DẤU ẤN CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN TRONG LỄ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 2/9/1945

Lễ Tuyên ngôn độc lập kết thúc trong không khí thiêng liêng phấn khởi. Buổi lễ với quy mô lớn đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối, biển người tại quảng trường Ba Đình lại cuồn cuộn đổ về các con phố Hà Nội với hoa, cờ đỏ sao vàng. Muôn người như một cùng hô vang khẩu hiệu: Ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh, Việt Nam độc lập muôn năm.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, hàng chục vạn đồng bào tập trung tại đây để dự mít tinh chào mừng Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân. Trong thời khắc đặc biệt này, lực lượng CAND tự hào khi được đảm đương và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp bảo vệ an toàn lễ Tuyên ngôn độc lập và các cuộc mít tinh mừng độc lập của nhân dân các địa phương trong cả nước. Qua đó góp phần làm nên một ngày trọn vẹn niềm vui của non sông đất nước.

Đúng 14h ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân đồng bào cả nước và toàn thế giới về sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công - nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Thật nhiều cảm xúc khi được đứng trước quảng trường Ba Đình và chứng kiến lá quốc kỳ tung bay trong gió, nhớ lại những thời khắc lịch sử của dân tộc, trong đó có nhiều mốc son chói lọi diễn ra tại chính nơi này cách đây 78 năm. Góp phần làm nên một ngày trọn vẹn niềm vui, lực lượng CAND tuy mới chính thức được thành lập vào ngày 19/8/1945, song đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử đầu tiên của mình: Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn lễ Tuyên ngôn Độc lập và các cuộc mít tinh mừng độc lập của nhân dân các địa phương trong cả nước.

Được có mặt, được cống hiến công sức trong thời khắc lịch sử của dân tộc, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, với những CBCS CAND khi đó, không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào, để giờ đây, dù chỉ còn những bức ảnh đen trắng đã phai màu cùng thời gian thì với họ đều là những kỷ vật vô giá của cuộc đời.

78 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tấm ảnh đen trắng này vẫn được ông Phạm Gia Đốc trân trọng lưu giữ như một bảo vật vô giá của cuộc đời. Tại thời điểm đó, ông Đốc chính là Đội trưởng Đội trinh sát Sở Liêm phóng Bắc Bộ, đơn vị được giao nhiệm vụ đặc biệt tham gia bảo vệ Lễ đài Tuyên ngôn độc lập. Với ông, đó là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng và đáng tự hào.

Dấu ấn của lực lượng Công an trong lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 -0
Những bức ảnh đen trắng đã phai màu cùng thời gian nhưng là những kỷ vật vô giá đối với những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài Độc lập như ông Phạm Gia Đốc.
Dấu ấn của lực lượng Công an trong lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 -1
Ông Phạm Gia Đốc xúc động cho biết, mốc son đặc biệt đó là những giây phút hạnh phúc nhất đời ông, khi ông được nhận nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài Độc lập.

“Lúc đó cũng thấy lo bởi vì mình mới vào nghề. Lo làm sao bảo vệ Lễ đài độc lập được an toàn. Tất cả bảo nhau chúng mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ…” - ông Phạm Gia Đốc xúc động nhớ lại và cho biết, mốc son đặc biệt đó là những giây phút hạnh phúc nhất đời ông, khi ông được nhận nhiệm vụ bảo vệ Lễ đài Độc lập.

Trước bối cảnh tình hình chính trị đất nước khi ấy còn nhiều phức tạp, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã phân công lực lượng Sở Liêm phóng Bắc Bộ, Sở Trinh sát Trung Bộ và Quốc gia Tự vệ Cuộc Nam Bộ phối hợp với các lực lượng vũ trang khác bảo vệ buổi lễ trọng đại này. Để đảm bảo bí mật, các lực lượng bảo vệ chỉ được thông báo nhiệm vụ trước hôm diễn ra sự kiện đúng hai ngày.

Trong buổi lễ, lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ được bố trí bảo vệ từ vòng trong đến vòng ngoài khu vực khán đài cũng như khu vực quần chúng nhân dân dự mít tinh. Người vinh dự được giao nhiệm vụ tiếp cận, bảo vệ trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh là đồng chí Chu Đình Xương, Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, nhằm biểu dương sức mạnh công cụ chuyên chính của chính quyền, nhân dân mới ra đời, lực lượng Cảnh sát được bố trí thành một khối tham dự mít tinh.

Dấu ấn của lực lượng Công an trong lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 -0
Lực lượng bảo vệ lễ đài ngày 2/9/1945. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

Theo Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Công an: Công an được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyệt đối tin cậy giao nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp ngày lễ. Bên cạnh đó, tham gia vào công tác kiểm tra, kiểm soát và bảo vệ quá trình chuẩn bị buổi lễ… Sở Liêm phóng Bắc Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho các thành viên của Chính phủ trên lễ đài, cũng như trong quá trình di chuyển. Có thể nói, đây là một sự cố gắng rất lớn của lực lượng Công an, bởi lúc đó quân số còn rất ít, tình hình thì vô cùng phức tạp, sự chống phá của các thế lực phản cách mạng rất quyết liệt.

Lễ Tuyên ngôn độc lập kết thúc trong không khí thiêng liêng phấn khởi. Buổi lễ với quy mô lớn đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối, biển người tại quảng trường Ba Đình lại cuồn cuộn đổ về các con phố Hà Nôi với hoa, cờ đỏ sao vàng. Muôn người như một cùng hô vang khẩu hiệu: Ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh, Việt Nam độc lập muôn năm.

Lực lượng CAND tự hào đã ghi dấu ấn thiêng liêng khi đảm đương và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp bảo vệ an toàn tuyệt đối cho buổi lễ.

https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/dau-an-cua-luc-luong-cong-an-trong-le-tuyen-ngon-doc-lap-2-9-1945-i705778/