"COLOSSEUM" TƯ LỰ CỦA HUẾ

Buổi chiều hè ấy, tôi đã đứng rất lâu dưới bóng me cạnh di tích Hổ Quyền. Nắng chạy ngơ ngác từ bậc thềm gạch cũ, lên tường vôi, lên cổng sắt lối vào. Màu nắng vàng đọng một vũng lớn giữa bãi cỏ xanh là lòng sân của đấu trường voi hổ ngày nào. Không gian im ắng, chỉ nghe tiếng chim hót xa xa. Làn hương sen thoang thoảng từ lòng hồ trước mặt điện Voi Ré hòa vào mùi hương của rêu mốc, đám cỏ mới được cắt thơm thơm.

Hổ Quyền là một trong số các di tích tiêu biểu, độc nhất vô nhị trong quần thể kiến trúc Cố đô. Các biên khảo về kinh đô Huế luôn trân trọng dành cho Hổ Quyền một vị trí xứng đáng. Hổ Quyền còn có tên khác là Hổ Quyển hay Hổ Khuyên - minh chứng cho một thời vua chúa vàng son, tinh thần vũ dũng - nay khiêm tốn trong một góc hẻm con con trên đường Bùi Thị Xuân, nằm sâu giữa lòng phố thị. Lịch sử hình thành Hổ Quyền gắn với việc huấn luyện voi chiến có từ thế kỉ 16 - 17, thời các chúa Nguyễn, rồi được hiện thực thành một đấu trường chuyên nghiệp vào thời vua Nguyễn. Thời các chúa Nguyễn, những trận đấu giữa voi và hổ đã được tổ chức nhằm huấn luyện voi trận, thường thì các trận đấu tổ chức ở cồn Dã Viên hay các bãi cỏ dọc hai bờ sông Hương.

Theo hồi kí của Michel Đức Chaigneau, dưới thời vua Gia Long, từng có một trận đấu được tổ chức ở trước Kinh Thành, trận đấu đó diễn ra rất ác liệt. Dù bị cột bằng dây thừng rất chắc nhưng con hổ đã bứt dây, nhảy lên tát người quản tượng rơi xuống đất. Người quản tượng đã bị chính con voi do mình huấn luyện dẫm chết. Vào năm 1829, vua Minh Mạng ngự thuyền rồng xem một trận đấu giữa voi và hổ bên bờ Bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, hổ đã lao ra, bơi đến thuyền vua. May thay quan quân hộ giá giết được hổ giữa dòng sông. Do sự cố này, để đảm bảo an toàn cho những lần tiếp theo, năm sau (1830), vua Minh Mạng cho xây đấu trường ở đồi Long Thọ, gọi là Hổ Quyền.

Kiến trúc Hổ Quyền vững chãi, gọn gàng, uy nghi. Đấu trường lộ thiên hình tròn, rất giống đấu trường Colosseum tuy không đồ sộ bằng. Hình dạng tròn cho phép người xem quan sát được mọi ngóc ngách trên sân đấu một cách rõ ràng. Đồng thời, các cặp voi hổ tử chiến có thể dễ dàng quần thảo mà không sợ vướng víu như kiểu đấu trường hình vuông hay hình chữ nhật. Sân đấu trường nằm gọn trong hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm xây bằng gạch vồ, trát vôi vữa. Giữa hai vòng thành này, người ta đổ đất vào để lấp khoảng trống và cũng là để tạo cái nền làm khán đài, chỗ cho khán giả đứng xem. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế vững chãi, vừa tạo thế dáng cho đấu trường, vừa củng cố sức chịu lực chứa lớp đất. Từ dưới chân tường mặt Bắc có hai cầu thang lên khán đài. Cầu thang thứ nhất dành cho vua và hoàng gia. Cầu thang thứ hai dành cho lính và dân thường. Đối diện với khán đài có năm cái chuồng nhốt hổ nằm lọt thỏm giữa hai vòng thành. Phía trên chuồng có tấm biển bằng đá chạm chữ Hán Hổ Quyền. Các chuồng kích thước khác nhau, từng có các cánh cửa bằng thép. Những vết hổ cào in sâu vào tường ở ba chuồng giữa cho ta cảm nhận được sức mạnh dữ tợn của loài mãnh thú.

Ngoài thành có một cửa cao tám thước, rộng bốn thước năm tấc, có hai cánh cửa bằng gỗ, đế bằng phiến đá thanh. Voi được đưa vào sân đấu bằng lối cửa này. Vòng tường thành bên ngoài có hàng lan can thông thoáng , hệ thống thoát nước với hoa văn hình mặt hổ, cả thảy hai mươi hai miệng ống xối hình đầu cá. Sự chu đáo trong thiết kế này nhằm hạn chế úng ngập cho đấu trường. Đấu trường thường xuyên tổ chức các trận đấu sinh tử giữa voi và hổ. Đây cũng là trường huấn luyện tốt nhất cho đội voi chiến của quân đội nhà Nguyễn. Voi được thử sức, huấn luyện thành thục chiến đấu, thậm chí đánh đổi bằng cách tử chiến với chúa sơn lâm. Dưới thời Nguyễn, đội quân voi là át chủ bài trong các trận chiến. Có được đội tượng binh dũng mãnh, thiện chiến thì ưu thế luôn nằm trong tầm tay của quân đội. Những con hổ được nhốt ở đây hầu hết do người dân các vùng rừng núi đánh bẫy bắt được. Nhiều con bị bẻ móng vuốt để không làm hại voi, hại người. Hổ Quyền là nơi giải trí cho nhà vua, hoàng thân quốc thích và quan lại trong triều. Thú giải trí vương giả này đâu phải ai cũng được thưởng thức.

Tôi nhiều lần đưa bạn bè lên Hồ Quyền thăm di tích đặc biệt này. Nhớ lần tôi đưa Martin Ber, một người Đức mê lịch sử Việt, đến thăm trường đấu, anh cứ quyến luyến mãi không chịu rời. Trong một chuồng hổ, bỗng tôi nhìn thấy một loài hoa dại tím, hình loa kèn, nở dịu dàng nơi góc tường. Vẻ đẹp bé nhỏ tinh khôi đó như xua tan bầu không khí tối tăm chiến trận ngày xưa.

Theo LVTG