ĐANG LÚC DỊCH GIÃ HÃY NGƯNG “ĐÁNH VÕ MỒM”

Vừa đọc bài viết có tiêu đề “Lây lất trong mùa dịch” của một ông hình như là nhạc sĩ có tên Tuấn Khanh, với tư cách một công dân tự thấy nên có đôi lời trao đổi lại.

Trước tiên, tôi đồng tình với cách nhìn của tác giả về việc rất nhiều giai tầng trong xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dịch giã rồi giãn cách xã hội khiến cho những hoạt động kinh tế xã hội không còn được diễn ra bình thường như trước. Không chỉ người nghèo mà ngay cả “người giàu cũng khóc”. Hàng ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc lâm vào cảnh nợ nần. Có người vài năm trước còn xênh xang “nhà lầu xe hơi” nay lay lắt qua 2 mùa dịch bỗng trở thành trắng tay. Nhìn xung quanh mỗi người, còn nhiều nhiều hơn nữa những mảnh đời đã cơ cực nay càng cơ cực hơn vì dịch giã.

Nhưng cái cách tác giả đẩy vấn đề lên cao khi chỉ trích các chính sách của nhà nước “không thể để cái gì cũng xã hội hóa-dân tự lo cho nhau” là không công bằng và khách quan. Có thể nói, trải qua 2 mùa Covid-19, chúng ta đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng chống dịch bằng những biện pháp quyết liệt nhất. Nguồn lực của nhà nước bao gồm cả nhân lực và vật lực đã được bung ra để khoanh vùng, truy vết dịch. Hay cách nói ví von như thủ tướng Phạm Minh Chính là “tấn công dịch”. Chúng ta cũng nỗ lực hết sức để đàm phán tìm nguồn mua vaccine, giải pháp toàn diện để chiến thắng dịch bệnh. Cùng với đó là nỗ lực thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta vẫn đang là một quốc gia phát triển, tiềm lực về kinh tế dù đã tăng đáng kể nhưng vẫn chưa phải quá dư thừa. Nói một cách hình ảnh đất nước Việt Nam giống như một gia đình công chức bình thường, không giàu sang có của ăn của để. Gia đình công chức ấy vốn đã phải đối diện với nhiều lo toan thường ngày nay càng phải gánh nặng hơn khi đại dịch Covid-19 ập đến. Nguồn lực của gia đình ấy vốn đã không dồi dào lại còn phải tập trung chủ yếu cho mục tiêu khoanh vùng, dập dịch. Giống như một mảnh chăn hẹp phải co kéo, xoay xỏa rất nhiều mới chia đều được phần ấm cho tất cả những người đang đắp.

Thế đấy ông Tuấn Khanh, nhìn quanh ta ở đâu cũng có những mảnh đời khổ cực như dì Tư, chú Sáu. Ngay cả bản thân người viết bài này cũng đang phải bị ảnh hưởng nặng về kinh tế vì mùa dịch phải làm việc ở nhà. Thế nhưng tuyệt đại đa số chẳng có ai kêu ca, than phiền, phàn nàn về nhà nước, về cơ chế. Tất cả cùng quyết tâm một lòng cùng nhau sát tay chống dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia nước ngoài nhận định rằng Việt Nam là một trong những hình mẫu đối phó với Covid-19 với quyết tâm chính trị cao dù điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều hạn hẹp.

“Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Không ai chọn được đất nước để mình sinh ra. Trong lúc khó khăn “chống dịch như chống giặc” cần nhất là sự đồng lòng của tất cả người dân với quyết tâm cao nhất đạt mục tiêu là chống dịch Covid-19. Ấy thế mà, trong thời khắc nước sôi lửa bỏng ấy có những người như ông Tuấn Khanh lại “kể khổ”, “khóc than” với tư tưởng yếu lòng, thối chí và nhất là tư tưởng “đổ tại” cho Nhà nước.

Trong khuyến cáo mới nhất của Bộ y tế, người dân không nên ra khỏi nhà khi không thật cần thiết. Với ông Tuấn Khanh, cũng nên đề nghị ông rằng nếu không viết được cái gì lan truyền năng lượng tích cực trong thời điểm “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân” siết tay nhau đồng lòng chống dịch thì cũng nên ở yên, đừng thốt ra những lời lẽ thiếu xấy dựng gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

Dịch dã đã mệt mỏi còn gặp mấy ông thích “đánh võ mồm”. Mệt mỏi thực sự!

Nguyễn Hoàng