Lắng lại cùng “Căn cước xứ mưa”

 

 Đọc “Căn cước xứ mưa” (xuất bản tháng 1/2019, Nxb Kim Đồng) của nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang (hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế), lòng người như nắng hạn được cơn mưa rào.

Cuốn Căn cước xứ mưa (Ảnh từ trang Facebook cá nhân của nhà văn Lê Vũ Trường Giang)

Về “đứa con tinh thần” mới được ra đời, nhà văn sinh năm 1988, hiện công tác tại Tạp chí Sông Hương, tâm sự: “Cơn mưa xứ sở đầy bí ẩn và mê hoặc... Tôi sinh vào mùa mưa, mở mắt ra đã thấy mưa, mưa vào lời ru, mưa đưa nôi, mưa qua chiếc nón mẹ che, mưa về trên lối mòn cỏ ướt, mưa đưa tôi đi học, mưa theo ba vào núi, mưa ướt tuổi thơ, mưa ươm tuổi trẻ”. Để từ đó, mưa “đã vương kỷ niệm dưới mái nhà, trong ngõ nhỏ, ngoài công viên, bên kia sân trường, bờ sông…”.

Đọc những dòng ký ức này, chúng ta sẽ thấy chất “nông thôn” hiện hữu đậm nét. Bởi việc sinh ra ở làng, lớn lên ở làng, sống ở làng và viết cũng ở làng đã khiến giọng văn của tác giả chân thực, tình cảm và đậm chất suy tư. Đặc biệt nhất là cơn mưa xuân trong ký ức. Kỷ niệm về những ngày mưa xuân và về người ba đã mất thật khiến lòng người xúc động: “Ba tôi bảo những ngày xuân nếu thiếu những cơn mưa phùn thướt tha trong nắng nhạt, xuân đã mất đi một nửa ý vị… Những ngày ấy, ba ngồi bên hiên nhà thưởng trà, ngắm mưa bay trong nắng. Khói thuốc bay giữa mênh mông những giấc mơ đời”.

Mưa trong “Căn cước xứ mưa” cũng là mưa qua miền di sản: “Những ngày tháng Chạp qua cầu Trường Tiền, mưa bay mù mù, sông và mưa là một, nhịp cầu bé lại, quắt queo giữa màn mưa điệp trùng. Mưa thơm trên phố, mưa ướt tóc mây. Trời kịp vào xuân, chạy xe dưới những con đường Thành Nội, mưa phùn tỉ tê lên thành quách, lên bông mai chớm nở trước mặt Phu Văn Lâu”. Và: “Chiều nay, trên đồi Vọng Cảnh, tôi đứng ngắm mưa giữa bóng thông hiu quạnh. Cơn mưa trong ngần phủ lên mặt sông phẳng lặng tạo nên những gợn lăn tăn như những hồ nghi thả vào tuổi trẻ không ngừng mơ mộng”.

Mưa Huế gắn với bão lụt xứ Huế, đó là những ký ức in đậm: “Cơn bão số 2 năm 1995, tôi còn nhớ như in. Mưa đêm dữ dội. Mưa gào thét đã đời. Ngủ dậy thấy mái nhà sáng choang, một góc mái tôn mè gió thổi đi đâu mất. Bước ra hiên, mọi thứ trống hươ trống hoác. Buồn nhất là giàn bí đao, mướp đắng rộng mênh mông giờ đổ sập xuống, tan hoang. Giàn hoa cát đằng cũng quằn quại ngay dưới trụ hiên, màu tím bầm in trong nước”. “Mùa mưa năm 1999 là cơn đại hồng thủy tang thương của xứ Huế. Năm đó, tôi học cấp 2, ở trọ bên này Đập Đá nghe mưa rào rạt suốt mấy ngày trời. Mưa chẳng còn thơm nữa, mưa làm lòng dạ rối bời, mưa đẩy quê hương vào cơn tối tăm. Mưa mãi, mưa hoài, mưa chẳng dứt, nước lên ngập đường ngập phố, ruộng đồng nát tan, nhà cửa trôi theo dòng nước. Động trời nhất là tin làng Hòa Duân có mấy trăm hộ bị mưa lũ cuốn trôi ra biển. Mưa ơi, đau lòng đau dạ. Mưa trên đầu hoa trắng, mưa buồn nguồn cội, mưa ơi. Những năm đó, tết về xóm nhỏ buồn hiu”.

Dù vậy, cơn mưa là lẽ tự nhiên và con người luôn cần nó để sinh tồn nên “Không ai than trách mưa, mưa là quà tặng xứ sở, mấy trăm năm qua gieo giọt trên mảnh đất này”. Cơn mưa còn là đề tài bất tận của nghệ thuật: “Mưa vào thi ca, mưa trên khuôn nhạc, mưa trong tranh…”. Cơn mưa còn là những kỷ niệm mông lung về tình yêu: “Hình ảnh những đôi tình nhân đèo nhau qua con đường nhỏ, mưa bay phấp phới dưới ngọn đèn vàng đẹp vô cùng”. Như một nỗi lòng thầm kín, tác giả tự giãi bày: “Đêm, nghe mưa trên lá, rơi hoài rơi mãi cho lòng nhớ ai…”.

NGUYỄN VĂN TOÀN