THỰC HIỆN “AI Ở ĐÂU Ở ĐẤY” ĐỂ CÙNG CHIẾN THẮNG ĐẠI DỊCH

 

 

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 với biến chủng Delta đã gây hậu quả nặng nề đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số đối tượng phản động, chống đối đã gia tăng các hoạt động xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1063/CĐ-TTg, yêu cầu “người dân ai ở đâu ở đấy”, thì các trang mạng BBC, RFA lại tập trung chống phá. Chúng tung ra luận điệu cho rằng việc làm này là thiếu nhân đạo; Đảng, Nhà nước đang bỏ rơi người dân Việt Nam... nhằm kích động tâm lý xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Ai cũng đều biết, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới mọi ngóc ngách cuộc sống, đặc biệt là đối với tầng lớp lao động phổ thông, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Hàng triệu người đang bấp bênh để mưu sinh qua ngày; cuộc sống trong vùng giãn cách càng khó khăn hơn đối với những gia đình có con nhỏ, người bệnh... nên tâm lý muốn về quê là điều đương nhiên. Vậy nên, Chính phủ đã có chủ trương cho người dân về quê để giảm tải cho vùng dịch. Nhiều tỉnh, thành cả nước đã tổ chức các chuyến xe, tàu thậm chí cả chuyến bay đưa người trở về. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, đã có nhiều vấn đề nảy sinh đòi hỏi phải có sự thay đổi, điều chỉnh, như việc người dân trong quá trình hồi hương tự phát đối mặt với nhiều rủi ro như tai nạn, ốm đau, suy kiệt sức khỏe; đặc biệt là mang theo nguy cơ lây truyền dịch bệnh Covid-19. Mới đây, báo chí đưa tin trong 2.000 người Ninh Thuận từ Đồng Nai về quê tránh dịch vào ngày 31/7, có tới 400 người bị nhiễm Covid-19. Nhiều tỉnh Yên Bái, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên... đối mặt với nguy cơ bùng dịch rất cao sau khi tiếp nhận người về từ vùng dịch trở về. Đặc biệt, khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách thêm 30 ngày (từ 15/8 đến 15/9/2021) có đến hàng chục nghìn người bất chấp rủi ro đã ồ ạt kéo nhau về quê đã tạo sức ép rất lớn cho các địa phương về cơ sở cách ly, điều trị cũng như nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Do đó, trước khi ban hành chủ trương “ai ở đâu ở đấy”, Chính phủ đã đã cân nhắc rất kỹ giữa việc cho người dân về quê và không cho về. Sau khi phân tích, tính toán thì thấy việc người dân ở lại địa bàn cư trú, không tự do di chuyển là hết sức cần thiết, để không còn những dòng người kiệt sức trên con đường về quê, gây mất an toàn do lây lan dịch bệnh cho chính bản thân và cộng đồng.

Điều quan trọng là, cần hiểu chủ trương “ai ở đâu ở đấy”, dừng tiếp nhận người dân từ vùng dịch về cũng không có nghĩa là Đảng, Nhà nước bỏ rơi người dân. Đảng, Chính phủ yêu cầu các địa phương phải đảm bảo “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu”. Từ Trung ương đến địa phương đang và đang thực hiện nhiều giải pháp nhân đạo, tích cực để chăm lo cho dân, như: hỗ trợ khẩn cấp đối với các đối tượng người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn; giảm tiền điện, tiền nước, vận động các chủ cho thuê nhà miễn giảm tiền thuê cho người lao động gặp khó khăn; giảm – giãn – hoãn thuế cho các doanh nghiệp... Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã kêu gọi, huy động các nguồn lực, các tổ chức thiện nguyện, vận động các nhà hảo tâm chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền giúp đỡ cho bà con nghèo vượt qua đại dịch. Một số địa phương cũng có sáng kiến gửi tiền vào cho hội đồng hương để giúp đỡ người khó khăn. Song song với đảm bảo nhu yếu phẩm là đẩy mạnh chiến dịch phủ sóng vắc-xin, “tổ chức tiêm vắc xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả”, để người dân yên tâm thực hiện giãn cách, vượt qua thời điểm khó khăn.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục có những đề xuất, tìm kiếm cách thức và giải pháp mới trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vì bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân. Bản thân người dân cũng phải hết sức bình tĩnh; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh do các cơ quan chức năng đưa ra; tuyệt đối không để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng để phá hoại đất nước.

 

DUY KHƯƠNG