TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG TRÊN CƠ SỞ PHẢI TUÂN THỦ PHÁP LUẬT

 “Tự do ngôn luận” không có nghĩa là “ngôn luận tự do” để lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Việc lợi dụng “tự do ngôn luận” trên không gian mạng đe dọa đến an ninh quốc gia, vì vậy nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát tốt hơn những thông tin được phép đăng tải trên mạng xã hội và hạn chế tối đa sự lan tràn, phát tán những thông tin giả mạo và độc hại.

Theo quy định tại Điều 19, Công ước ICCPR năm 1966: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.

Tại Mỹ, tự do ngôn luận được thể hiện chủ yếu qua án lệ của các tòa án, đặc biệt là Tòa án Tối cao Mỹ, cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn.

Ở Pháp, pháp luật về tự do ngôn luận đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc trừng trị hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù (Luật Tự do báo chí, năm 1881); chống lại việc xâm phạm đời tư (Bộ luật Dân sự); cấm xuất bản một số tài liệu liên quan đến ANQG (Luật Hình sự)… Ngoài ra, trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn thù địch, tiêu cực trên Internet, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên Internet với sự cam kết hành động của bốn doanh nghiệp mạng lớn nhất thế giới bao gồm Facebook, Twitter, Youtube và Microsoft.

Nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích cũng như những hiểm họa từ mặt trái của Internet và mạng xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát triển Internet và mạng xã hội; đồng thời bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá chính quyền, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Cụ thể sự ra đời của Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng”; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/1/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm như đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…

Thời gian tới để người dân phát huy quyền tự do ngôn luận của mình một cách có hiệu quả trên cơ sở tôn trọng pháp luật cần phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng mạng Internet, đặc biệt là giới trẻ; nâng cao nhận thức và năng lực tự sàng lọc thông tin của người dân, hình thành thói quen hành xử tích cực trên môi trường mạng, để mỗi người dân trở thành bộ lọc thông tin hiệu quả cho chính mình và cộng đồng, không để bản thân trở thành nạn nhân của thế giới ảo. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách giúp quản lý hiệu quả; áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát những thông tin xấu, độc đăng tải trên không gian mạng, đồng thời thông tin kịp thời cho người dân nắm, nhằm định hướng dư luận không để kẻ xấu lợi dụng.

Thái Hằng