TĂNG LY CHÚNG TĂNG TÀN

Phật giáo là một tôn giáo tồn tại đến nay hơn 2.567 năm, phải nói rằng đây là tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn đối với đời sống của quần chúng nhân dân. Đạo Phật là đạo của từ bi, trí tuệ, luôn tôn trọng và đề cao cuộc sống cá nhân của tất cả chúng hữu tình. Đức Phật xuất hiện trên thế gian vì muốn mang hòa bình hạnh phúc đến cho chư thiên và loài người.

Đạo Phật không bao giờ đem khổ đau cho bất cứ ai và đạo Phật chỉ đưa ra con đường chuyển hóa đau khổ cho những ai có tâm tìm hiểu và mong muốn để đạt đến con đường đó. Để khai mở cơ tâm, Đức Phật đã chế ra đến tám vạn bốn ngàn pháp môn tu thông qua mỗi pháp môn để răn dạy quần chúng tín đồ lấy đạo đức và lòng từ bi làm nền tảng nhằm mục đích chuyển hóa thân, khẩu, ý từ bất tịnh trở nên sáng suốt.

Để duy trì mạng mạch của Phật pháp, không thể nói đến tầm quan trọng của chư tăng là người truyền bá Phật pháp hoàng hóa chúng sanh hướng đến chân thiện mỹ. Đã có rất nhiều cao tăng, thạc đức là tấm gương sáng đến bây giờ vẫn còn tỏa ánh hào quang cho tăng ni Phật tử chiêm nghiệm, học hỏi bởi một đời tu tập nghiêm mật, hết lòng giữ gìn phát triển Phật pháp. Ngày nay có rất nhiều ngôi cổ tự được sắc phong (của vua ban), những tổ đình đang lưu giữ hình ảnh đẹp và nơi của tăng thân sinh hoạt, tu tập. Tuy nhiên, số lượng tu sĩ ở nơi đây chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Tôi đã rất thắc mắc và nhiều lần đặt câu hỏi là tại sao lại có hiện tượng này và cũng đã có rất nhiều giải đáp cho tôi. Để hiểu rõ, xin quý vị tăng ni, Phật tử cùng tôi suy ngẫm: với ảnh hưởng của thế giới phẳng 4.0, tu sĩ Phật giáo ngày càng giỏi hơn về trình độ, nghiên cứu đạt được các học hàm, học vị, kiến thức đa chiều, phong phú. Đây là việc đáng mừng vì sự thích ứng của xã hội hiện đại, nhưng với một bộ phận không nhỏ tu sĩ Phật giáo ngày nay, đạo đức, hành trì theo cách nói để trở thành một vị tỳ kheo phải “thấm tương chao” lúc đó mới có được năng lượng tích cực cho bản thân chính mình và chuyển hóa để lan tỏa ảnh hưởng đến người khác. Để làm được việc này, tăng phải ở trong một tập thể tăng thân cùng nhau tu học, sách tấn, kiểm thảo nhau để trau đổi chắt lọc, lấy cái tu tốt của người này làm hành trì cho bản thân mình.

Thực tế hiện nay số lượng chùa, thất ngày càng phát triển về quy mô và số lượng, về mặt chủ quan và khách quan là do các tu sĩ có ước mong cá nhân, vọng tưởng bản thân nên muốn tách riêng để được tự do làm trú trì, thuận lợi kết nối với các quan hệ xã hội, thoải mái trong giao lưu bạn bè, người thân không bị quy định của nếp sống tập thể tăng thân chốn thiền môn điều chỉnh mà chỉ do chính bản thân họ tự tu, tự chấp hành kỷ luật cho chính mình hoặc do hoàn cảnh đưa đẩy mâu thuẫn trong nội bộ tăng, sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Thầy trò, huynh đệ. Do đo, để có được chùa, thất riêng tu sĩ phải tìm cách vận động kêu gọi đóng góp từ Phật tử hoặc từ hỗ trợ của gia đình để mua đất xây dựng dưới danh nghĩa nhận cúng dường, nhà thờ cha mẹ, nhà riêng… với rất nhiều lý do khác nhau, số khác lại liên hệ với Ban hộ tự để xin được mời về làm Phật sự theo chủ trương chung của Giáo hội. Cái được ở đây là bà con Phật tử được gần gũi hơn với tam bảo, cơ sở được khang trang hơn, bên cạnh đó lại nảy sinh các mâu thuẫn như khi được bổ nhiệm chính thức làm trù trì lại muốn quyết định các vấn đề không thông qua Ban hộ tự, thay đổi Ban hộ tự mới ủng hộ mình, có các quan hệ không lành mạnh, trong sáng ảnh hưởng đến hình ảnh của tu sĩ Phật giáo. Từ những lý do thực tế đang diễn ra đã tạo nên hình ảnh của vị tu sĩ Phật giáo trở nên thực dụng, méo mó, cầu kỳ se sua vật chất, sử dụng tịnh tài mang tính hưởng thụ lối sống bản ngã không còn các cốt lõi của nhà Phật, là đời sống thiểu dục tri túc, hạn chế, kiềm tỏa để diệt tham sân si; có khi biến tướng người xuất gia trở thành nghề kiếm sống. Như vậy, việc người xuất gia theo xu hướng hiện nay muốn tách rời tăng thân, bước đầu là khó giữ giới luật, đến không tuân thủ giới pháp, oai nghi nên không chóng thì chầy trở nên hư hỏng, sa đọa, mất uy tín, danh dự, cao hơn có thể bị truy tố, mất mạng như trường hợp của thầy Trí Hộ (ở Quảng Trị liên quan đến vụ giết người phi tang), thầy Đồng Huệ liên quan đến chạy án…

 Ngày nay, hiếm thấy tăng ni trẻ có được tư cách đoan nghiêm, oai nghiêm cụ túc, đây là do sự quản lý lỏng lẻo của các bậc bổn sư, quản lý theo hình thức, thọ giới theo giấy tờ, bằng cấp hành chính, không sát hạch nghiêm túc những điều mà giới luật đòi hỏi một người xuất gia phải có, là tiền đề nảy sinh những hình ảnh méo mó trong Phật giáo. Trong bối cảnh Phật giáo hiện nay, nhất là đời sống, sinh hoạt của tăng ni, Phật tử bị ảnh hưởng bởi trào lưu phát triển xã hội. Việc có quan điểm sống, lối sống vô ngã đúng đắn từ nhận thức đến huân tập đúng tinh thần chánh pháp trở thành một trong những ưu tư thường trực của các bậc tâm huyết tu hành. Để Phật pháp không bị suy tàn, vai trò của mỗi thành viên Tăng đoàn phải biết hòa hợp, tăng ni phải thực hiện nếp sống Lục hòa, vô ngã thì mới thanh tịnh, đoàn kết và vững mạnh, bên cạnh đó cần có biện pháp xử lý mạnh trong Tăng sự để giảm bớt tối đa sự tách ly.

Khó khăn lắm nhưng cũng phải nói ra để cho tăng ni, Phật tử suy ngẫm hộ trì xiển dương và hộ trì chánh pháp.

Vu lan Thắng hội PL. 2567

Nguyên Lam