SẼ CÓ QUY TẮC ỨNG XỬ CHUNG CHO NGHỆ SĨ

Gần đây, những vụ lùm xùm xung quanh câu chuyện làm từ thiện của một vài người nổi tiếng, trong đó có cả các nghệ sĩ, người của công chúng, đã khiến cho dư luận và cả báo giới tốn không ít giấy mực. Đúng sai chưa rõ khi đa phần mới chỉ là những phát ngôn mang tính cá nhân, một phía, nhưng dư luận luôn chờ đợi, hy vọng sự công khai, minh bạch từ chính những người được coi là nghệ sĩ.

Đó cũng là cách họ cần phải thể hiện uy tín, sự trong sạch của mình trước những thông tin trái chiều trên mạng xã hội. Đặc biệt là khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chuẩn bị ban hành Bộ quy tắc ứng xử chung cho các nghệ sĩ.

Không bao gồm “cấm sóng”, “cấm diễn”

Bộ VHTT&DL đang tổ chức soạn thảo Dự thảo bộ Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, áp dụng cho cả các nghệ sĩ tự do, không thuộc các nhà hát của nhà nước. Mục đích của bộ quy tắc để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm, từng bước hình thành chuẩn mực đạo đức trong hành vi ứng xử của nghệ sĩ với hoạt động nghề nghiệp, trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội và khi tham gia các hoạt động cộng đồng khác.

Sẽ có quy tắc ứng xử chung cho nghệ sĩ -0

Angela Phương Trinh từng quảng cáo việc nuốt giun đất có thể điều trị COVID-19.

Theo đó, Dự thảo quy định nghệ sĩ phải tuân thủ quy định của pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Hành vi ứng xử (lời nói, hình ảnh, trang phục, lối sống,…) phù hợp với các giá trị đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đề cao trách nhiệm cá nhân, cẩn trọng, bình tĩnh tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin văn minh, hiệu quả.

Đối với khán giả, công chúng, nghệ sĩ phải tôn trọng công chúng, khán giả, tận tâm lao động, sáng tạo nghệ thuật phục vụ nhân dân, đất nước. Lắng nghe ý kiến đóng góp của khán giả, công chúng nhằm hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng tác phẩm, sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Trung thực, không lợi dụng sự nổi tiếng, danh nghĩa nghệ sĩ để trục lợi cá nhân. Ứng xử đúng mực, lịch sự, thân thiện với khán giả, công chúng.

Đặc biệt, dự thảo cũng đưa ra quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội. Theo đó, nghệ sĩ có trách nhiệm và minh bạch trong các hoạt động xã hội, tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh, tác phong, uy tín của người nghệ sĩ trước công chúng và xã hội.

Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng. Không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm.. Không thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan. Không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, vi phạm trật tự an ninh, an toàn xã hội.

Nghệ sĩ cũng phải có trách nhiệm, trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục khi tham gia hoạt động báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Không đăng tải, lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng.

Sẽ có quy tắc ứng xử chung cho nghệ sĩ -0

Thủy Tiên, Công Vinh hứa sẽ sớm lấy sao kê ngân hàng sau khi hết dịch.

Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây ảnh hưởng an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

Trong buổi làm việc mới đây của lãnh đạo Bộ liên quan đến việc soạn thảo bộ quy tắc này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông cho biết bộ quy tắc này chỉ là cái khung về quy tắc ứng xử, không phải văn bản có tính quy phạm pháp luật, do vậy sẽ không có các quy định liên quan đến chế tài xử phạt như “cấm sóng”, “cấm diễn”…

Tuy nhiên, bộ quy tắc ứng xử này được cho là hợp tình, hợp lý và hợp cả thời điểm khi hiện nay dư luận đang rất bức xúc về một số hành vi thiếu chuẩn mực của các nghệ sĩ như phát ngôn lệch lạc trên mạng xã hội, tuyên truyền, quảng cáo sản phẩm sai sự thật. Đặc biệt là sự thiếu minh bạch, công khai các khoản tiền từ thiện mà người dân đóng góp, mặc dù đa phần đều mang tính chất tự nguyện, tự thỏa thuận giữa các cá nhân.

Nghệ sĩ mà như... "hàng tôm hàng cá"!

Từ trước đến nay, công chúng vẫn coi nghệ sĩ là những người có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Nhiều nghệ sĩ lớn có trang cá nhân hoặc fanpage lên đến cả triệu lượt theo dõi. Mỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng như cuộc sống đời thường hoặc những phát ngôn trên báo chí, mạng xã hội và cả cuộc sống thường nhật của các nghệ sĩ luôn được công chúng ủng hộ, hướng theo và có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Khi đã khoác lên mình danh xưng nghệ sĩ, là người của công chúng thì người làm văn hóa nghệ thuật bắt buộc phải hướng đến chân thiện mỹ, hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống chứ không thể rũ bỏ trách nhiệm của mình rằng, trang cá nhân của tôi, cuộc sống của tôi, tôi có quyền thích nói gì thì nói.

Sẽ có quy tắc ứng xử chung cho nghệ sĩ -0

Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố đang chuẩn bị hồ sơ khởi kiện người vu khống mình “ôm” tiền từ thiện.

Mới đây, dư luận không khỏi bức xúc khi các nghệ sĩ Đức Hải, Hiệp "gà" tự đăng tải những phát ngôn tục tĩu trên facebook của mình. Hay như người mẫu T.T. bị dân mạng lên án kịch liệt khi cô này vừa livestream bán hàng trên trang cá nhân vừa nói tục chửi bậy. Ai comment không đúng ý là T.T sẵn sàng lao vào chửi bới. Chưa kể cách ăn mặc hở hang, với những hành động tục tĩu không thể chấp nhận được ở một người nghệ sĩ khiến nhiều người ngán ngẩm.

Bên cạnh đó còn một loạt những nghệ sĩ có tên tuổi như Hồng Vân, Quyền Linh, Vân Dung… quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... Dù sau đó một số nghệ sĩ đã lên tiếng xin lỗi trên trang cá nhân nhưng dư luận lại một lần nữa đặt câu hỏi trách nhiệm của nghệ sĩ trước công chúng đặt ở đâu?

Không phủ nhận việc nghệ sĩ cũng phải mưu sinh, cũng phải kiếm tiền nuôi gia đình, bản thân và sự nghiệp làm nghệ thuật. Nhưng không có nghĩa là bất chấp tất cả. Bởi sức ảnh hưởng lớn của họ sẽ khiến nhiều người tin dùng và sử dụng sản phẩm theo lời quảng cáo, và chẳng may sản phẩm đó thực sự có vấn đề thì sẽ xảy ra hậu quả không lường trước được.

Sẽ có quy tắc ứng xử chung cho nghệ sĩ -0

Giữa lùm xùm về tiền từ thiện, Trấn Thành chọn cách khóa tính năng bình luận trên fanpage.

Hay như khi đại dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, thì diễn viên Angela Phương Trinh đã đăng tải nhiều bài viết trên trang fanpage về việc nuốt giun đất có thể điều trị COVID-19. Những lời tuyên truyền, quảng cáo sai sự thật của Angela Phương Trinh khiến dư luận thực sự bức xúc và mặc dù Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết sẽ xử lý người nổi tiếng lan truyền thông tin giun đất có thể chữa COVID-19, nhưng Angela Phương Trinh vẫn tiếp tục đăng tải clip có nội dung này.

Có lẽ chưa bao giờ công chúng lại mất niềm tin vào nghệ sĩ như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ cụm từ “sao kê” hay “công khai, minh bạch” tiền từ thiện lại được nhắc nhiều trên mạng xã hội, báo chí, truyền hình nhiều như hiện nay. Khởi nguồn có lẽ bắt đầu từ câu chuyện nghệ sĩ Hoài Linh bị tố “ôm” hơn 14 tỷ tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung của các nhà hảo tâm tới nửa năm không giải ngân. Dù sau đó, ekip của nghệ sĩ đã vội vã giải ngân giữa lúc dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên cả nước nhưng cũng không làm yên lòng người hâm mộ. Mạng xã hội lại tiếp tục lan truyền con số mà Hoài Linh nhận được không dừng ở 14 tỷ mà lên đến 22 tỷ và yêu cầu nghệ sĩ phải sao kê chi tiết những khoản tiền từ thiện đã nhận được và giải ngân ra sao?

Những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành… cũng liên tục được dư luận gọi tên khi không chịu sao kê số tiền từ thiện nhận được  từ các nhà hảo tâm. Trong khi Hoài Linh chọn cách im lặng, Trấn Thành còn khóa tính năng bình luận trên fanpage của mình thì Đàm Vĩnh Hưng lại đăng tải clip khẳng định sẽ nhờ pháp luật “đối soát tài khoản của mình để đảm bảo tính minh bạch” trước lời tố “ngâm” 96 tỷ đồng tiền từ thiện giúp đỡ đồng bào miền Trung chứ không phải chỉ 1,8 tỷ đồng như công bố với 1,9 kg chứng từ. Thay vì hứa hẹn đưa bản sao kê, nam ca sĩ thách người tố mình tung bằng chứng và “đền” kim cương khiến người ta có cảm giác nghệ sĩ mà như "cái đồ hàng tôm hàng cá". Thủy Tiên cũng bị yêu cầu sao kê sau khi đứng ra kêu gọi hỗ trợ miền Trung. Dù trước đó, cô đã công khai và sao kê số tiền nhận được có xác nhận ngân hàng nhưng vẫn không được cư dân mạng đồng tình, nhất là khi có thông tin cô ăn chặn 42 tỷ tiền từ thiện để xây nhà.

Nâng cao trách nhiệm của người nghệ sĩ

Biết rằng việc làm từ thiện là rất đáng hoan nghênh, nhất là khi nghệ sĩ là người có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng nên kêu gọi được số tiền đóng góp là rất lớn,  nhưng không thể lấy cớ nhà hảo tâm tự nguyện chuyển tiền để nghệ sĩ làm từ thiện thì họ muốn làm thế nào là việc của họ. Và cũng biết rằng việc làm từ thiện rất phức tạp, nhiều khó khăn, nhất là khi số tiền cần giải ngân lên đến vài chục, vài trăm tỉ, sẽ không tránh khỏi thiếu sót, nhất là với những nghệ sĩ chưa có kinh nghiệm.

Thế nhưng việc công khai minh bạch là điều nên làm khi bắt tay vào làm từ thiện, vừa thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ, vừa thể hiện sự tôn trọng với người ủng hộ. Khi người có tấm lòng hảo tâm chuyển tiền ủng hộ là họ đã mong muốn được tận mắt chứng kiến đồng tiền của mình được sử dụng như thế nào và giúp đỡ được người dân ra sao.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Tôi tin khi bộ quy tắc ứng xử này ra đời sẽ có sự thay đổi trong cách ứng xử của nghệ sĩ. Bởi việc ban hành bộ quy tắc ứng xử này dựa trên thực tế là trong thời gian vừa qua rất nhiều nghệ sĩ đã có những ứng xử không phù hợp và lệch chuẩn. Lý do quan trọng nhất cho sự không phù hợp và lệch chuẩn này là do họ thiếu hiểu biết về những quy tắc ứng xử, đặc biệt là quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Trong khi đó nghệ sĩ là những người được công chúng rất quan tâm, họ có ảnh hưởng lớn đối với công chúng. Nên chúng ta mong muốn có sự điều chỉnh trong hành vi của các nghệ sĩ.

Đồng thời chúng ta cũng cần có cơ sở, căn cứ để từ đó hình thành các dư luận xã hội như ủng hộ việc làm đúng của các văn nghệ sĩ và lên án các việc làm không đúng của các văn nghệ sĩ. Chính vì vậy khi chúng ta có được bộ quy tắc ứng xử (dù bản chất nó không mang tính bắt buộc và cũng không có chế tài) nhưng nó có thể tạo ra được ý thức và nhận thức của người nghệ sĩ. Từ đó họ sẽ có những ứng xử phù hợp hơn, sẽ giảm bớt những câu chuyện tiêu cực về cách ứng xử của nghệ sĩ”.

Trâm Anh