Đường sách nào cho Huế?

 

Một con đường dành riêng cho sách – mơ ước tưởng chừng nhỏ nhoi ấy của người quan tâm đến văn hóa đọc sau rất nhiều năm mới xuất hiện. Nhưng chỉ thí điểm hơn một năm (từ tháng 5/2018), đường sách Hai Bà Trưng có khả năng phải đóng cửa trước những sai phạm được đoàn liên ngành chỉ ra.

Theo các chuyên gia, đường Bà Huyện Thanh Quan tuy ngắn nhưng có lợi thế gần với không gian đường đi bộ với hệ thống thư viện, bảo tàng, phù hợp với việc hình thành đường sách

Từ không gian luộm thuộm, chắp vá

Hoạt động hơn một năm qua, đường sách Hai Bà Trưng chưa kịp ghi lại dấu ấn thì liên tiếp tạo ra tai tiếng bởi có nhiều phản ánh của người dân, như tình trạng lộn xộn, sách giả, sách lậu...

Anh Phạm Tấn Xuân Cao (TP. Huế) đang làm công việc liên quan đến sách và xuất bản đến thời điểm này tỏ ra thất vọng về đường sách. Sau một vài lần có việc cần đến đường sách, anh Cao nhận ra, mọi thứ ở không gian này chắp vá, luộm thuộm. Đa số sách là sách cũ và đã qua sử dụng, rất ít sách mới, số lượng đầu sách không phong phú trên các mảng/lĩnh vực…

Đồng quan điểm, anh Huỳnh Anh Thuận, giảng viên một trường đại học trên địa bàn TP. Huế, chỉ ra một vài điểm thất bại đường sách, đầu tiên là yếu tố địa lý. Anh Thuận cho rằng, dù nằm ở vị trí trung tâm thành phố nhưng con đường này lưu lượng xe qua lại đông đúc, bụi bặm, thiếu cây xanh… không phù hợp với không gian đường sách, chưa nói xa hơn tổ chức các hoạt động liên quan.

Trước những phán ảnh của khách hàng, nhiều lần các cơ quan chức năng đã kiểm tra, nhắc nhở nhưng đơn vị chủ quản vẫn tái phạm. UBND TP. Huế đã cho lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động đường sách và phát hiện nhiều tồn tại. Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Huế - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, vào đầu tháng 6 vừa rồi, đoàn kiểm tra liên ngành đã có kiến nghị lên Chủ tịch UBND TP. Huế xem xét, chấm dứt việc triển khai thí điểm không gian đường sách. Đáp lại, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế đồng tình và đề nghị các cơ quan liên quan tiến hành thủ tục để hủy thí điểm.

 Không gian đường sách nhưng đường sách Hai Bà Trưng chủ yếu là sách cũ

Và ước mong một đường sách đúng nghĩa

Nhiều người yêu văn hóa đọc cho rằng, đường sách không chỉ bán sách thuần túy, mà ở đó còn là một không gian văn hóa mở cho các hoạt động tạo lập thói quen và cổ vũ cho tri thức, cho văn hóa đọc. Xa hơn, không gian đường sách còn trở thành không gian hội tụ quan trọng cho những cuộc gặp gỡ vượt ra ngoài giới làm sách.

 Đường sách Hai Bà Trưng dù nằm vị trí trung tâm nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đây không phải là địa điểm hợp lý

Bạn trẻ Phan Thị Thanh (sinh viên ĐH Ngoại ngữ Huế) mong muốn có một không gian sách đúng nghĩa. Theo Thanh, đó không phải chỉ là điểm đến mua, đọc sách rồi về mà đây còn phải là không gian văn hóa, sự kiện, và lễ hội. “Ở đó không chỉ sinh viên như tụi mình mà các bạn nhỏ, ông bà lớn tuổi có thể đến vui chơi, thoát ra đường sách nó còn phải là nơi gắn kết cộng đồng, gắn kết tình bạn, gia đình”, Thanh mong muốn.

Đoàn kiểm tra liên ngành UBND TP. Huế đã chỉ ra một số sai phạm của không gian đường sách Hai Bà Trưng trong thời gian qua như lấn chiếm vỉa hè, vị trí lắp đặt nhà vệ sinh không đảm bảo mỹ quan, một số mặt hàng kinh doanh như đồ gốm và nước mía không nằm trong phạm vi đề án. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng cho hay, hệ thống đường dây điện của đường sách không đảm bảo an toàn; chưa trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy, chưa xuất trình xử lý tình huống cháy nổ và phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng cảnh sát PCCC.

Cũng tại thời điểm kiểm tra, phía công ty chủ quản đường sách cũng chưa xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy đăng ký hoạt động phát hành với Sở Thông tin và Truyền thông; chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ của 33 xuất bản phẩm. Đoàn kiểm tra đã ghi hình toàn bộ nội dung kiểm tra và niêm phong 11 đồ gốm, 33 xuất bản phẩm.

Tương tự, chị Nguyễn Thu Hoài (TP. Huế) kể đã từng đưa con mình đến đường sách Hai Bà Trưng nhưng con tỏ vẻ không hài lòng. Theo chị Hoài, cần điều chỉnh lại đường sách sao cho hợp lý: “Ngoài nơi có nhiều cây xanh bóng mát, người điều hành đường sách phải tổ chức không gian sao cho khoa học, không gian nào cho người lớn, không gian nào cho trẻ nhỏ, không gian nào cho cả hai. Bên cạnh đó, những ngày cuối tuần phải có các sự kiện liên quan như thế mới thu hút được mọi người, từ đó văn hóa đọc mới lan tỏa.

Từng có một đợt lấy ý kiến các chuyên gia về việc hình thành đường sách cho Huế trước khi đường sách Hai Bà Trưng chính thức được phép thí điểm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) nhớ lại, cách đây hơn một năm được UBND TP. Huế mời góp ý về việc triển khai đường sách. Ông và nhiều người khác đã đề xuất đường Bà Huyện Thanh Quan với rất nhiều lợi thế bởi đây là con đường ngắn, gần với không gian đường đi bộ, hệ thống thư viện, bảo tàng… nhưng không hiểu vì sao không được áp dụng thí điểm.

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Huế thừa nhận, có rất nhiều tuyến đường được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đề xuất, trong đó có tuyến đường Bà Huyện Thanh Quan. Tuy nhiên, khi họp với các phòng liên quan thì không tán thành vì bị cắt ngang bởi đường Lê Lợi, không đảm bảo an toàn giao thông. Sau đó các phòng đưa ra một vài đề xuất các tuyến đường nhưng các nhà xuất bản, nhà sách không mặn mà nên không đầu tư vì sợ không hiệu quả.

Dù tâm sự rất trăn trở và mong muốn có một đường sách đúng nghĩa, nhưng bà Dao bảo không hề đơn giản. “Việc đầu tư một đường sách không đơn giản. Thành phố kêu gọi xã hội hóa thì các doanh nghiệp không mặn mà, ngược lại một số tuyến đường mà doanh nghiệp yêu cầu thì thành phố thấy không khả thi. Họ chỉ muốn đầu tư ở những trục đường gần cầu Trường Tiền, gần sông Hương nhưng quan điểm thành phố những tuyến đường gần đó ngắn, diện tích nhỏ…”, bà Dao nói.

TS. Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế: Cần có những tủ sách đặc trưng

Để làm nên một đường sách cần phải có tầm nhìn, có nghĩa cần có một đơn vị điều hành từ hình thức cho đến nội dung. Không gian đường sách phải đặt ở trong một không gian tổng thể, gần các trung tâm văn hóa, có nhiều người đi bộ qua lại, các gian hàng phải được thiết kế mang đặc trưng Huế. Ngoài những gian hàng sách của các đơn vị xuất bản, các nhà sách, cần có những tủ sách đặc trưng, giá trị của Huế như văn hóa, lịch sử, du lịch, y khoa… Để làm được chuyện này vấn đề vẫn ở con người. Cần có một đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp để thẩm định, quản lý và cấp phép.

Một nhà nghiên cứu, sưu tầm sách xin giấu tên: Chọn lựa những nhà xuất bản có tâm huyết

Thà muộn còn hơn không, đã đến lúc phải làm lại một con đường sách trọn vẹn, đúng nghĩa cho Huế. Để làm được việc này cần phải học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị từng tổ chức thành công đường sách các địa phương bạn. Nhưng quan trọng hơn hết cần phải tập hợp, chọn lựa các nhà xuất bản, nhà sách tham gia đủ điều kiện, tâm huyết, tầm cỡ; phải thường xuyên cập nhật sách mới và hay; phải có những tủ sách thật sự giá trị.

Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) Nguyễn Xuân Hoa: Không thể vội vàng

Để làm được đường sách, cần phải xác định lộ trình rõ ràng, không thể vội vàng, bước đi chậm nhưng chắc. Trong đó, vai trò từ phía chính quyền rất quan trọng, phải làm nhiệm vụ “bà đỡ” để thúc đẩy, quảng bá, nuôi dưỡng, ươm mầm cho đường sách những ngày đầu khởi tạo. Bản thân đường sách cũng phải tạo ra được tính đa dạng, bên cạnh sách cần phải có những mặc hàng khác như văn hóa phẩm, hàng lưu niệm… bổ trợ cho việc thu hút du khách, sinh động cho không gian. Làm sao để những ai đến với đường sách cũng cảm nhận được tính thân thiện, thoải mái, vừa đọc sách vừa thư thả ngắm nhìn thành phố thơ mộng...

Ông Hà Huy Chiến, Giám đốc Công ty CP sách Huế C&C – đơn vị khai thác đường sách Hai Bà Trưng: Nhận sai và xin cải tiến

Tôi thừa nhận những tồn tại mà đoàn kiểm tra liên ngành chỉ ra là đúng. Quá trình lập đề án bản thân có hơi… vội vàng. Ý định ban đầu là cùng phối hợp một đơn vị đối tác chuyên lo đầu vào sách mới, còn công ty tôi sẽ lo khâu nhập sách cũ để phục vụ cho đường sách. Thế nhưng, đến ngày đường sách đi vào hoạt động thì phía đối tác rút lui nên công ty phải “ôm” luôn cả khâu sách mới, sách cũ. Vì thế, chỉ đảm bảo 10% sách mới, còn lại là sách cũ, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát, để xảy ra nạn sách lậu, việc kinh doanh cũng rơi vào tình trạng thua lỗ. Tôi sẽ làm việc, xin nhận sai, và xin thời gian hai tháng để cải tiến. Sau đó trình đề án mới định hướng đầu tư dài hơn có sự giám sát chặt chẽ từ thành phố.

NHẬT MINH (ghi)

Bài, ảnh: PHAN THÀNH