Việt Nam có tự do báo chí hay không?

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay không thể phủ định cập nhật thông tin luôn là nhu cầu tất yếu của mọi cá nhân. Đóng vai trò không thể thiếu trong việc thỏa mãn nhu cầu trên, đội ngũ báo chí hiện nay luôn chú trọng đào tạo bài bản, chính quy hóa, là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và nhà quản lý, hoạch định chính sách giúp Nhà nước điều chỉnh những chủ trương, đường lối cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời còn tham gia một cách dũng cảm trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và tệ nạn xã hội.

Việt Nam luôn đảm bảo tự do báo chí

Nhận thấy được vai trò quan trọng của báo chí đối với đời sống hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn có những chủ trương, chính sách quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng chất lượng của đội ngũ trong giới báo chí để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhân dân. Tuy nhiên, với cái nhìn chủ quan và những thông tin sai lệch mà các thế lực thù địch với Việt Nam tuyên truyền, các cá nhân, tổ chức nước ngoài đều cho rằng Việt Nam là một quốc gia “không có tự do báo chí”. Đáng chú ý, ngày 25/4/2018, tổ chức Phóng viên không biên giới (RFS) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 175 trên 180 tổng số quốc gia về tự do báo chí. Liệu nhận định trên có chính xác hay không? Các thế lực thù địch trên đã sử dụng phương thức như thế nào để Thế giới có cái nhìn tiêu cực về tình trạng báo chí của Việt Nam?

Hiện nay, bằng nhiều thủ đoạn, phương tiện khác nhau, các thế lực thù địch tăng cường chống phá Việt Nam, nhất là trong bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Chúng tìm mọi cách tác động Quốc hội Hoa Kỳ và các nước phương Tây, tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên, như: Báo cáo Nhân quyền thế giới hằng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Nghị quyết của Nghị viện EU; Báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế: Phóng viên không biên giới (RSF), Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ). Đồng thời, lôi kéo một số chính khách cực đoan trong Quốc hội Hoa Kỳ, Anh, Ca-na-đa, Úc… tổ chức điều trần, hội thảo…; tổ chức ra các tờ báo, kênh phát thanh - truyền hình (RFA, RFI, VOA, BBC tiếng việt) và lập hàng nghìn báo điện tử, blog phản động bằng tiếng Việt… với mục đích vu khống Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”, là bởi “Nhà nước Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do Internet”.

Liệu Việt Nam thật sự là một quốc gia không có “tự do báo chí”? Nếu, Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền Liên hợp quốc khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm sự tự do giữ quan điểm không có sự can thiệp và sự tự do tìm kiếm, tiếp nhận, chia sẻ những ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có biên giới”, thì Khoản 2, Điều 29, Tuyên ngôn lại chỉ rõ: “Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ các hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của những người khác, đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Điều này chứng tỏ mọi quyền công dân bao gồm tự do ngôn luận, tự do báo chí vẫn phải có một giới hạn nhất định, phải tuân theo luật pháp của quốc gia sở tại để tôn trọng quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác, không có chuyện tự do không giới hạn. Việt Nam và các nước trên thế giới đều thừa nhận quyền tự do báo chí đã được quy định trong Tuyên ngôn, Công ước; đồng thời, căn cứ vào thực tiễn đất nước đã cụ thể hóa thành những quy định trong hệ thống luật pháp, tạo mọi điều kiện để mọi cá nhân đều được thể hiện quyền và nghĩa vụ của mình, cụ thể:

- Việt Nam hiện có có 845 cơ quan báo chí với 1118 ấn phẩm; 01 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình; 98 cơ quan báo chí, điện tử; 1525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 trang mạng xã hội được phép hoạt động. Điều 25 Hiếp pháp nước CHXHCNVN khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, đồng thời Điều 13 Luật Báo chí cũng quy định rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện các quyền này và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng. Nhà nước Việt Nam không chấp nhận báo chí tự do “ngoài vòng pháp luật”. Những cá nhân, tổ chức lợi dụng báo chí để “tự do” xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lịch sử, kích động gây rối an ninh trật tự, chia rẽ, gây hận thù, truyền bá chủ nghĩa ly khai, can thiệp vào công việc nội bộ đất nước, tung ra những thông tin, hình ảnh khiêu dâm, kích dục độc hại không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc,… sẽ bị nghiêm trị.

- Ngay ở Hoa Kỳ, một quốc gia vốn được coi là “đất nước của tự do báo chí”, Điều 2358, Bộ luật Hình sự Hoa Kỳ nghiêm cấm: “In ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Hoa Kỳ bằng vũ lực hoặc bạo lực”.

Phóng viên nước ngoài tác nghiệp tạo Việt Nam

- Ở các nước phương Tây khác, tự do báo chí cũng không thoát ly hoàn toàn sự quản lý của pháp luật hoặc sự chi phối của các quyền lực khác. Gần đây, tiến sỹ UdoUi Kotte Cộng hòa Liên bang Đức đã xuất bản cuốn sách “Những nhà báo bị mua chuộc – phương tiện truyền thông đại chúng đã bị các chính trị gia, các cơ quan tình báo và các nhà tài phiệt điều khiển như thế nào” đã góp phần làm rõ thực chất về sự tự do báo chí không giới hạn của phương Tây. Theo đó, tự do báo chí và tính đa nguyên trong báo chí phương Tây chỉ là giả tạo. Nhiều nhà báo đã bị cơ quan tình báo mua chuộc, “bôi trơn” để có được điều theo ý muốn. Paul Sethe - một học giả có uy tín của Cộng hòa Liên bang Đức đã đưa ra sự nhận xét: “Tự do báo chí là tự do phổ biến ý kiến riêng của 200 người giàu có (tài phiệt ở Đức)”. Đáng chú ý, ngày 07-01-2015 được cho là ngày đen tối nhất trong lịch sử báo chí Pháp với sự kiện bọn khủng bố đã nổ súng sát hại 12 người tại Tòa soạn báo Charlie Hebdo vì lý do tôn giáo. Trước sự kiện thảm sát tại Tòa soạn báo Charlie Hebdo, Giáo hoàng Francis đã cho rằng: “Tự do báo chí không phải vô giới hạn khi tự do đó xúc phạm tới tín ngưỡng tôn giáo”.

Từ những dữ kiện trên, các tổ chức, cá nhân nước ngoài có phải đã quá vội vàng, nhìn nhận một cách chủ quan, phiến diện để kết luận rằng Việt Nam là quốc gia “không có tự do báo chí”? Đồng thời quốc gia của họ đã thật sự có “tự do báo chí” hay không, trong khi chính những vấn đề nội tại ngay chính đất nước của họ chưa xử lý được lại có thể tiến hành can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác.

Minh Khánh