CÓ MỘT BÀN THỜ “NGƯỜI KHAI CANH” LÀNG RỒNG

Bên trong ngôi nhà của một người dân làng Rồng, nơi trang trọng nhất được gia chủ đặt bàn thờ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người đặt tên cho ngôi làng này vào đúng 24 năm về trước, năm 2000.

Sức sống mới ở làng Rồng 

Đơn giản nhưng ấm cúng, bàn thờ ấy để chính gia chủ là anh Trần Văn Thu và người dân làng Rồng (phường Thuận An, TP. Huế) tưởng nhớ về công lao của “người khai canh” sau biến cố “đại hồng thủy” vào năm 1999.

Thuận An giờ đã lên phố, trước kia đây là một thị trấn biển thuộc huyện Phú Vang. Từ khi TP. Huế mở rộng về tận đây, mọi thứ đã ít nhiều đổi thay nhưng cái “chất biển” của bà con vùng này vẫn hiền hòa, dễ mến.

Chúng tôi tìm về làng Rồng của Thuận An những ngày cận kề Tết Giáp Thìn. Khó mà quên được, đúng 24 năm trước - năm Canh Thìn 2000, làng Rồng ra đời, tái thiết lại đời sống cho 64 hộ dân ở xóm biển Hải Thành. Họ là những hộ dân bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, của cải và những người thân ra biển… chỉ sau một đêm.

 Làng Rồng - ngôi làng từng được cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt tên và được người làng xem như là “người khai canh”

Không khó tìm ra căn nhà của anh Trần Văn Thu, người mất mát lớn nhất trong trận đại hồng thủy năm đó khi có đến 12 người thân của anh tử nạn, bao gồm: cha mẹ, anh em, dâu rể, cháu chắt. Căn nhà của anh Thu là 1 trong 64 căn nhà được chính lực lượng quân đội tái thiết và bàn giao cho người dân vào đúng Tết Canh Thìn năm 2000 dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào thời điểm đó.

Mỗi ngôi nhà rộng 24m2 với bà con khi đó rơi vào cảnh trắng tay như một giấc mơ. Về ngôi nhà mới vào đúng dịp Tết Canh Thìn, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đặt tên làng là làng Rồng để đánh dấu sự tái sinh, ước vọng khí thế vươn mình và sức sống mãnh liệt.

Nhà anh Thu giờ đây được nới rộng ra, khang trang hơn với đầy đủ vật dụng, tiện nghi phục vụ cho gia đình sau những biến cố, với vợ và 3 con. Bên trong phòng khách, ngoài bàn thờ thờ 12 người thân đã ra đi vĩnh viễn sau trận lũ lịch sử, có một bàn thờ được anh đặt riêng ở vị trí trang trọng trong phòng khách ấy thờ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trên đó, một di ảnh của bác Lê Khả Phiêu với nét mặt hiền từ, nhân hậu. Tất cả cho thấy tấm lòng thành kính của gia chủ luôn tưởng nhớ về “người khai canh” ra ngôi làng, giúp đỡ bao nhiêu mảnh đời sau những đau thương, mất mát to lớn để có được cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay.

“Ngày đó, nếu không có bác Phiêu, chúng tôi không biết sẽ ra sao. Ân tình này, dân làng Rồng đời đời sẽ khó mà quên được”, vừa thắp xong nén hương lên bàn thờ “người khai canh”, anh Thu giọng xúc động nói.

Theo lời kể anh Thu, ngày bác Phiêu qua đời, dân làng Rồng ai cũng tiếc thương. Chính quyền địa phương và bà con làng Rồng khi đó đã bàn nhau lập bàn thờ để tưởng nhớ. Trong ký ức của người đàn ông miệt biển này, không chỉ giúp người dân có nơi ở mới, đặt tên làng, khi còn sống năm nào Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng về thăm dân làng, tặng quà cho bà con. “Những năm còn khỏe mạnh, bác Phiêu đến tận từng nhà để thăm. Những năm sau yếu hơn bác mời bà con lên nhà văn hóa để gặp. Những năm cuối đời, sức khỏe không cho phép nhưng cứ dịp gần tết bác Phiêu vẫn gửi quà vào tặng dân làng”, anh Thu nhớ lại.

Sau đám tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, để thỏa lòng thương nhớ và tôn kính, anh Thu đã xin phép chính quyền địa phương đưa di ảnh về để thờ. Bàn thờ là được đặt ở một góc cao trong phòng khách rất ấm cúng. Cứ lễ tết hay dịp giỗ bác, gia đình cùng bà con làng Rồng lại làm mâm cúng để tưởng nhớ người khai canh ra ngôi làng bên chân sóng Thuận An. “Mình có gì cúng đó, cái chính vẫn là tình cảm mà dân làng nơi đây dành cho bác”, anh Thu tâm sự.

Ông Huỳnh Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An nhớ lại, thời điểm bác Lê Khả Phiêu qua đời, chính quyền và bà con đã xin ý kiến cấp trên lập bàn thờ để mọi người đến thắp hương, tưởng niệm. Ngày đó, không riêng lãnh đạo tỉnh, còn có rất nhiều bà con từ nhiều nơi về viếng.

Sau khi xong việc, chính quyền địa phương cũng có bàn một số phương án về việc đặt bàn thờ. Lúc đó, thấy ý nguyện anh Thu xin “thỉnh” di ảnh về thờ bên trong nhà cũng hợp lý nên chính quyền đã đồng ý. Giờ đây, cứ mỗi dịp giỗ bác hay lễ lớn, dân làng và chính quyền địa phương đến nhà anh Thu thắp nén hương để nhớ về công ơn, tình cảm của bác Phiêu - nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Báo Thừa Thiên Huế online