ĐỪNG ĐỂ CÁC “ANH HÙNG BÀN PHÍM” LỜN LUẬT

Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân và đã được hiến định. Cụ thể, tại điều 25 của Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Tuy nhiên, cũng tại điều này đã nêu rõ “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Hiến pháp quy định cụ thể và rõ ràng là vậy, song trong thực tế vẫn có không ít người có thể vì thiếu hiểu biết, nhưng cũng có người vì mục đích khác mà cố tình vi phạm. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay đã và đang trở thành điều kiện thuận lợi để phát sinh những hành vi vi phạm. Vì chỉ cần có trong tay chiếc điện thoại thông minh thì ở bất cứ nơi đâu người ta cũng có thể câu view, share, comment…, một cách vô tội vạ. Chưa hết, để thỏa chí hiếu kỳ, tính ích kỷ và thậm chí sự không ưa hay tức giận của mình với một cá nhân hay tổ chức nào đó, nên có người đã cố tình lập ra trang Facebook giả.

Và có một thực tế đáng buồn là không ít người lầm tưởng hành vi này sẽ không bị xử lý, vì họ cho rằng nó không gây ra thiệt hại cho xã hội. Tuy nhiên, hệ lụy của hành vi này là có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Bộ Công an cho biết, đến nay công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân về dịch bệnh Covid-19, nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Thậm chí có người còn lập Facebook giả để thông tin thất thiệt. 

Chưa hết, mỗi khi có ai đó trở thành người nổi tiếng với một phát ngôn hay hành động “gây tranh cãi”, thì ngay lập tức được cư dân mạng “truy lùng” Facebook hoặc tài khoản mạng xã hội của họ để  thỏa tính tò mò. Rồi sau đó, hàng loạt các tài khoản giả mạo nhân vật chính nhằm mục đính “câu like”, “câu follow” và thậm chí là “ném đá” bằng những lời bình luận độc địa. Và từ ngày 31-3-2020, những hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;…sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng (Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP). 

Đồng thời, nếu hành vi giả mạo Facebook của người khác mà gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín cho chủ nhân thật sự của tài khoản thì có thể phải bồi thường. Tại Khoản 1, Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, có quy định: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định… Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên... Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận;..

Ngoài ra, nếu hành vi giả mạo Facebook rồi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm (Khoản 1, Điều 155 trong Bộ luật Hình sự 2015). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là đã có các chế tài đủ sức răn đe, nhưng vì sao tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn chưa giảm, mà ngược lại đang có chiều hướng gia tăng. Câu trả lời là vì việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng chưa được nghiêm, nên dẫn tới tình trạng "lờn luật".

Mỹ Hạnh