LUÔN TIN TƯỞNG VÀO ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng hơn 54.000 người dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 4,9% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc ít người như Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Cơ Tu, Bru-Vân Kiều và một số nhóm nhỏ các dân tộc khác sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, rải rác ở một số huyện Phong Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con, niềm tin của bà con dân tộc thiểu số ngày càng được củng cố, nâng cao. Để phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm rất lớn trong việc ban hành các nghị quyết, quyết định; triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giáo dục - đào tạo, hỗ trợ y tế - chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao.

Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản..., thu nhập của bà con được cải thiện đáng kể, được hỗ trợ học bổng, miễn, giảm học phí, hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, tỷ lệ đi học của trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ngày càng cao. Trong lĩnh vực y tế, bà con dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế đã được hỗ trợ khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, sức khỏe của bà con được cải thiện. Ngoài ra, chính quyền các cấp cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế ...ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của bà con ngày càng được nâng lên rõ rệt. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dâ tộc thiểu số và miền núi cuối năm 2022 giảm 9.84% (giảm từ 40,23% xuống còn 30,39%), riêng huyện A Lưới giảm 12,08% (giảm từ 52,79% xuống còn 40,71%). Đồng thời, thu nhập bình quân đầu người có bước chuyển biến tích cực, cụ thể của huyện A Lưới đạt 31 triệu/năm, huyện Nam Đông đạt 49,3 triệu/năm.

Với những chính sách thiết thực của Đảng và Nhà nước, niềm tin của bà con dân tộc thiểu số Thừa Thiên Huế vào chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước ngày càng được củng cố, tăng cường. Bà con dân tộc thiểu số tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của bà con sẽ ngày càng được cải thiện, đồng thời đây cũng là mục tiêu, động lực to lớn để Đảng, chính quyền và nhân dân cùng nhau thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hồng Đức