CHUỐI TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI HUẾ

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

 Người dân chọn mua chuối thờ cúng ở Huế. Ảnh: P. THÀNH

Huế có một vị trí lịch sử đặc biệt với nhiều lớp trầm tích văn hóa được bồi tụ qua thời gian, là nơi gặp gỡ của nhiều lớp cư dân và tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Ứng xử với cây chuối của người Huế, theo đó, cũng có nét đặc sắc riêng bên cạnh những tương đồng so với các vùng miền khác.

Riêng ăn chuối của người Huế cũng đã lắm công phu, “đa sự”. Trước hết là ăn búp chuối. Ăn búp chuối thì phải chọn chuối sứ mới “đúng bài”. Rau sống ăn bún bò giò heo mà không có búp chuối xắt sợi thì không còn là bún Huế. Búp chuối bóp, búp chuối ram, búp chuối còn được đem nấu cháo...

Ăn hết búp bông thì chuyển qua ăn trái. Chuối xanh ram, chuối xanh cắt lát nấu với tôm hay cá lóc; cắt thẻ om ốc nhồi, lươn, ếch... Nấu hay om chuối với gì thì cũng nhất định phải có thêm vài cọng lá lốt mới đúng vị. Chuối chát non thì xắt mỏng kẹp cùng vả, rau thơm với thịt luộc chấm mắm tôm... Ngày Tết, chuối chát nguyên quả được cắt sứa để làm món nhắm chua ngọt…

Chuối chín cũng không kém chuối xanh về sự đa dạng và tinh tế trong hương vị và cách ăn. Trẻ con, người bệnh thì ăn chuối tiêu vì tính lành, chuối ba lùn thì ngon, chuối bà hương thì thơm, chuối bom to quả nhưng vị hơi chua. Trẻ tập ăn dặm thì dùng muỗng mà nạo trái chuối theo chiều dọc để chuối mềm, không lẫn xơ; các bà các mẹ thường dặn con gái khi ăn chuối phải bẻ làm đôi để tránh thô tục. Chuối cúng rồi thì lật úp xuống để phân biệt chuối đang dọn sắp, chuẩn bị dâng lên bàn thờ. Chuối cúng ăn không hết thì đem phơi dùng dần. Chuối chín còn có thể ngào đường, nấu chè chuối, ram chuối, kem chuối, sinh tố chuối… Cũng là chuối chín nhưng chuối bạc lá muốn ăn ngon phải đem luộc, chấm muối. Chuối dại (chuối hột) thì phơi khô, ngâm rượu cho quý ông.

Người Huế phân biệt rạch ròi chuối ăn với chuối cúng. Dĩ nhiên, chuối nào cũng có thể ăn, tuy nhiên, chỉ có chuối mật mốc, mật lá và chuối cau mới được đặt trên bàn thờ. Chuối cau chủ yếu được thờ ở trang Sư, trang Bà. Chuối mốc được thờ trong đa số các trường hợp còn lại. Các ngôi nhà truyền thống Huế thường có bố cục khu vườn “trước cau sau chuối”. Ngoài tạo cảnh quan, sự hiện diện của các cây nghi lễ này còn phản ảnh tục thờ trầu cau và chuối phổ biến trong hầu hết các dịp lễ tiết trong năm của người Huế. Có lẽ người Việt có tục cúng cau trước, cúng chuối sau. Cúng cau là tín ngưỡng nội sinh gắn với truyền thuyết trầu cau và tín ngường thờ cây, thờ đá trong tư duy vạn vật hữu linh. Cúng chuối là tín ngưỡng ngoại sinh, gắn với Phật giáo, Đạo giáo và cả Hindu giáo. Mỗi cây chuối sau khi đơm hoa kết quả sẽ chết ở phần ngọn, do đó, cây chuối trong đạo Phật là biểu tượng của sự vô thường, biến đổi không ngừng của vạn vật.

Phải chăng, tục cúng chuối của người miền Trung, ngoài màu sắc Phật giáo thì chính dấu ấn Hindu giáo của người tiền trú khiến họ phải nhất định cúng chuối vàng(!) Dĩ nhiên, sự cộng hưởng giữa Phật giáo và Hindu giáo cũng là điều không tránh khỏi, khi mà màu vàng cũng là màu chủ đạo của Phật giáo. Song, cũng có thể xem đây là giả thuyết giải thích cho sự khu biệt giữa chuối cúng màu vàng ở miền Trung với chuối cúng màu xanh của miền Bắc (tương ứng với hành Mộc trong mâm ngũ quả tượng trưng cho Ngũ hành, theo quan niệm của Đạo giáo).

Một điểm thú vị khác là người Việt cổ đã biết dùng thân cây chuối để dệt ra một thử vải màu vàng nhạt, tính mát mà người Trung Quốc gọi là "tiêu cát" hay "vải Giao Chỉ". Và, loài chuối hoang dã, tổ tiên các loài chuối lại có danh pháp khoa học là musa paradise - chuối thiên đường. Người ta tin rằng đây là trang phục của Adam và Eva khi bị đuổi khỏi thiên đường. Như vậy, không chỉ ở phương Đông mà cả ở phương Tây, cây chuối cũng được quan niệm là gắn với khởi nguyên của loài người, gắn với sự sinh tồn và cả đời sống tâm linh của họ.

Báo Thừa Thiên Huế online