Cú sốc của các nước thực dân

Chiều 22-8-1945, một đoàn xe Nhật đưa nhóm “Con Nai” của Văn phòng Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) tiến vào Hà Nội, có nhiệm vụ giải giáp quân Nhật và tiếp quản tù nhân Đồng minh. Trong đoàn còn có 4 người Pháp đến với mục đích tái vũ trang lực lượng Pháp trong thành phố, đồng thời móc nối với quân Pháp đang trú tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình tại Hà Nội khi đó khiến tất cả bất ngờ…

Chiều hôm đó, Hà Nội khá yên bình, trật tự. Người dân hiếu kỳ đứng hai bên đường theo dõi đoàn xe. Nhiều tốp lính Nhật vẫn đi bộ hoặc đi bằng xe tải trên phố. Nhưng ngay khi đi sâu hơn vào nội thành, cảnh tượng khiến những người Pháp núp bóng phái bộ của OSS bị choáng ngợp.

Đường phố Hà Nội được trang hoàng rực rỡ bởi vô số lá cờ đỏ có ngôi sao vàng ở trung tâm, lá cờ của Việt Minh. Những băng rôn căng ngang đường lớn với khẩu hiệu viết bằng nhiều thứ tiếng: “Nước Việt Nam của người Việt Nam” hay “Đánh đuổi thực dân Pháp. Chào mừng quân Đồng minh” khiến Jean Sainteny, người tự coi là đại diện của chính phủ Pháp tại Đông Dương phải lắc đầu ngỡ ngàng. Trong khi đó, nhóm quan chức Pháp lại bị chính phe Đồng minh cấm không được treo lá quốc kỳ ba màu trên xe của mình.

Cú sốc của các nước thực dân
Lễ đón đại biểu quốc dân ra mắt tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) ngày 28-8-1945.

Những người bảo đảm trật tự tại Thủ đô lúc này thuộc lực lượng Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vừa từ chiến khu về, có tổ chức, quân phục, vũ khí đầy đủ. Đại tá Archimedes Patti, trưởng nhóm tình báo Mỹ trong đoàn nhận xét họ trông rất có dáng dấp một quân đội quốc gia, quân đội của nhân dân Việt Nam.

Ngay sau khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện các nước Đồng minh, quân và dân Việt Nam đồng loạt đứng lên giành chính quyền. Ngày 19-8, khởi nghĩa diễn ra một cách táo bạo ở Hà Nội sau khi lệnh phát động được đưa ra chỉ hai ngày trước đó. Tuy phải chuẩn bị gấp rút, cuộc tuần hành của quần chúng diễn ra với quy mô lớn chưa từng thấy. Thậm chí không hề có thương vong trong ngày Hà Nội tổng khởi nghĩa.

Hàng loạt những diễn biến trên trường quốc tế từ đầu năm 1945 dẫn tới thời cơ có một không hai cho cách mạng. Trước thất bại ngày càng hiện rõ, phát xít Nhật liên tiếp thực hiện các biện pháp giành ảnh hưởng tại Đông Dương từ tay Pháp, do khu vực này là nguồn cung lương thực, vật tư chiến tranh dồi dào. Quan trọng hơn, Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam còn là “cầu nối” chiến lược giúp quân Nhật rút lui từ Đông Nam Á về phòng thủ Mãn Châu và chính quốc qua ngả Trung Quốc.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, buộc vua Bảo Đại hủy bỏ Hòa ước Quý Mùi ký với Pháp năm 1883, dựng lên chính phủ bù nhìn của người Việt nhưng mọi quyền hành rơi vào tay Nhật. Trong những tháng tiếp theo, do người Pháp phần rút chạy về Côn Minh (Trung Quốc), phần lớn khác trở thành tù binh, lực lượng duy nhất tại Đông Dương theo Đồng minh chống Nhật chỉ có Việt Minh.

Việc hợp tác với Việt Minh được giao cho nhóm “Con Nai” của OSS, do Đại tá Archimedes Patti chỉ huy. Việt Minh đã giúp người Mỹ tìm kiếm phi công bị bắn rơi, phá hoại đường dây liên lạc của Nhật, đặc biệt là cung cấp những thông tin tình báo chính xác về quy mô, tổ chức quân Nhật tại Việt Nam. Ngày 13 và 16-8, đại diện của nhóm “Con Nai” còn chứng kiến hội nghị toàn quốc tổ chức ở Tân Trào, phát động tổng khởi nghĩa và thành lập chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Hưởng ứng chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phong trào chống Nhật là sự kết hợp sáng suốt của các sự kiện trên thế giới lúc bấy giờ. Cách mạng Việt Nam đã lựa chọn đúng thời điểm khi phát xít Nhật đang rệu rã và thực dân Pháp đang loay hoay tìm kiếm hướng đi mới để tái chiếm thuộc địa.

Từ phía Bắc, khoảng 5.000 quân Pháp do tướng Marcel Alessandri chỉ huy, vốn rút chạy về Côn Minh từ tháng 3, đang tìm cách quay trở lại nhân lúc quân Trung Hoa Dân quốc tiến vào. Tại miền Nam, nhiều đơn vị lê dương Pháp khác tận dụng vũ khí và tàu vận tải của Đồng minh viện trợ đang tiếp cận Sài Gòn. Quá trình giải giáp quân Nhật là cơ hội lớn cho thực dân áp đặt lại ách cai trị, tuy nhiên, cuộc tổng khởi nghĩa thành công chỉ sau vài ngày khiến Pháp không kịp trở tay.

Thất bại của phát xít Nhật góp phần đẩy khát khao độc lập của người dân Việt Nam lên mức cao nhất. Ngày 18-8, trong điện gửi các lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc, vua Bảo Đại thừa nhận, người Việt Nam không thể chấp nhận bị nước ngoài áp bức và cai trị nữa.

Quả thật, khi chứng kiến sự ủng hộ của tuyệt đại đa số nhân dân dành cho cách mạng, nhiều thành phần trong chính phủ thân Nhật đã đứng về phía Việt Minh. Quân Nhật còn đồng ý không can thiệp khi Việt Minh giành chính quyền, thậm chí nhiều nơi còn giao nộp vũ khí vì không chấp nhận đầu hàng người phương Tây hay Trung Quốc.

Trong bối cảnh phức tạp, vừa là cơ hội ngàn năm có một, vừa đầy nguy cơ ấy, cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra thần tốc, thành công chỉ sau một thời gian ngắn. Điều làm ngoại bang bất ngờ nhất là nó được lãnh đạo bởi một Đảng Cộng sản non trẻ, lực lượng ít ỏi, có quân đội chỉ chưa đầy một năm tuổi đời. Lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, nước Việt Nam đã thuộc về người Việt Nam.

Lê Mai (t/h)