LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN VỚI NHIỆM VỤ BẢO ĐẢM AN NINH CON NGƯỜI THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII - BÀI 1: AN NINH CON NGƯỜI LÀ TRUNG TÂM CỦA CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ: “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…"   trong đó, nội dung bảo đảm an ninh con người là một nội dung mới trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bài 1: An ninh con người là trung tâm của chính sách phát triển đất nước

Khái niệm an ninh con người (tiếng Anh: Human Security) lần đầu tiên trên thế giới đươc đưa ra Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 1994:“An ninh con người có thể nói gồm hai khía cạnh chính. Đầu tiên, nó có nghĩa là an toàn trước những mối đe dọa kinh niên như nạn đói, bệnh tật và sự đàn áp. Thứ hai, nó có nghĩa là bảo vệ chống lại sự phá vỡ đột ngột và gây tổn thương đối với mẫu hình cuộc sống hằng ngày - cho dù trong gia đình, trong công việc hay trong cuộc sống". Theo Liên hợp quốc, an ninh con người bao gồm 7 thành tố cấu thành gồm: An ninh kinh tế; an ninh lương thực; an ninh y tế; an ninh môi trường; an ninh cá nhân; an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Đến năm 2003, Ủy ban An ninh con người của Liên hiệp quốc đã giải thích rõ về an ninh con người một cách cụ thể, chi tiết: “An ninh (con người) là các mối đe dọa bệnh tật, đói nghèo, thất nghiệp, tội phạm, xung đột xã hội, trấn áp chính trị và các nguy cơ về môi trường sống, rồi mở rộng khái niệm đến cả việc bảo vệ cho các nạn nhân của di dân, tị nạn do xung đột, cải thiện các điều kiện sống để vượt đói nghèo, được chăm sóc y tế và được tiếp nhận kiến thức”.

Ở Việt Nam, khái niệm an ninh con người lần đầu tiên được đề cập đến tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam“Đẩy mạnh các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông; bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người”. Như vậy, Đảng đã xác định con người là mục tiêu, động lực của đổi mới và chủ thể sáng tạo của phát triển xã hội, con người ở vị trí trọng tâm của chính sách phát triển “đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người gắn với an sinh xã hội”. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng tiếp tục chú trọng đến vấn đề an ninh con người, trong Văn kiện Đại hội XIII thường xuyên đề cập an ninh con người như trong định hướng phát triển đất nước 10 năm 2021-2030, Đảng ta xác định: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, phân minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”. Nhiệm vụ, giải pháp phát triển giai đoạn đất nước 5 năm tới (2021-2025) xác định: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”. Trong tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII xác định “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người”. Trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII có nhiệm vụ trọng tâm thứ tư về văn hóa, xã hội: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”,

Đại hội cũng nhấn mạnh an ninh con người là trung tâm để đảm bảo phát triển chính trị, xã hội do đó bảo vệ an ninh con người là bảo vệ an ninh quốc gia hay an ninh con người là bộ phận của an ninh quốc gia (an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh quân sự, an ninh biên giới, biển đảo, an ninh đối ngoại, an ninh tư tưởng – văn hóa, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh kết nối, an ninh tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực,…). Con người mà cụ thể là nhân dân Việt Nam là chủ thể của công tác bảo đảm an ninh con người của hệ thống chính trị trong đó có lực lượng Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới góc độ công tác Công an có thể xác định “an ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”.

Đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người gắn với an sinh xã hội theo tinh thần Đại hội XIII là nhiệm vụ không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân của Đảng và Nhà nước ta trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Cho đến nay Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hộ nghèo thấp và tốc độ giảm nghèo nhanh nhất thế giới với tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân từ 1.5% đến 2%/năm, năm 1993 tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 58.1% thì đến năm 2021 tỷ lệ này còn 2.23% (609.049%). Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã được Chính phủ bố trí 44.449 tỷ đồng, bên cạnh đó còn có 44.214 tỷ đồng Chính phủ chi thực hiện chính sách giản nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng,… Hơn 70% người dân Việt Nam được đảm nảo các mặt đời sống vật chất và tinh thần, 13 % dân số đạt chuẩn quốc tế về tang lớp khá giả.

Chăm lo đời sống sản xuất, kinh doanh của nhân dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam chú ý đến việc thu hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam qua đó khuyến khích phá triển khoa học kỹ thuật, tạo công ăn việc làm cho số người trong độ tuổi lao động, tăng thu nhập cho người lao động. Trung bình mỗi năm đã tạo ra được 1.6 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tại khu vực thành thị chỉ còn khoảng 3.1% năm 2019 (con số này vào năm 2015 là 3.37%). Trên lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hệ thống y tế cơ sở đã được xây dựng trên cả nước, từ Trung ương cho đến cơ sở tận thôn, bản; đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế được đào tạo bài bản tăng lên về số lượng lẫn chất lượng, đã có nhiều cơ sở y tế đạt chuẩn quốc tế, là trung tâm khám, chữa bệnh uy tín trong và ngoài nước. Các thành tựu y học của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận, đặc biệt là trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, ngành y tế Việt Nam đã khẳng định năng lực, trình độ, khả năng kiểm soát dịch bệnh ưu việt của chế độ, mô hình Đảng Cộng san lãnh đạo, Nhà nước điều hành, quản lý, hệ thống chính trị - xã hội chung tay thực hiện với nhiều biện pháp hữu hiệu nhất là chủ trương tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng, chống Covid-19, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ đã kịp thời triển khai các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng  (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (năm 2021) cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòn chống Covid-19, tính đến tháng 3/2020 đã tiêm 200 triệu liều vắc xin, trong đó tỷ lệ người dân được tiêm ít nhất 01 mũi đạt 81.14% trở thành quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới, qua đó đã tạo ra “hệ miễn dịch cộng đồng” rộng khắp trong nhân dân, đẩy lùi dịch bệnh để bình thường hóa đời sống sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trong xã hội, đây là nỗ lực phi thường của Đảng, Nhà nước ta trong chiến lược “ngoại giao vắc xin”.

Trên một số lĩnh vực khác, đến nay trên 90% dân số Việt Nam ở nông thôn và thành thị được sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2020 đạt 90.7% (tăng 76.5% so với năm 2015), tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam năm 2020 là 73.3 tuổi (năm 2015 là 73.3 tuổi),… Có thể khẳng định đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Việt Nam hiện nay đã được nâng cao rõ rệt, khoảng cách giàu nghèo đã được kéo gần, người dân Việt Nam có đầy đủ điều kiện, tự tin về khả năng về trí tuệ, sức khỏe, kinh tế,… để hòa nhập với cộng đồng quốc tế.

QUANG ĐỨC

(còn nữa)