THIÊN AN CÓ PHẢI LÀ ĐAN VIỆN BIỂN ĐỨC HAY KHÔNG?
Thánh Tổ phụ Biển Đức sinh năm 480 tại Norcia, Italia trong một gia đình quý tộc. Từ nhỏ Ngài được gia đình đưa đến Roma để học. Tại đây nếp sống đô thị không làm say mê con tim của Ngài, trái lại nó giúp Ngài nhận ra một chân trời mới về lý tưởng đan tu. Vì vậy, Ngài đã rời kinh thành Roma xuống Enffide, cùng nhập đoàn những người khắc kỷ tu thân. Ngài đã lùi về nơi thanh vắng tại Subiaco cách Roma khoảng 70km ẩn mình trong một hang nhỏ học tập, tu trì với một ẩn sĩ tên là Romano. Sau 03 năm, danh tiếng thánh Ngài được đồn đi xa, nhiều người biết đến. Các đan sĩ ở Vicovaro mời Ngài làm Bề trên của họ, nhưng thấy không thành công, Ngài trở về lại Subiaco. Tại đây, có nhiều môn đệ đến xin thụ giáo với Ngài và thánh nhân đã lập tu viện tiên khởi. Thời điểm này, lý tưởng tu hành chưa được toại nguyện lại thêm lòng ganh tỵ của một số giáo sĩ địa phương. Vì vậy, Ngài đã dời đến Monte Cassino, một ngọn đồi ở giữa Roma và Napoli. Chính ngọn núi này là nơi ngài thực hiện thành công lý tưởng đan tu.
Thiên An - "Bao giờ cho đến ... ngày xưa?"
Sau này, nhiều thừa sai đã phát triển nhiều đan viện Biển Đức ở các quốc gia trên thế giới. Tại Thừa Thiên Huế, năm 1940 hai linh mục người Pháp là Dom Romain Guillauma và Dom Romain Conrentin thành lập đan viện Biển Đức Thiên An tại xã Thủy Bằng, thành phố Huế. Mục đích phát triển đan viện Biển Đức nhằm đưa đan sĩ gặp gỡ Thiên chúa và có lý tưởng đan tu theo gương Thánh Tổ phụ Biển Đức.
Những năm trở lại đây, đan viện Thiên An Huế đã cải tạo cảnh quan thiên nhiên xung quanh đan viện, xây dựng nhiều công trình đồ sộ rồi quản bá thu hút khách đến tham quan. Hằng ngày, tấp nập hàng chục xe khách với 5 đến 7 trăm khách tham quan, du lịch, hành hương liên tục đến đan viện. Khi đến đan viện, họ đi lại xung quanh đan viện, chụp hình, ăn uống tại đây và trước khi ra về chen chúc, mua hàng ở quầy lưu niệm đan viện. Đan viện Thiên An bây giờ như là trung tâm du lịch. Những việc này có giữ được không gian yên tĩnh, môi trường tĩnh lặng để cho các đan sĩ tu trì không?
Tại phần linh đạo Thánh Biển Đức, chương 73, Tu luật Thánh Biển Đức, có đoạn : “Đời đan sĩ là cuộc đời tìm Chúa. Con đường để người đan sĩ gặp gỡ Thiên Chúa chính là cầu nguyện. Thánh Biển Đức mời gọi các môn sinh của Ngài: con ơi hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ; lời mời gọi của Ngài cho ta thấy rằng, thái độ đầu tiên mà thánh nhân muốn ở môn đệ là lắng nghe, lắng nghe không chỉ bằng đôi tai thể lý, mà còn bằng cả “tai lòng”; vậy thì điều kiện để “tai lòng” lắng nghe được, trước tiên phải có môi trường tĩnh lặng”.
Đan viện Thiên An ngày nay còn tĩnh lặng như ngày xưa không? Có đi theo đúng đường hướng lý tưởng đan tu của Thánh Tổ phụ hay không? Có thực hiện đúng Tu luật Thánh Biển Đức hay không? Vậy Thiên An có phải là đan viện Biển Đức hay không?
Maria Thanh Thảo