NHẬN DIỆN THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội, nhất là Facebook, YouTube liên tục xuất hiện tình trạng một số cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin thiếu chính xác, phản ánh một chiều, chưa được kiểm chứng, đặc biệt là các phiên tòa xét xử số đối tượng phản động, chống đối chính trị, vụ việc liên quan lực lượng Công an trấn áp tội phạm...

Điều này dẫn đến người đọc hiểu sai sự thật của bản chất vụ việc, gây tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, cực đoan chính trị xuyên tạc những thông tin đúng sự thật, bôi nhọ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội. Một lần nữa, chúng ta thấy rằng việc nhận diện và đấu tranh với hoạt động tán phát thông tin xấu độc trên mạng xã hội luôn là vấn đề mà xã hội quan tâm

Lợi ích tích cực mà mạng Internet đưa lại là điều không ai có thể phủ nhận và chúng ta vẫn đạng tận dụng điều đó hàng ngày. Tuy nhiên với quy luật vận động thì sự phát triển chóng mặt của mạng Internet cũng sẽ mang lại nhiều hệ lụy. Rõ ràng nhất hiện nay là sự gia tăng của những tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội. Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, tin đồn thất thiệt, thông tin nhảm nhí, rùng rợn…; thông tin cổ vũ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lô đề, cờ bạc, cá độ, vay nặng lãi, tham gia vào các hội kín, nhóm kín trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm kỷ luật, pháp luật nổi lên là các nhóm “Hội những người từng đi tù”, “Hội những vỡ nợ muốn làm liều”, “Lều báo xóm nhà lá”… Đáng chú ý, thông tin xấu độc còn là những thông tin xuyên tạc về chính trị, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch, kích động nhân dân do các tổ chức phản động, khủng bố, đài báo thù địch với Việt Nam tán phát như “Việt Tân”, “Hội anh em dân chủ”, “Chính phủ Quốc Gia Việt Nam lâm thời”, đài RFA, VOA…

Về thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc thì các đối tượng lợi dụng các trang mạng lớn trên thế giới như Google, Facebook, kênh Youtube làm công cụ phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Nguồn phát chủ yếu từ một số tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài hướng vào trong nước. Không chỉ tung tin xấu độc trên 3 nền tảng Facebook, YouTube, TikTok, có nhiều sự kiện với mục đích thông tin nhanh hơn nên các đối tượng sử dụng tính năng livestream. Chiêu thức sản xuất tin xấu, độc phát tán trên không gian mạng của chúng là “3 phần thực, 7 phần hư cấu", lấy hình ảnh hoạt động từ báo chí chính thống rồi cắt ghép, xào nấu, thêm thắt, xuyên tạc, bịa đặt, cài cắm thêm nhiều tin giả. Để phát tán thông tin xấu, độc lên không gian mạng, những tổ chức, cá nhân phản động thực hiện dưới 03 thủ đoạn như sau:

Thứ nhất, Mạo danh lãnh đạo cấp cao hoặc các cơ quan ban ngành như Ban Tuyên giáo Trung ương, VTV, Bộ Y tế, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an…

Thứ hai, lập các tài khoản lấy tên giống như cơ quan báo chí (Sự thật 24h, Tintức 24h, Tin Chính trị Việt nam… ) hoặc các tổ chức (Nhật ký yêu nước, Con đường VN, Truyền thông Thái Hà…) gây nhầm tưởng là cơ quan báo chí hoặc tổ chức yêu nước.

Thứ ba, dùng tên chính thức như Tổ chức Việt Tân, RFA, Thoibao.de, BBC Tiếng Việt.

Hậu quả của thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin, đạo đức, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội, đánh mất bản sắc dân tộc. Phá hoại bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của người Việt Nam. Do đó, nhận diện và đấu tranh vô hiệu hóa, vạch trần những phương thức thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. Dưới  đây là một số kỹ năng kiểm tra, nhận diện thông tin xấu độc trên không gian mạng:

Thứ nhất, xem xét kỹ các tiêu đề: Những thông tin xấu độc thường có tiêu đề hấp dẫn, đặc biệt là những thông tin trong tiêu đề giật title, gây sốc. Thường kèm theo dấu ba chấm và câu tựa đề đứt đoạn buộc người đọc tò mò, phải click vào để xem tiếp nội dung.

Thứ hai, chú ý tới các đường dẫn liên kết (link): Đây là dấu hiệu cảnh báo về tin giả khi chúng ta phát hiện đường dẫn tới trang web giả mạo hoặc trông gần giống với đia chỉ/đường dẫn của một trang web chính thống. Đầu tiên, hãy kiểm tra lại địa chỉ web. Đây là phương pháp nhanh chóng nhất trong các cách nhận biết trang web lừa đảo. Cảnh giác trước các đường dẫn có dấu hiệu như: Lỗi chính tả, sai khác (lấy đường dẫn khác, nhưng tên website giống hệt), thiếu hoặc thừa một vài ký tự, hoặc thay thế một vài ký tự với ký tự khác gần giống (như “l” thay bằng số một “1”).

Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.

Thứ ba, kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra. Đồng thời kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xấu độc là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”. Sử dụng tính năng tìm kiếm để kiểm tra các bài viết trên các trang mạng chính thống (Thông tin chính phủ, Báo Nhân dân...) có nội dung tương tự để đối chiếu, xác minh. Nếu các bài viết trên thường do các trang nước ngoài đăng tải, lời văn đứt đoạn thì thường là các bài viết xuyên tạc, tán phát thông tin xấu độc. Có thể dựa vào các đuôi trang .com, .org, .gov (chính phủ), .edu (giáo dục đào tạo)… thường là những trang truy cập (top-level domain) có thể tin cậy được để xác thực độ uy tín của website.

Thứ tư, xác định đối tượng tán phát: Các thông tin bắt nguồn từ các đối tượng phản động chống đối, cá nhân thiếu hiểu biết.

Thứ năm, kiểm tra hình ảnh: Những thông tin xấu độc thường chứa hình ảnh hoặc video bị chỉnh sửa. Đôi khi bức ảnh được các đối tượng cố tình đưa ra khỏi bối cảnh gốc gây nhầm lẫn, lầm tưởng cho người xem. Do vậy, chúng ta cần sử dụng tính năng tìm kiếm ảnh, đối chiếu với nguồn ảnh gốc (nếu có), xác định thời gian khởi tạo, dung lượng, kích thước.. để đối chiếu với các thông tin đối tượng đưa ra. Một trong những cách dễ nhất để làm điều này là sử dụng 'tìm kiếm hình ảnh ngược'. Google: Tới trang tìm kiếm hình ảnh của họ tại http://images.google.com/ và bấm vào nút camera. Tải lên hình ảnh và xem kết quả tìm kiếm cho hình ảnh của bạn. Bạn có thể cần duyệt qua các kết quả tìm kiếm tùy thuộc vào số lượng kết quả được trả về và mức độ giống với hình ảnh bạn đã tải lên. Việc sử dụng các tùy chọn tìm kiếm cũng có thể cần thiết.

Quan trọng hơn, mỗi người dân, nhất là giới trẻ cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết trong việc chọn lọc, nhận diện thông tin; kỹ năng công nghệ-thông tin để chặn, lọc, xóa, báo xấu,…các thông tin độc hại khi phát hiện, không để thông tin đó lan truyền; nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật và quy tắc ứng xử văn hóa trên môi trường mạng xã hội; rèn luyện tư duy biện chứng, tư duy phản biện khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng xã hội để xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan đa chiều, nhìn thấu được bản chất ẩn giấu sau hiện tượng bề ngoài, mục đích sâu sa ẩn đằng sau những ngôn ngữ, hình ảnh; thường xuyên cập nhật kiến thức xã hội để nâng cao “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc, sai trái, không dễ bị mắc lừa, dụ dỗ.

Không thể phủ nhận mạng xã hội là một thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, tạo thêm không gian để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác trên phạm vi toàn cầu, là kênh thông tin quan trọng và hữu ích. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta./.

TRÍ NGUYỄN