NỀN TẢNG VỮNG CHẮC ĐƯA VIỆT NAM BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991) nêu rõ “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do”. Năm 1986, trong tình thế “đổi mới hay là chết” – Đại hội VI của Đảng đã “nhìn thẳng vào sự thật”, có quyết định mang tính đột phá, đổi mới toàn diện, sâu sắc, coi đó là “mệnh lệnh của cuộc sống”.
Những thành tựu lịch sử
Trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD, tăng khoảng 5,05% so với năm 2022. Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới. Những bước phát triển mạnh mẽ nói trên đã giúp xác lập một vị thế mới cho nền kinh tế của Việt Nam.
Vị thế này được định vị qua các tiêu chí sau đây: Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN và thứ 45 trên thế giới; là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới; tỷ lệ nghèo của Việt Nam giảm thuộc loại nhanh nhất thế giới, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 4,3% năm 2022; tỷ lệ đô thị hóa đạt 41,7% năm 2022, cao hơn mức trung bình của khu vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín, Việt Nam thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD, đây là mức đầu tư cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, ngay cả khi các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều đứt gãy. Việt Nam hiện là điểm sáng trong phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng nằm trong top 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất, nhập khẩu trên thế giới.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế quốc tế quan trọng như: WTO, APEC, ASEAN... Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến tháng 5/2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement- FTA). Trong đó, 16 FTA đã ký kết và thực thi và 3 FTA đang đàm phán. Trong ASEAN, Việt Nam là nước có số lượng FTA ký kết nhiều nhất, vượt qua các nước như Singapore, Thái Lan và Indonesia. Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam dự báo kinh tế Việt Nam vào năm 2025 sẽ có mức tăng trưởng đạt 6%, sau đó vào năm 2026 là 6,5%.
Về đối ngoại, Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt. Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 8 quốc gia. Đặc biệt, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng Cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Trong những năm gần đây, hầu hết nguyên thủ, lãnh đạo các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng, trong đó có Liên hợp quốc, đều đến thăm, làm việc và có ấn tượng tốt về đất nước, con người Việt Nam; đồng thời lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chuyến thăm thành công đến các nước, đối tác trên khắp các châu lục.
Trong đảm bảo quyền con người, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người như: “Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc”; “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội”; “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị”; “Công ước về quyền trẻ em”; “Công ước về quyền của người khuyết tật”… Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), số lượng nữ đại biểu Quốc hội là 151 người, chiếm 30,26% (đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay); tỷ lệ người dân tộc thiểu số là 89 người, chiếm 17,84%.
Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường; đồng thời, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với tư duy tiếp cận cách làm sáng tạo nổi bật, riêng có của Việt Nam, do người Việt Nam thực hiện, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tới đây, Đại hội XIV của Đảng sẽ được tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa, là dịp tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 50 năm hòa bình, thống nhất đất nước, 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Đại hội sẽ đề ra những chủ trương, quyết sách, những định hướng lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030; tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng XHCN.
Thế và lực mới cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 và trong nhiều bài viết, phát biểu quan trọng vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Tư duy lý luận về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc chính là sự kế thừa, phát triển nhận thức, tư duy lý luận về giai đoạn phát triển mới của dân tộc Việt Nam.
Hành trang bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, đó là: Phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ XHCN, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững, đột phá.
Trên con đường đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước ta đang có nhiều cơ hội để phát triển nhanh, bền vững; có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chế độ chính trị ổn định và phát huy tính ưu việt với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự lãnh đạo, cầm quyền đúng đắn, vững vàng của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; quốc phòng, an ninh vững mạnh, đối ngoại rộng mở, tạo môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển. Xu hướng chung của thế giới vẫn là toàn cầu hóa, hội nhập, hợp tác cùng phát triển với tác động sâu rộng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong cơ hội vẫn đan xen những khó khăn, thách thức. Đó là sự chống phá của các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN Việt Nam. Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, chưa phát huy hết tiềm năng, kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ chưa đồng bộ. Trình độ nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao. Tình hình tham nhũng, lãng phí còn diễn biến phức tạp, các mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội…
Việc đưa ra khái niệm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược với tư duy lý luận, quan điểm mới của người đứng đầu Đảng ta. Quan điểm này cũng gợi mở, tạo tiền đề phát triển, bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội XIV của Đảng, hiện thực hóa niềm tin và khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, trong đó có lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930, chúng ta rất đỗi tự hào về những thắng lợi vẻ vang, những kỳ tích vươn mình, biến điều tưởng như không thể trở thành có thể. Thế giới ngày nay vừa khâm phục Việt Nam anh hùng trong chiến tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, vừa trân trọng Việt Nam đổi mới thành công, đem lại cho quốc gia những bước tiến vượt bậc, trở thành dẫn chứng sinh động cho các quốc gia đang phát triển vươn lên. Phía trước, kỷ nguyên mới đã mở ra, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam tới tầm cao của quốc gia đang phát triển và phát triển, vững bước dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH.
Bình Nguyên