ĐẠI GIA VÀ QUAN THAM 

Có một quy luật bất thành văn: Quan chức biến chất giàu lên nhờ đại gia và đại gia muốn làm giàu phải dựa vào quan chức.

Quan chức biến chất và đại gia không phải là quan hệ bình thường, tình cảm chân thành. Các đại gia sẵn sàng chi tiền, thậm chí chi rất nhiều tiền để “mua ô che đậy”, “tìm gậy chống lưng” cho dễ bề làm ăn, thao túng. Chả thế mà đại gia khi chuẩn bị làm ăn đều tìm mọi cách tiếp cận với quan chức có máu mặt ở các ngành quan lý, doanh nghiệp nhà nước cùng lĩnh vực. Quan chức càng cao, quyền lực lớn khó thoát khỏi “tầm soát” của đại gia nếu không tỉnh táo, biết từ chối quy luật “làm ăn”. Người ta sẵn sàng “đầu tư” cho khoản vô hình (trước hết là quan hệ, tiếp cận), sau đó là khoản hữu hình(vật chất), đổi lại là thu được những khoản “lợi nhuận” khủng khi các quan chức đã “cắn câu”. Quy luật thông thường chẳng có đại gia nào bỏ ra “đầu tư” mà không thu lợi và không có quan chức nào giơ lưng ra “chịu trách nhiệm” mà không mang lại cái gì cho mình. Có đại gia từng tuyên bố: Cái gì  không mua được bằng tiền, thì mua được bằng rất nhiều tiền. Những khoản thu được quá lớn nên chẳng mấy quan tham tỉnh táo nỡ chối từ. Chết với nhau là ở chỗ đó! Cho nên ở đây khái niệm “cố ý làm trái” chỉ là nói theo quy định của pháp luật, còn bản chất là sự “mua bán” giữa đôi bên. “Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”, không ai cho không cái gì. Chỉ có khác là người ta lại tìm cách moi tiền từ nhà nước, xã hội mà chẳng bỏ ra một đồng tiền túi. Luật pháp quy định khắt khe nên cơ quan điều tra khó xác định chứng cứ nhưng thực chất đó là tội hối lộ và nhận hối lộ. Các vụ án xẩy ra chủ yếu xác định được tội “cố ý làm trái”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vv…chỉ mới là mặt nổi, che đậy bản chất thực.

Lợi dụng cơ chế đang còn kẽ hở, lại được che chắn tinh vi, kỹ càng nên không ít quan chức chủ quan. Thế nhưng “đi đêm lâu ngày cũng gặp ma”. Khi đã lao vào “vòng kim cô” của tiền bạc khó cưỡng lại được sức hút của chúng. Bài học đắt giá đưa đến “thân bại danh liệt” của những quan chức vướng phải trước đó chưa đủ răn đe, cảnh tỉnh cho những quan chức rắp tâm nhúng chàm. Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long không phải không hiểu điều đó, thậm chí nhận thức rõ ý nghĩa chính trị quan trong trong dầu sôi lửa bỏng của chống dịch. Mờ mắt bởi đồng tiền đã làm cho họ mất tỉnh táo, mất nhân tính, đến bây giờ mất tất cả. Nhìn bóng dáng 2 quan chức từng đứng đầu ngành Y tế và Khoa học công nghệ bị đẩy lên xe đặc chủng không ai dám tưởng tượng mới ngày nào họ còn đường bệ trên bục quyền cao, chức trọng. Nhìn rộng hơn những vị quan chức mang danh giáo sư, thầy thuốc nhân dân, tiến sĩ, Bộ trưởng, Chủ tịch cấp tỉnh, sĩ quan cấp tướng, anh hùng lao động…được nhà nước tôn vinh, nhân dân kính trọng đã tự đánh mất thanh danh cao quý, tự đánh mất chính mình.  

Đã đến lúc cần tĩnh tâm cho suy ngẫm về tiền bạc và mối quan hệ với đại gia. Đừng bao giờ bị mất cảnh giác trước những lời đường mật, những khoản tiền có được kếch xù mà không đi kèm với với tội lỗi. Kinh tế thị trường của những góc khuất không dành cho quan chức biến chất nếu họ không hiểu được quy luật muôn đời của nó.

 NGUYỄN AN HÒA