một cây cầu mới xây hàng chục tỷ đồng thế nhưng qua trận lụt lớn cầu đã hư hỏng, báo chí và người dân kêu lên “do tham nhũng, ăn chia nên làm ẩu dẫn đến mới một trận lụt đã hư”, nếu bình tĩnh xem xét người ta sẽ không vội vàng kết luận như vậy. “Mới một trận lụt đã hư” phải xem trận lụt ấy nó to nhỏ thế nào, nước chảy xiết gây ngập lụt cả tỉnh, cơn lũ tương đương như năm 1999 như thế thì cây cầu không chịu nổi cũng trước sức nước là lẽ đương nhiên. Trận “đại hồng thủy” ấy dù có 10 cây cầu cũng gãy chứ đừng nói một. Từ bao giờ báo chí và người dân thích gì phát biểu ấy mà quên đi việc suy tính khách quan, nhiều chiều.
Bệnh "nhìn đâu cũng thấy tiêu cực" ấy khiến cho con người ta nhìn đời sống chỉ một nữa, đi đâu cũng chỉ thấy cái xấu, cái tiêu cực mà quên rằng cái tốt đẹp luôn hiện hữu quanh ta
                                P.T.H.A