CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHAN NGỌC THỌ TRUYỀN CẢM HỨNG CHO HỌC SINH VỀ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, SỰ KHÁT KHAO CỐNG HIẾN

 

Được nghe Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nói chuyện về tình yêu quê hương, sự khát khao cống hiến, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong tương lai vào buổi chào cờ đầu tuần sáng nay (ngày 15/3), đại diện cho học toàn trường, em Nguyễn Nhật Thủy Tiên, lớp 12 Văn trường THPT chuyên Quốc Học đã dành những tình cảm chân thành gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: “Từ trước đến giờ, chúng cháu vẫn luôn ngưỡng mộ, trân trọng và thật sự ấn tượng với những điều bác đã và đang làm. Từ những điều bình dị trong việc bác quan tâm đến chúng cháu, cho đến những điều lớn lao như “Giấc mơ Huế”, những hành động của bác đã tác động thật sự đến tình cảm, ý nghĩ, tư duy của chúng cháu, để những giá trị mà bác đã làm, tỉnh nhà đang hướng đến sẽ được lan toả, trở thành mục tiêu chung của tất cả chúng ta”.

YÊU HUẾ ĐỂ LÀM CHO HUẾ ĐẸP HƠN

Trò chuyện với học sinh và giáo viên nhà trường, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Thừa Thiên Huế đang phấn đấu xây dựng và phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ chính trị trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; Là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Trong các mục tiêu đặt ra thì tỉnh vẫn xác định Giáo dục là một trong những lĩnh vực then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh dạy kiến thức văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phải tập trung vào giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, lịch sử, văn hóa và con người Huế, để cốt cách Huế thấm sâu vào học sinh Huế, để học sinh Huế có lòng tự hào về vùng đất, lòng biết ơn, lòng vị tha, làm hành trang cho các em vào đời..

“Học sinh Huế không chỉ phải học giỏi mà phải có trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, yêu Huế và khát khao cống hiến cho Huế. Các em học sinh phải giỏi tiếng Việt để hiểu văn hóa; giỏi vi tính, tiếng Anh để hội nhập, rút ngắn khoảng cách số và phát triển xã hội số. Huế đã từng sang trọng trong quá khứ và Huế phải giàu có trong hiện tại và tương lai, Huế phải phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, các thế hệ học sinh sẽ là những nhân tốt quan trọng giúp Huế giàu có trong tương lai, giúp Huế giữ được những nét văn hóa đặc sắc không nơi nào có được”.

Những phong trào lớn mà tỉnh đang phát động như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Huế bốn mùa hoa”, “Mai vàng trước ngõ” hay các đề án mà tỉnh đang thực hiện như xây dựng “Huế kinh đô áo dài”, “Huế kinh đô ẩm thực” rất cần sự hưởng ứng tích cực từ các trường học, để các em học sinh thật sự là những chủ nhân trong việc làm cho Huế ngày càng xanh, sạch, sáng, giữ gìn được những nét đẹp văn hóa Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng những thông điệp, thông tin các em tiếp thu được lần này sẽ được lan tỏa cho các bạn, học sinh các trường, để từ đó các em có định hướng và lựa chọn đúng ngành nghề để phát triển cho bản thân cũng như công hiến cho quê hương Thừa Thiên Huế nhiều hơn.

TIẾP THÊM SỨC, ĐỘNG LỰC ĐỂ HỌC SINH KHÁT KHAO CỐNG HIẾN

Phát biểu cảm tưởng sau cuộc trò chuyện của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, em Nguyễn Nhật Thủy Tiên, lớp 12 Văn trường THPT chuyên Quốc Học cho rằng đây không phải lần đầu tiên chúng cháu được tiếp xúc gần gũi, thân mật với bác Thọ. Những lần khác, bác cũng từng đến trường cháu, ngồi ở hàng ghế Đại biểu tham dự các chương trình; bác gặp gỡ chúng cháu để động viên trước thềm Kỳ thi chọn học sinh giỏi Cấp quốc gia, hay chúc mừng chúng cháu sau khi nhận được kết quả kỳ thi. Từ trước đến giờ, chúng cháu vẫn luôn thật sự ấn tượng với những điều bác đã và đang làm. Từ việc ngưỡng mộ, trân trọng, chúng cháu không ngừng quan tâm và theo sát mọi điều bác làm cho Huế, từ việc vận động mang áo dài, phong trào Huế - thành phố 4 mùa hoa, hay hôm qua, bác đến tận làng cổ Phước Tích để vận động hưởng ứng phong trào “Mai vàng trước ngõ”, qua đó, chúng cháu thấy rõ sự tâm huyết của bác, tình cảm của bác với văn hoá Huế.

Buổi nói chuyện hôm nay thật gần gũi và bình dị nhưng thật sự có ý nghĩa lớn với chúng cháu. Chúng cháu ở đây, khi lắng nghe, khi thực sự hiểu những giá trị văn hoá Huế, tầm nhìn phát triển Huế, chúng cháu không chỉ sẽ hết mình hướng theo sự phát triển đó, mà còn chủ động ý thức được mình phải làm gì, đóng góp thế nào với quê hương tỉnh nhà trong tương lai. Những lời chia sẻ của bác chính là sự tác động thật sự đến tình cảm, ý nghĩ, tư duy của chúng cháu, để những giá trị bác và tỉnh nhà hướng đến sẽ được lan toả, trở thành mục tiêu chung của tất cả chúng ta.