CÁC VỊ THUỐC MANG TÊN RỒNG

Do là biểu trưng của sự cao đẹp, may mắn, ẩn chứa những khả năng mầu nhiệm và sức sống bất diệt, nên con rồng (long) được mượn tên cho nhiều vị thuốc quý Việt Nam.

Ban long

Ban long nghĩa là rồng đốm, rồng khoang. Vị thuốc bổ rất quý này là một thứ cao chế từ thành phần chính là gạc (sừng) con hươu sao (vì hươu có đốm nên gọi là ban long - rồng đốm). Cao ban long dùng để bồi dưỡng sức khỏe và chữa được nhiều bệnh, đặc trị các chứng suy nhược, gầy yếu, mồ hôi trộm, đi tiểu nhiều, chân tay nhức mỏi, ho lao, ho gà, chảy máu dạ dày, nôn ra máu.

Đại y sư Hải Thượng Lãn Ông còn kết hợp cao ban long với long nhãn để tăng tác dụng của chúng, tạo ra một vị thuốc mới gọi là nhị long ẩm (thuốc uống chế từ hai loại rồng).

Địa long

Địa long nghĩa là rồng [sống trong] đất. Vị thuốc này chế bằng cách đem con giun đất rửa sạch, mổ bỏ nội tạng, phơi hay sấy khô rồi tán thành bột hoặc sắc uống. Địa long dùng chữa nhức đầu, hoa mắt, sốt rét, cương cứng mạch máu, cao huyết áp rất công hiệu. Nó cũng có tác dụng tốt đối với những người bị bệnh gan.

Hải long

Các vị thuốc mang tên Rồng -0
Hải long khô

Hải long nghĩa là rồng biển. Đây là loài động vật không xương sống và có màu sắc thay đổi theo màu rong biển nơi nó sống. Hải long dài 20-35cm, có mũi dài và mỏ giống như cái ống, trên thân có nhiều dải tua mảnh dẻ. Nó bơi rất chậm. Con cái đẻ trứng vào túi dưới bụng con đực. Hải long con phát triển từ mầm phôi trong túi đó và sau 6-7 tháng mới rời khỏi bố.

Hải long được dùng làm thuốc bổ dưới dạng nguyên con còn tươi ngâm vào rượu mạnh hoặc đem phơi sấy khô rồi sắc uống, có tác dụng bồi dưỡng cho người già, ốm yếu và chữa các bệnh thần kinh, suy nhược.

Long diên hương

Long diên hương nghĩa là nước có mùi thơm của rồng. Đây là dung dịch lấy từ cá voi và thường được dùng làm hương liệu trong sản xuất nước hoa. Theo y học cổ truyền, long diên hương có tác dụng hành khí, hoạt huyết, giảm đau, được sử dụng để chữa các chứng ho, hen, nấc, đau vùng tim, đau bụng, với liều dùng 0,3-1,5g mỗi lần.

Long y

Long y nghĩa là áo [của] rồng. Vị thuốc này thực ra là xác con rắn lột được dùng bôi xoa bên ngoài làm thuốc sát trùng, trị ghẻ lở hoặc dùng uống để chữa đau cổ họng và trẻ con động kinh co giật.

Thiên long

Thiên long nghĩa là rồng trời. Đây chính là con rết. Loài động vật chân đốt này có thân hẹp ngang, dẹt, dài 7-15cm (có thể dài đến hơn 20cm) gồm 20-22 khoanh đốt kích thước gần bằng nhau, mỗi đốt mọc ra 2 chân. Đầu tròn ngắn, có râu dài hơn chân. Miệng mang răng nhọn sắc và tuyến độc. Lưng màu nâu đỏ hoặc nâu đen, bụng vàng nâu. Thiên long (rết) sống hoang ở những nơi ẩm thấp, tối tăm (tảng đá, lá cây, gỗ mục, mái nhà tranh, góc khuất các đồ vật…), ăn sâu bọ và đẻ trứng vào tháng 3 đến  tháng 5.

Thiên long con có màu trắng, sau lột xác mới biến thành màu nâu đỏ. Thiên long tươi đem ngâm rượu hoặc phơi sấy khô, có vị cay, hơi mặn, tính ấm, hơi độc, mang tác dụng khử phong, trấn kinh, giải độc, sát khuẩn. Nó dùng để chữa chín mé - đầu ngón tay sưng đau (đem phơi sấy khô, tán bột, hòa với mật lợn, bôi nhiều lần trong ngày), trị mụn nhọt sưng đỏ, đau nhức, áp xe (dùng con to ngâm lâu trong rượu mạnh, ngày bôi 1-2 lần), chữa trĩ (đem sấy khô, tán mịn, trộn với ít bột long não, bôi hàng ngày), trị ung nhọt, mụn mạch lươn ở trẻ em (đem đốt cháy, tán mịn, trộn với nhựa thông, dầu lạc và vôi bột, ngày bôi 1-2 lần), chữa liệt thần kinh, đau nhức, tê thấp, kinh phong, co giật, cấm khẩu (đem tán mịn trộn với bột cam thảo, ngày uống 3 lần, mỗi lần 0,5g).

Long cốt

Long cốt nghĩa là xương rồng, còn gọi là cây xương rồng ông, bá vương tiên. Đây là loài cây thân mọng nước, cao vài mét, chia cành nhiều, mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh, làm hàng rào. Cành dày có 3 cạnh lồi và dẹt, màu lục sẫm. Lá rất ít, nhỏ, dày, mọc trên cạnh lồi của cành; còn hoa màu vàng, hình chén, mọc ở chỗ lõm của mép cành. Toàn thân có nhựa mủ trắng. Xương rồng mang vị đắng, tính hàn, có độc.

Thân cây có tác dụng tiêu thũng, thông tiện, sát trùng; lá có tác dụng thanh nhiệt, hóa trệ, giải độc, hành ứ; nhựa có tác dụng tả hạ, trục thủy, chống ngứa; còn nhị hoa có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thũng. Vì vậy, thân và cành cây xương rồng dùng chữa đòn ngã, sưng đau, mụn nhọt, viêm mủ da, đau răng, sâu răng, đau lưng, thống phong. Lá chữa bí đại và tiểu tiện do tích ứ gây ra, đinh sang, nhọt độc. Nhựa dùng để tẩy, trị xơ gan, cổ trướng, ngứa, nấm ngoài da, mụn cóc trên da, báng, thấp khớp, đau răng.

Long đởm thảo

Long đởm thảo nghĩa là cỏ mật rồng. Đây là loài cây bụi, sống lâu, cao 40-60cm, mọc rải rác khắp cả nước, nhiều nhất ở Tây Nguyên. Thân đứng, có nhiều đốt. Lá mọc đối, không cuống. Rễ nhiều, tua tủa thành chùm dài đến 20cm. Long đởm thảo mang vị đắng, tính hàn, vào ba kinh can, đởm và bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, an thần, lợi tiểu, tiêu thực, tiêu viêm, trị nhọt độc, sưng lở. Có thể dùng cả ở dạng tươi (giã nát lấy bã đắp, nước uống) hoặc khô (phơi sấy rồi tán bột bôi hoặc sắc nước uống).

Long huyết

Các vị thuốc mang tên Rồng -0
Cây huyết dụ

Long huyết nghĩa là máu rồng, còn gọi là cây huyết dụ, thiết thụ. Cây nhỏ, cao khoảng 2m, thân mảnh ít phân nhánh, được trồng ở nhiều nơi để làm cảnh và làm thuốc. Lá dài hình lưỡi kiếm, màu đỏ tía. Quả mọng, hình cầu. Long huyết mang vị nhạt, tính mát, bình, vào hai kinh can và thận, có tác dụng làm mát, cầm máu, tan ứ máu, giảm đau. Lá long huyết dùng làm thuốc chữa rong huyết, băng huyết (không được dùng trước khi đẻ hoặc đẻ rồi còn sót rau), xích bạch đới, thổ huyết, lỵ ra máu, đái ra máu, trĩ, ho ra máu, sốt xuất huyết. Rễ và lá chữa vết thương, phong thấp đau nhức. Liều lượng dùng mỗi ngày là 8-16g rễ, lá khô hoặc 16-30g lá tươi.

Long não

Long não nghĩa là óc rồng. Vị thuốc này là một chất óng ánh màu trắng, chiết xuất từ lá, cành, thân, rễ của cây long não hay chương não - vốn mọc hoang dại hoặc được trồng phổ biến ở các địa phương miền Bắc nước ta. Là thuốc trợ tim, long não được sử dụng làm thành phần chính để điều chế các loại thuốc bổ tim, hồi tim, ngừa suy tim. Trong y học dân gian, long não thường được dùng làm thuốc xoa bóp, chữa đau nhức, thấp khớp và sát trùng.

Long nha thảo

Các vị thuốc mang tên Rồng -0
Cây long nha thảo

Long nha thảo nghĩa là cỏ răng rồng. Loài cây thảo này sống lâu, cao 40-50cm, mọc ở vùng đồi núi miền Bắc. Thân mọc đứng màu đỏ nhạt, có vạch dọc và lông trắng. Lá kép mọc so le, mép lá hình răng nhọn. Dùng dưới dạng phơi sấy khô rồi sắc uống, long nha thảo mang vị đắng, chát, tính ấm, vào bốn kinh tâm, phế, can và thận, có tác dụng thu liễm, chỉ huyết, chỉ lỵ, giải độc, nên dùng chữa trị nổi hạch, tràng nhạc, mụn nhọt, chảy máu cam, thổ huyết, băng huyết, đại tiện ra máu… rất hiệu quả.

Long nhãn

Các vị thuốc mang tên Rồng -0
Quả nhãn

Long nhãn nghĩa là mắt rồng. Vị thuốc này chính là cùi quả nhãn phơi hoặc sấy khô. Lành và bổ, nó được dùng để tăng lực, đồng thời đặc trị những bệnh về thần kinh (mất ngủ, hay hoảng hốt, hồi hộp, thần kinh suy nhược, rối loạn nhịp tim...).

Thanh long

thanh long.jpg -0
Cây thanh long

Thanh long nghĩa là rồng xanh. Đây là loài cây leo bám, được trồng nhiều ở các tỉnh từ Ninh Thuận trở vào Nam. Thân cây rất dài với 3 cạnh rộng như cây xương rồng, nhưng không có nhựa mủ. Hoa nhỏ, mọc thành chùm, có lông. Quả hình trái xoan, đường kính 8-10cm, vỏ quả màu đỏ hồng, ruột màu trắng đục, vàng nhạt hoặc tím hồng, chứa hạt đen li ti như hạt vừng. Thanh long mang vị ngọt, tính hơi hàn. Quả thanh long khá ngon, mát, có tác dụng giải khát, giải nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng. Hoa thanh long có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, giải độc, chỉ khái (ngừng ho).

Phục long can

Phục long can nghĩa là gan của con rồng đang ngủ. Vị thuốc này chế từ đất lấy giữa lòng bếp (bếp đun củi, rơm rạ, cỏ lá... đặt trên nền đất kết dính). Có lẽ vì đất đó màu vàng nâu giống màu gan và vị thuốc tuy bình thường nhưng quý giá nên mới gọi là gan của con rồng đang ngủ (?). Dùng dưới dạng thuốc sắc để uống, phục long can chữa trị công hiệu bệnh thổ huyết, băng huyết, tiểu tiện ra huyết và các chứng nôn mửa, đầy bụng, ợ chua.

Ô long vĩ

Ô long vĩ nghĩa là đuôi con rồng đen. Vị thuốc này chính là bồ hóng bám dính vào mạng nhện trên những bếp đun bằng củi, rơm rạ, cỏ lá... Là thứ than thảo mộc rất mịn, nhỏ, sạch, khô, nó được dùng để sát trùng và cầm máu cực tốt.

CAND online