DANH DỰ LÀ PHẨM CHẤT CAO QUÝ CỦA MỖI NGƯỜI

 

 

Ngày 11/8/2021 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng được Nhân dân cả nước chăm chú theo dõi, bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng và đồng tình cao.

Sau khi đánh giá công lao to lớn của Chính phủ trong từng thời kỳ lịch sử, từng giai đoạn cách mạng, bài phát biểu của Tổng Bí thư đã nêu nhận định khái quát: Nhìn một cách tổng thể, chúng ta nhận thấy, mỗi nhiệm kỳ của Chính phủ đều đã để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; hoạch định chính sách và trình dự án luật, pháp lệnh; quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, thông tin và truyền thông; thực hiện các chính sách xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế...”

Để đưa Nghị quyết Đại hội  XIII của Đảng vào cuộc sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Chính phủ và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị 4 vấn đề trọng tâm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung liên quan về phẩm chất đạo đức cách mạng: “Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thực chất theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 mới đây của Bộ Chính trị…

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng". Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Đảng ta thêm một lần nữa đề cập sâu sắc phạm trù đạo đức với sự nhấn mạnh Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!

Để thực hiện được điều thiêng liêng, cao quý ấy các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải nỗ lực hơn nữa để tu dưỡng, rèn luyện mình, thực hiện tốt đạo đức công vụ, chăm lo xây dựng văn hoá – nền tảng tinh thần của xã hội, làm sao để xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, giữ bằng được cho mình ý thức tu dưỡng rèn luyện như tinh thần Tổng Bí thư đã căn dặn ở trên.

Qua tìm hiểu chúng ta được biết, danh dự là một trong những phẩm chất cao quý của mỗi người, không chỉ được xã hội công nhận mà còn được pháp luật công nhận và bảo vệ. Vậy danh dự là gì? Danh dự được hiểu là sự coi trọng, tôn trọng của xã hội đối với một cá nhân, tổ chức nào đó và được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Danh dự là sự coi trọng đối với một cá nhân nhưng mang tính xã hội rất lớn và luôn gắn với một chủ thể nhất định. Sở dĩ nói danh dự mang tính xã hội lớn là bởi vì danh dự được hình thành dựa trên những mối quan hệ trong xã hội. Việc mọi người nhìn vào chính là thước đo để đánh giá một cá nhân có danh dự hay không. Danh dự cũng chính là yếu tố quan trọng để khẳng định vai trò và uy tín của một cá nhân, tổ chức nào đó trong xã hội, được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, không ai có quyền xâm phạm.

Danh dự  có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội. Danh là dự là một trong những quyền riêng tư của con người, không chỉ có vai trò tạo sự tuy tín đối với xã hội mà với bản thân người có danh dự cũng là một phẩm chất quan trọng để khẳng định giá trị đạo đức, tinh thần tốt đẹp của chính bản thân mình. Danh dự có vai trò rất lớn đối với mỗi cá nhân, người nào có danh dự thì đương nhiên sẽ được xã hội tin tưởng và coi trọng. Người có danh dự thường sẽ được đánh giá cao bởi người có danh dự là người có phẩm chất đạo đức tốt, nhận thức được những việc làm của mình đâu là việc nên làm và không nên làm. Từ đó sẽ phát huy được tính tích cực trong cuộc sống của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển và tiến bộ. Vì vậy những người có nhân phẩm tốt, có tâm thường được rất nhiều người yêu quý và kính trọng và họ luôn nhận được sự giúp đỡ của những người khác khi gặp phải khó khăn. Danh dự là một phẩm chất cao quý của mỗi người và luôn được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Trong đó, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định rất rõ về chế tài đối với những hành vi được coi là xúc phạm danh dự của người khác.

Trước yêu cầu công cuộc đổi mới ngày càng gay gắt, ngày càng phức tạp và ngày càng khó khăn, khi những cám dỗ vật chất, quyền lực ngày càng tinh vi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những bài phát biểu tại nhiều cuộc họp khác nhau trong những năm gần đây đều nhất quán nhấn mạnh một thông điệp đó là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn coi trọng danh dự bởi vì Danh dự là điều thiêng liêng nhất.

 Tháng 11/2020, tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tâm sự một vài điều rất cơ bản, rất then chốt về lẽ sống của người cách mạng, của cán bộ đảng viên. Đó là phải làm sao giữ cho được, làm cho đúng theo tư cách, đạo đức, danh dự của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo.

Tháng 6/2021 vừa qua, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một trong những việc học và làm theo Bác Hồ là phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Vì liêm sỉ là nền tảng của đạo làm người.

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực và đánh giá cao của nhân dân, dư luận xã hội. Lắng nghe ý kiến từ Nhân dân, mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ một trong nhiều ý kiến của người dân nhắc nhở rất sâu sắc cán bộ đảng viên về hai chữ Liêm và Sỉ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, "dĩ công vi thượng" và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người Liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để chiếm công vi tư, để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại. Một công bộc quốc gia liêm chính phải: có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư; biết lễ, phép, biết hay, dở, phải, trái. Chung quy một người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình.

Liêm cũng lại là thấy của người, của quốc gia mà lòng không ham chiếm đoạt một cách phi pháp. Tức là biết suy xét, đâu là giới hạn giữa công và tư rồi không dám làm điều xấu, điều trái với quốc pháp và đạo lý luân thường. Nhất là không che đậy điều xấu, nghĩa là đức hạnh vẹn toàn. Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy; không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến như thế thì không chỉ rước họa "thân bại danh liệt" và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến? Huống chi lại là kẻ làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn làm thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất cho được".

Trong bài phát biểu ngày 11/8/2021 mới đây, Tổng Bí thư còn lưu ý: “Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các đề xuất đổi mới đúng đắn, hợp lý phải được cấp ủy, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền; cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai; cái gì sai thì phải kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, sửa chữa, rút kinh nghiệm. "Phải trái phân minh", "nghĩa tình trọn vẹn"; không được "dĩ hoà vi quý"”.

Danh dự và uy tín của Ðảng không phải ở chỗ Ðảng tuyệt đối không phạm sai lầm, khuyết điểm mà chính là dũng cảm thừa nhận và quyết tâm sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm đó. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (tháng 10-2016) đã nêu rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đó và đã đạt được những kết quả rất quan trọng, củng cố niềm tin trong Ðảng và nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, đã xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, trong đó có gần 100 cán bộ do Trung ương quản lý, có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng, Bí thư thành ủy, tỉnh ủy và thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Dân chủ trong Ðảng thực chất hơn, xã hội đồng thuận, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Như vậy, thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc lại với mong muốn của người đứng đầu Đảng ta đối với các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa để tu dưỡng, rèn luyện mình, nếu không vượt qua được chính mình, không giữ được danh dự, liêm sỉ thì không chỉ cá nhân đó mất hết mà sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của Nhân dân đối với Đảng. Chặng đường trước mắt còn dài, khó khăn còn nhiều và có cả những cạm bẫy, cám dỗ. Vậy hãy làm sao để xứng đáng với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, giữ bằng được cho mình điều thiêng liêng nhất đó là Danh dự./-  

 

                                                                THUẬN HOÁ