ĐỪNG ĐỂ SẬP BẪY CHIÊU TRÒ GIẢM GIÁ CUỐI NĂM

Mỗi dịp cuối năm, khi nhu cầu mua sắm tăng cao, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá rầm rộ được tung ra. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh đã lợi dụng cơ hội này để tiêu thụ hàng tồn, hàng kém chất lượng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều chiêu trò lừa đảo tinh vi, khiến không ít người tiêu dùng trở thành nạn nhân.

 

Ma trận khuyến mãi

Cuối năm là thời điểm các cửa hàng, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… đua nhau giảm giá sâu để kích cầu, đồng thời giải quyết lượng hàng tồn đọng trong năm. Trọng tâm mùa giảm giá có thể kể tới ngày Black Friday, khuyến mãi dịp Noel, Tết Dương lịch... Để kích thích sức mua, nhiều sàn thương mại điện tử, nhiều thương hiệu còn kết hợp cùng các nghệ sĩ, KOLs, TikToker, những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội tổ chức chuỗi livestream bán hàng với nhiều ưu đãi hay với sản phẩm đồng giá, miễn phí giao hàng…

Đừng để sập bẫy chiêu trò giảm giá cuối năm -0
Nhiều gian hàng treo biển giảm giá để hút khách. (ảnh minh họa).

Không chỉ khuyến mãi trong các phiên livestream, dịp này đồng loạt tại các siêu thị lớn, các hệ thống bán lẻ tại Hà Nội cũng thực hiện nhiều chương trình giảm giá sâu để kích cầu sức mua. Những banner “Sale 50-70% tất cả mặt hàng”, “Mua 1 tặng 1, mua 2 trả tiền 1”, “Khuyến mại khủng cuối năm giảm 30-50% giá trị mặt hàng”… xuất hiện ở khắp các cửa hàng điện tử, đồ gia dụng cho đến thực phẩm, thời trang... cũng như trên các website quảng cáo. Chưa cần biết hàng hóa đó xuất xứ từ đâu, giá cả thị trường như thế nào, chỉ cần được dán mác “Sale off”, “giảm giá” là các cửa hàng truyền thống đến online đã thu hút được rất nhiều khách hàng.

Trong đó phải kể đến Black Friday là ngày hội giảm giá lớn nhất trong năm có nguồn gốc từ Mỹ và đã lan rộng ra khắp thế giới. Hưởng ứng ngày hội này, tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn, hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn được nhiều cửa hàng thời trang, đồ gia dụng đến thiết bị điện tử triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng và gia tăng doanh số.  Không chỉ các cửa hàng truyền thống, các nền tảng mua sắm trực tuyến cũng đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi. Từ các sàn thương mại điện tử lớn đến các cửa hàng bán hàng qua mạng xã hội đều tham gia vào “cuộc đua” Black Friday. Người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt hàng trực tuyến với giá ưu đãi mà không cần chen chúc tại các cửa hàng.

Tuy nhiên, khi tiếp cận các chương trình giảm giá, khuyến mại, nhiều người tiêu dùng khá bất ngờ vì dù đã khuyến mại, giảm giá nhưng nhiều sản phẩm vẫn đắt hơn hoặc ngang bằng sản phẩm cùng loại tại các cửa hàng khác. Trong khi đó, nắm bắt được tâm lý chung của người tiêu dùng là mong đợi dịp khuyến mại cuối năm để “săn” đồ giảm giá, nhiều cửa hàng lợi dụng dịp này để xả hàng tồn kho, hàng lỗi, thiếu size, thậm chí hàng giả, hàng nhái, chất lượng không như mong đợi khiến không ít người tiêu dùng ôm “trái đắng”.

Những con số khuyến mãi khủng, những biển quảng cáo sale sập sàn thực chất chỉ là chiêu trò để hút khách. Trên thực tế, mức giảm giá chỉ được áp dụng cho một số mặt hàng và không được nhiều như biển quảng cáo. Người tiêu dùng dễ bị cuốn vào các chương trình giảm giá “khủng” mà không để ý đến chất lượng thực tế.

Chị Hoàng Yến, chung cư 265 Cầu Giấy bức xúc cho biết: “Nhân ngày Black Friday, mẹ con tôi cũng rủ nhau đi dọc phố Cầu Giấy nhưng mất cả buổi tối đi không mua được gì. Hàng mới thì không sale. Hàng cũ, hàng lỗi mốt, hàng thiếu size thì giảm giá. Nhiều nơi họ tăng giá lên 70% rồi lại gạch giá đó, niêm yết giảm lại 70% để thu hút người tiêu dùng nhưng thật ra giá vẫn y như cũ. Tất cả chỉ là chiêu trò của người bán hàng thôi, có người mua nhầm chứ người bán hàng không bao giờ nhầm”.

Đừng để sập bẫy chiêu trò giảm giá cuối năm -0
Nhiều sản phẩm sale nhưng khi thanh toán lại không được giảm nhiều như quảng cáo.

Tương tự,chị Hồng Gấm (Khu tập thể Nghĩa Tân, Hà Nội) cũng vào một cửa hàng quần áo Made in Việt Nam để săn sale. Khu vực nào cũng treo biển sale nhưng không ghi rõ bao nhiêu phần trăm, trong khi ngoài mặt cửa hàng thì ghi giảm giá 70% Black Friday. Khi chọn được một bộ quần áo ưng ý, chị mang ra thanh toán thì nhân viên cho biết, chỉ được giảm 10%, với lý do hàng mới. Trót lựa đồ và cũng thích bộ đồ nên chị đành ngậm ngùi trả tiền rồi ra về. “Thậm chí khi vào một số store hàng hiệu trong trung tâm thương mại, tôi cũng thấy hàng giảm giá là hàng tồn, hàng hết size, mẫu mã rất xấu. Còn hàng mới không hề sale một chút nào. Trong khi cùng với mẫu đó, nếu tôi đặt từ nước ngoài về thì trên website của thương hiệu đó thường là giảm giá 30-60%, thậm chí có đợt còn extra (giảm thêm) trên giá sale nên đồ rất đẹp, mẫu mới mà giá lại quá rẻ so với mua tại Việt Nam. Chiêu trò giảm giá ở Việt Nam chỉ là lừa dối người tiêu dùng”, chị Mai cho biết.

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo

Lợi dụng chương trình giảm giá, một số đối tượng tạo ra các trang web hoặc fanpage giả mạo, sử dụng tên tuổi của các thương hiệu lớn, chạy quảng cáo với chiêu trò giảm giá khuyến mãi kịch sàn. Nhiều người ham mua hàng hiệu giá rẻ sau khi người tiêu dùng chuyển tiền đặt cọc, các trang này sẽ “biến mất”.

Nhiều trang page quảng cáo cho rằng người mua sẽ được tặng sản phẩm miễn phí, chỉ cần trả tiền vận chuyển. Tuy nhiên, phí vận chuyển thường cao hơn giá trị thực của món quà.

Một số dịch vụ như spa, tập gym hoặc du lịch thường quảng cáo gói ưu đãi giảm giá sâu cuối năm. Nhưng khi khách hàng mua gói dịch vụ, họ lại chịu thêm chi phí hoặc dịch vụ kém xa so với quảng cáo ban đầu.

Mới đây, dư luận xôn xao khi một website thông báo hãng đồng hồ Omega nổi tiếng từ Thụy Sĩ đang “sale hủy diệt”, giảm giá đến 70% kèm theo hình ảnh khách hàng phải vật vã xếp hàng dài trước siêu thị chờ mua sản phẩm cùng lời khuyến nghị khách hàng đặt hàng qua website thì lúc nào cũng có. Để kích thích khách hàng, trên website còn hiển thị đồng hồ đếm ngược thúc giục mọi người mua hàng khi chương trình khuyến mại sắp hết hạn.

Với chiêu trò này, kẻ lừa đảo đã đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, tự nguyện chui đầu vào bẫy vì những chiếc đồng hồ Omega “sale sập sàn” kể trên chỉ là hàng nhái, hàng giả mang danh nghĩa “hàng chính hãng giảm giá”. Trong khi trên thực tế, đại diện của hãng Omega tại Việt Nam khẳng định không có bất cứ chương trình khuyến mại nào và địa chỉ website trên mạng xã hội không phải website chính thức của đại lý phân phối.

Đừng để sập bẫy chiêu trò giảm giá cuối năm -0
Chị Ngọc Mai bức xúc khi hàng mới thì giảm ít, hàng cũ, hàng thiếu size, hàng lỗi thì giảm nhiều.

Mới đây Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã cảnh báo thủ đoạn lợi dụng thời điểm ngày hội mua sắm Black Friday, các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn Email và các trang web giả mạo, dụ dỗ nạn nhân đặt mua các sản phẩm với mức giá ưu đãi nhằm chiếm đoạt thông tin và tài sản. Một trong những phương thức tiếp cận được các đối tượng sử dụng đó là thông qua tin nhắn Email. Theo đó, các đối tượng sẽ chủ động gửi tới nạn nhân những tin nhắn với địa chỉ giả mạo các sàn thương mại điện tử có tiếng như Shopee, Tiki, Lazada, Amazon,... mời chào mua sắm các mặt hàng phổ biến với mức giá vô cùng ưu đãi thông qua đường link dẫn tới trang web giả mạo.

Bên cạnh đó, lợi dụng tính năng phân tích dữ liệu người dùng của các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận nạn nhân thông qua các quảng cáo về những sản phẩm mà nạn nhân đang có nhu cầu mua và tìm hiểu.

Với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo, các đối tượng có thể dễ dàng tạo lập các trang web giả mạo, dụ dỗ nạn nhân truy cập và cung cấp các thông tin cá nhân, thậm chí là đặt mua các sản phẩm với phương thức thanh toán trả trước.

Trước diễn biến của các hành vi lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trong quá trình mua sắm trực tuyến. Người dân cần cẩn thận kiểm tra địa chỉ Email, đường dẫn URL, so sánh và đối chiếu thông qua các kênh thông tin uy tín và chính thống. Thông thường, các đường dẫn hoặc địa chỉ giả mạo sẽ chứa đựng ký tự và tên miền lạ, không có chứng chỉ SSL hoặc trước khi truy cập sẽ có cảnh báo từ trình duyệt.

Người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân, thực hiện mua sắm trả trước khi chưa xác thực được tính chính thống của trang web. Khi phát hiện thấy có dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với các cơ quan an ninh có thẩm quyền để tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo.

Ngoài chiêu trò lừa đảo người dân khi thực hiện mua sắm trực tuyến, mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều quảng cáo về dịch vụ đọc trộm tin nhắn, theo dõi, giám sát tài khoản mạng xã hội.

Đối với hình thức trên, thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là liên hệ với khách hàng qua Zalo, sử dụng tài khoản ngân hàng (không chính chủ) để người khác tin tưởng, chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Khi khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ theo dõi, đọc trộm tin nhắn của người khác trên mạng xã hội, các đối tượng hướng dẫn khách hàng gửi tài khoản cần theo dõi, thông báo giá từng gói dịch vụ (phần mềm theo dõi) và cung cấp số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền. Do tin tưởng các đối tượng, nhiều nạn nhân đã chuyển tiền tới số tài khoản trên, sau khi nhận được tiền, đối tượng đã chặn mọi liên lạc.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng không nên tin tưởng những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc mua bán những sản phẩm không hợp pháp trên mạng xã hội. Không sử dụng các dịch vụ hoặc ứng dụng có mục đích xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Hành vi đọc trộm tin nhắn không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Việc xâm phạm quyền riêng tư có thể gây ra tổn thương tâm lý, làm mất lòng tin giữa các cá nhân.

Người dùng không tải và cài đặt các ứng dụng từ các nguồn không chính thức hoặc từ các trang web không rõ ràng; cài đặt và sử dụng phần mềm diệt virus và bảo mật để quét và phát hiện các phần mềm độc hại có thể đang theo dõi thiết bị. Ngoài ra, phải thường xuyên thay đổi mật khẩu các tài khoản mạng xã hội, email, và sử dụng xác thực hai yếu tố để tăng cường bảo mật.

Thực tế cho thấy chiêu trò “giảm giá” dịp cuối năm chỉ là cái cớ để xả hàng lỗi của các cửa hàng, thương hiệu. Nhiều sản phẩm không có chính sách đổi trả. Mô tả sản phẩm mơ hồ, không rõ ràng. Hàng giảm giá thường không có bảo hành hoặc bảo hành ngắn hạn. Không ít người mua sắm phản ánh rằng các mặt hàng giảm giá thường là quần áo hoặc giày dép không đủ size phổ biến, hoặc thuộc mẫu mã từ các mùa trước. Điều này khiến họ cảm thấy bị “dắt mũi” bởi quảng cáo giảm giá tràn lan nhưng không có sản phẩm phù hợp. Nhiều cửa hàng tăng giá sản phẩm lên cao rồi giảm xuống mức giá bình thường khiến khách hàng lầm tưởng mình mua được hàng giá hời, trong khi thực tế lại khác xa.

Dịp giảm giá cuối năm không hoàn toàn là cơ hội “vàng” để săn hàng giá rẻ mà đôi khi lại là “cái bẫy” cho những ai không tỉnh táo. Hãy trở thành người tiêu dùng thông minh để tránh sập bẫy của các chiêu trò giảm giá “ảo” và đảm bảo số tiền bỏ ra xứng đáng với giá trị bạn nhận được.

Theo Nghị định số 81/2018/NĐ-CP, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Chương trình triển khai kế hoạch khuyến mại tập trung năm 2025 và các chương trình khuyến mại thường niên được xem là giải pháp để kích thích sức mua là động thái hết sức tích cực nhằm kích cầu tiêu dùng và bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, để các chương trình này đi vào thực chất, các cơ quan chức năng cần có trách nhiệm, tăng cường hơn nữa kiểm tra, kiểm soát để đem lại niềm tin cho người tiêu dùng. Quan trọng hơn là làm lành mạnh môi trường cạnh tranh, nhất là tại các mô hình thương mại hiện đại. Người tiêu dùng trước khi mua hàng, dù trực tiếp hay trực tuyến cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình khuyến mại, thông tin doanh nghiệp, thông tin sản phẩm để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngọc Ma