Tái hiện lễ tế Thanh Bình từ đường theo nghi thức triều Nguyễn

Sáng 16/8, tại Thanh Bình từ đường (kiệt 281 đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tái hiện lại lễ tế Thanh Bình từ đường theo nghi thức dưới triều Nguyễn.

Cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tham dự lễ tế

Theo NSND Phan Thị Bạch Hạc – Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, lễ tế tổ ở Thanh Bình Từ đường trước đây được cử hành rất trọng thể, thường diễn ra trong ba ngày. Mỗi khi có đại lễ sẽ tiến hành chuẩn bị trước cả tháng. Các gánh hát bội ở xa cũng phải lo sắm sửa lễ vật, cử người đại diện về tham dự.

Ngày đầu tiên làm lễ cáo và chuẩn bị. Ngày thứ hai là ngày lễ chính, có lễ tế rất trang trọng, có phần hát Thất kích và Chèo lễ Đại đàn. Ngày thứ ba làm lễ tạ và thu dọn. Tuy nhiên sau khi triều Nguyễn cáo chung, các nghi thức của lễ tế đã bị mai một dần và được đơn giản hoá rất nhiều, cuộc lễ chính chỉ kéo dài trong vòng nửa ngày.

"Tam tinh chúc thọ" được biểu diễn trong lễ tế

Thanh Bình Từ đường là nhà thờ tổ ngành hát bội lớn nhất trên cả nước, được xây dựng năm 1823 trong khuôn viên của Thanh Bình Thự ngày xưa. Nay thuộc địa phận phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Sự tồn tại của ngôi nhà thờ này gắn liền với lịch sử phát triển của nghệ thuật Tuồng Huế.

Từ thời các chúa Nguyễn, nghệ thuật Tuồng đã được phát triển thành một thứ “quốc kịch” của Đàng Trong và được nâng lên vị thế đỉnh cao trong lịch sử phát triển của mình với sự hình thành phong cách Tuồng cung đình. Cũng chính vì thế, ngôi Từ đường dành cho các vị tổ ngành Tuồng lớn nhất cả nước đã được xây dựng tại Huế và còn được gìn giữ cho đến ngày nay.

Theo Thừa Thiên Huế online