NGẬM MIỆNG ĂN TIỀN

Thực tế ở đời không ai ngậm miệng lại ăn được. Sau khi sinh ra, ai cũng biết ăn, cần ăn để mà sống. Đó là điều dễ hiểu. Còn “ăn tiền” theo đúng nghĩa thì dạ dày không thể chứa được. Nói “ngậm miệng ăn tiền” là ám chỉ người im lặng, làm ngơ trước việc trái với lẽ phải để trục lợi hoặc để khỏi ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân.

Thành ngữ này nhằm phê phán, mỉa mai tính cách của một loại người luôn vì lợi ích cá nhân mà “khôn khéo” giấu mồm giấu miệng, nhu nhược hữu khuynh, cơ hội trước những việc làm sai trái của người khác, kiểu “gà khôn giấu mỏ” để “ăn tiền”. Tính cách này giờ đây đang biểu hiện rất đa dạng, tinh vi.

Thành ngữ “ngậm miệng ăn tiền” không hẳn chỉ nói đến một sự hữu khuynh đơn thuần, do tính dè dặt, nể nang, ngại va chạm để bỏ qua tất cả biểu hiện sai trái của người khác, mà “ngậm miệng ăn tiền” là một sự “hữu khuynh tế nhị” của những người khôn lỏi, biết im lặng đúng lúc, biết “lên tiếng” đúng chỗ, gió chiều nào che chiều ấy, mạnh đâu hùa theo đấy, miễn là có lợi cho mình, đúng sai mặc kệ, “ta không đụng đến ai thì chắc cũng không ai đụng đến ta”.

Trái với đức tính thẳng thắn, trung thực, vô tư của phần đông cán bộ, đảng viên thì còn một bộ phận cán bộ, đảng viên thấy cấp trên và mọi người xung quanh có những sai trái và khuyết điểm mà vẫn lờ đi như người điếc, người mù. Họ chỉ tích cực xì xào phía sau, bàn luận, chê bai ông nọ, ông kia... nhưng trong họp hành thì thu mình như con ốc. Họ không dám phê bình, góp ý thẳng thắn vì sợ mất ghế, sợ về hưu sớm, sợ bị đưa ra khỏi quy hoạch, bị điều động đi nơi xa, sợ không được đề bạt, bổ nhiệm, sợ mất tình cảm với cơ quan nọ, đơn vị kia, sẽ giảm uy tín khi bầu vào cấp ủy, vào hội đồng nhân dân các cấp... mà im thin thít. Qua đó, họ không mất lòng ai mà lại được cấp trên cho là khiêm tốn, chín chắn, thận trọng. Còn người thẳng thắn, nói đúng sự thật không khéo sẽ bị “vô hiệu hóa”, bị cấp trên cho là nóng vội, thiếu chín chắn, không có phương pháp xem xét, nhìn nhận, đánh giá sự việc.

Thẳng thắn mà nói, thái độ “ngậm miệng ăn tiền” của nhiều người có chức, có quyền đã gián tiếp gây nên những hậu quả vô cùng tai hại. Nếu một tập thể cấp ủy với tất cả thành viên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thẳng thắn, vì lợi ích chung, đồng thời chân tình, thẳng thắn giúp đồng chí, đồng đội nhận thấy biểu hiện sai trái, sẵn sàng “vỗ vai” hoặc có ý kiến ngay, lên tiếng ngay thì có thể ngăn ngừa được tình trạng cán bộ (kể cả cán bộ cao cấp) vi phạm nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng trong những năm qua.

Những kẻ “ngậm miệng ăn tiền” phát sinh từ nhiều hướng, nhưng hướng chủ yếu là sự ràng buộc về lợi ích cá nhân. Có cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã lợi dụng chức quyền trục lợi, tùy tiện lộng hành trong công tác cán bộ, chi tiêu vô nguyên tắc, nhưng nhiều cấp ủy viên và cán bộ, đảng viên nơi đó biết mười mươi mà vẫn lặng im. Có người còn tặc lưỡi: “Chẳng hơi sức đâu mà dây vào cho mệt!”. Thậm chí, có cán bộ dày dạn thực tiễn trong công tác, chiến đấu, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương cao quý nhưng trước biểu hiện sai trái của tập thể hoặc một số cá nhân có chức, có quyền lại không dám đấu tranh, không có chính kiến rõ ràng, sợ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân.

Có thể nói, trong việc phòng, chống tham nhũng hiện nay, những kẻ “ngậm miệng ăn tiền” đã và đang bị mọi người chê trách, khinh miệt. Nó là một tính xấu, cản trở tư tưởng tích cực, tiến bộ của những cán bộ, đảng viên cộng sản luôn trung thực, thẳng thắn, dũng cảm đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, bảo vệ cái đúng, vì lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và xã hội. Với những người như thế, chúng ta phải kiên quyết ủng hộ, tôn trọng và yêu quý họ; đồng thời phải chung tay góp sức đấu tranh, ngăn chặn những cán bộ, đảng viên có thái độ, biểu hiện “ngậm miệng ăn tiền” vì động cơ hẹp hòi, ích kỷ.

VŨ VIẾT XÔ