HÃY LÀ NGƯỜI TỈNH TÁO

Nhìn từ hai sự kiện thu hút được đông đảo sự quan tâm của người dân thời gian qua là tình hình diễn biến dịch virus Corona và việc truy bắt đối tượng Tuấn “khỉ”. Tất cả các phương tiện thông tin truyền thông đều cảnh báo sự nguy hiểm của hai sự việc này tuy nhiên để thỏa mãn tâm lý đám đông nhiều người đã phớt lờ đi những cảnh báo, thực hiện những hành vi cảm tính và để lại những hậu quả không đáng có.

Trong khi cả hệ thống chính trị đang tìm mọi cách để ngăn ngừa sự phát triển và chấm dứt dịch virus Corona thì một bộ phận không nhỏ người dân lại tận dụng sự việc này để kiếm lợi cả về vật chất lẫn tinh thần. Mặc dù các tổ chức y tế trong và ngoài nước đã có những khuyến cáo về việc phòng chống dịch Corona, đặc biệt trong việc sử dụng khẩu trang y tế nhưng chính vì tâm lý chạy theo đám đông khởi nguồn từ các thông tin chính thống trên mạng xã hội nên mọi người dân đều đổ xô đi mua khẩu trang y tế mà hầu hết không nắm rõ cách sử dụng chính xác. 

Từ quả “boom” thông tin đó, dẫn đến tâm lý đám đông sợ hãi, người dân đua nhau đi mua khẩu trang y tế với số lượng lớn đã dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu, một số cơ sở kinh doanh bán khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn đua nhau tăng giá lên gấp đôi thậm chí gấp 3,4 lần cho người tiêu dùng. Và khi nhà nước bắt tay vào việc chấn chỉnh giá cả bán các mặt hàng này của nhà thuốc thì một số nhà thuốc lại tỏ thái độ bất mãn khi đăng tải trên mạng xã hội kêu gọi các quầy thuốc khác cùng không nhập và bán khẩu trang, việc đó đã có nhà nước điều chỉnh. Cá biệt có đối tượng nhìn thấy nhu cầu và sự khan hiếm của mặt hàng khẩu trang nên đã rao bán khẩu trang trên trang cá nhân để câu like, tương tác, tăng lượng theo dõi, thậm chí có đối tượng còn thực hiện hành vi lừa đảo bằng hình thức rao bán khẩu trang giá rẻ và lừa được hơn 10 người với số tiền đặt cọc hơn 60 triệu đồng. 

Không chỉ tận dụng bán khẩu trang, nước diệt khuẩn trong thời điểm này để kiếm lợi nhuận khủng, một số cá nhân đã đưa những nguồn tin thất thiệt về dịch virus Corona lên những trang mạng cá nhân để chứng tỏ mình là người hiểu biết, biết nhiều chuyện “chưa ai biết, nguồn tin nội bộ” hòng thu hút được nhiều sự quan tâm của người khác. Nhóm đối tượng này không chỉ ở nhóm người dùng thông thường mà có nhiều thành phần nổi tiếng, có số lượng người theo dõi trang mạng cá nhân cực lớn.

Từ khi Việt Nam công bố dịch bệnh đến nay thì đã có hàng chục đối tượng đã bị lực lượng chức năng các tỉnh thành mời lên làm việc, nhắc nhở thậm chí là xử phạt về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh virus Corona trên facebook cá nhân gây hoang mang dư luận. Nếu trên các trang mạng cá nhân của mình các đối tượng tỏ ra chắc chắc về độ chính xác thông tin bao nhiêu thì khi bị lực lượng chức năng mời lên làm việc các đối tượng này đều tỏ rõ sự ân hận khi thiếu hiểu biết, muốn gây sự chú ý, tăng lượng người theo dõi trang cá nhân… và cam kết sẽ không tái phạm bấy nhiêu.

Nếu ở sự việc diễn biến dịch virus Corona thu hút được nhiều người quan tâm để thể hiện sự hiểu biết của bản thân thì lượng người theo dõi vụ vây bắt Tuấn “khỉ”- kẻ thủ ác 5 mạng người rồi bỏ trốn lại là sự hiếu kỳ, tò mò cộng thêm thiếu hiểu biết. Trước sự tụ tập đông người từ mọi lứa tuổi, thậm chí nhiều người đã lớn tuổi, người bế con nhỏ tò mò ra khu vực lực lượng công an đang tổ chức vây bắt Tuấn “khỉ” đã gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng, thậm chí lực lượng thực thi nhiệm vụ vây bắt đã phải chia nhau ra để đi năn nỉ từng nhóm người hiếu kỳ giải tán để tránh những rủi ro cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng nhưng tình trạng trên lại tái diễn chỉ ít phút sau đó.

Có nhiều người dân hiếu kỳ nhà cách hiện trường vây bắt đối tượng gần cả chục cây số nhưng ngày nào cũng lái xe đến đây từ sáng cho tới khi trời tối mới về, cá biệt có người thuê phòng trọ ở lại chỉ để không muốn bỏ lỡ khoảnh khắc bắt được Tuấn “khỉ”, ai cũng muốn có những câu chuyện, hình ảnh về sự kiện này để nói lại với những người sinh sống xung quanh mình, đăng tải lên mạng xã hội, khẳng định mình nắm bắt được sự việc từ đầu đến cuối. Không chỉ có những người dân tò mò bàn tán mà nơi đây xuất hiện nhiều “nhà báo tự xưng”, họ là những người dân thích thể hiện sự hiểu biết, họ sử dụng điện thoại quay phim và phỏng vấn những người dân xung quanh, người bán hàng… như là đang tác nghiệp thực thụ. Và trong khi lực lượng chức năng chưa bắt được đối tượng, chưa điều tra rõ vụ việc thì những “nhà báo tự xưng” ấy cũng như người được phỏng vấn đã khẳng định những điều chắc như đinh đóng cột, như họ là người trong cuộc. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng nhiều vụ việc vây bắt các đối tượng nguy hiểm có vũ khí nóng như súng, lựu đạn… người dân vẫn tò mò hiếu kỳ đứng xem mà không hề màng đến mạng sống của mình trong khi ở nhiều quốc gia trên thế giới khi sự việc tương tự xảy ra người dân ý thức được sự nguy hiểm, đã tự mình tìm những chỗ ẩn nấp an toàn cho bản thân và gia đình chứ chưa cần đến sự khuyến cáo của lực lượng chức năng.

Qua những sự việc trên, có thể thấy tâm lý đám đông thích thể hiện cái tôi của bản thân đã dẫn đến những hành động cảm tính như vô tình đưa thông tin sai lệnh do thiếu nhận thức hay cố tình đưa tin giật gân nhằm câu like, chia sẻ, tương tác, lượt theo dõi gây ảnh hưởng chung tới toàn xã hội. Và cũng chính vì sự tò mò, thèm khát thông tin chính thống hay bên lề cũng đã dẫn đến nhiều người đưa lên trang mạng xã hội của mình những nguồn tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là tạo dựng để thu hút được sự quan tâm của nhiều người hơn nữa.

Bài học cho chúng ta thấy người dân cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin thiếu cơ sở, kiểm chứng để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng. Với mỗi người dân cần có ý thức đề phòng, cần thể hiện rõ quan điểm với hành vi sai trái (câu like, tung tin thất thiệt, trục lợi bất chính) là tội ác, cần phải bị trừng phạt.

Vũ Văn