Chiến dịch Trị Thiên - Huế: Đòn tiến công chiến lược mùa Xuân 1975

 

Thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2, đã mở chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ ngày 5-3 đến 26-3-1975) nhằm bao vây, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 quân đội Sài Gòn ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975...

Trong lúc chiến dịch Tây Nguyên tập trung phản kích đánh địch ở Buôn Ma Thuột và tổ chức trận đánh tiêu diệt các lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 ngụy rút chạy trên đường số 7. Thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2, đã mở chiến dịch Trị Thiên - Huế (từ ngày 5-3 đến 26-3-1975) nhằm bao vây, tiêu diệt tập đoàn phòng ngự thuộc Quân đoàn 1 - Quân khu 1 quân đội Sài Gòn ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Trên chiến trường Trị Thiên - Huế từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, địch tổ chức thành các cụm cứ điểm nằm trong tầm hỏa lực chi viện của pháo binh, tạo thành một hệ thống phòng ngự liên hoàn khá chặt chẽ. Trung bình từ 15 đến 25km địch tổ chức và xây dựng một căn cứ cấp trung đoàn hoặc sư đoàn, các căn cứ này vừa là điểm then chốt của hệ thống phòng ngự, vừa là bàn đạp để triển khai lực lượng phản kích. Ở đây, địch bố trí lực lượng có Sư đoàn bộ binh 1, Lữ đoàn dù 2, Liên đoàn biệt động quân 15, 3 lữ đoàn thủy quân lục chiến (147, 258 và 369), 2 liên đoàn và 21 đại đội bảo an, 3 thiết đoàn (7, 17, 20), 8 tiểu đoàn pháo binh, 319 trung đội dân vệ và 36.000 phòng vệ dân sự... tổ chức phòng ngự thành các khu vực, lấy đơn vị trung đoàn, lữ đoàn chủ lực làm nòng cốt, tập trung vào ba trọng điểm: Quảng Trị, tây Huế và tây Quốc lộ 1 từ nam Huế đến đèo Hải Vân.

Chiến dịch diễn ra 2 đợt. Đợt 1 (từ ngày 5 đến 20-3) ta tiến hành nghi binh ở bắc Quảng Trị đồng thời sử dụng lực lượng địa phương đánh nhỏ trên các trục giao thông, bao vây uy hiếp địch ở tuyến giáp ranh, kết hợp hoạt động vũ trang tuyên truyền. Từ ngày 8-3, các đơn vị chủ lực đồng loạt tiến công, đánh chiếm các căn cứ, vị trí phòng ngự của địch ở vùng giáp ranh và đồng bằng (chủ yếu hướng đường số 12 và đường số 14 với các điểm cao 75, 76, 224, 273, 300, 303, cứ điểm Chúc Mao...), đập tan mọi cố gắng phản kích của địch, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị và một phần bắc Thừa Thiên. Phối hợp với hoạt động ở Trị Thiên, từ ngày 10 đến 17-3, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Nam, Quảng Ngãi kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng các huyện Tiên Phước, Phước Lâm, Sơn Hà, Trà Bồng..., gây sức ép ở nam Đà Nẵng, buộc địch phải rút các lữ đoàn thủy quân lục chiến 258 và 369 về đối phó. Đợt 2 (từ ngày 21 đến 26-3-1975), tiến công tiêu diệt địch ở Núi Bông (21-3), đánh chiếm các điểm cao 294, 520, 560 và núi Kim Sắc; cắt đứt đường số 1 đoạn Huế - Đà Nẵng, áp sát sân bay Phú Bài và thành phố Huế. Trước sức ép của ta, địch tháo chạy khỏi Huế ra cửa Thuận An, Tư Hiền để theo đường biển về Đà Nẵng. Ta kịp thời triển khai lực lượng chặn đánh địch rút chạy ở khu vực đông nam Huế (từ ngày 23 đến 26-3-1975), đồng thời đẩy mạnh tiến công trên các hướng bắc, nam và tây nam, đến ngày 26-3, giải phóng thành phố Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên.Về ta, để chuẩn bị cho đợt hoạt động trong năm 1975, đã đảm bảo được 14 tháng lương thực cho bộ đội, xăng dầu, đạn dược đủ cho chiến đấu… lực lượng ta tham gia chiến dịch, có Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 304) phối hợp với Quân khu Trị - Thiên (3 trung đoàn, 9 tiểu đoàn và 12 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội xe tăng, 150 đội vũ trang công tác và du kích địa phương). Bộ tư lệnh chiến dịch do đồng chí Lê Tự Đồng, Bí thư Khu ủy được cử giữ chức Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Trị Thiên - Huế. Riêng về chỉ huy, không tổ chức Bộ chỉ huy chiến dịch, Bộ Tổng tư Lệnh và Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.

Kết quả, sau 21 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta diệt, bắt và làm tan rã phần lớn lực lượng quân đội Sài Gòn (gồm Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, hai liên đoàn biệt động quân 14 và 15, Lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp, 3 thiết đoàn, 8 tiểu đoàn pháo binh, 15 tiểu đoàn và 21 tiểu đội bảo an, 319 trung đội dân vệ, 7.000 tên cảnh sát cùng các đơn vị bảo đảm…) và bộ máy chính quyền địch ở Quảng Trị, Thừa Thiên và TP Huế (khoảng 16.000 quân địch chạy thoát về Đà Nẵng), thu toàn bộ vũ khí, trang bị gồm 140 xe tăng thiết giáp, 800 xe tải, một vạn tấn đạn...

Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên - Huế là một trong những thắng lợi to lớn nhất, triệt để nhất của quân và dân ta ở Trị Thiên - Huế, có ý nghĩa chiến lược và ý nghĩa chính trị rất quan trọng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trọn vẹn của toàn chiến trường miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân, dân Trị Thiên - Huế cùng Quân đoàn 2 đã đập tan hệ thống căn cứ quân sự trọng yếu, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn một bộ phận bộ máy quân sự to lớn gồm nhiều đơn vị sừng sỏ, có một phần lực lượng tổng dự bị chiến lược cùng các loại vũ khí trang bị hiện đại của địch.

Thắng lợi đó là một đòn phủ đầu giáng vào kế hoạch phòng thủ co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Mỹ - ngụy chủ trương lấy Trị Thiên - Huế làm một trong những trung tâm phòng ngự cố thủ, án ngữ ở phía Bắc hệ thống, bố trí chiến lược quân sự mới, che chở bảo vệ cho trung tâm phòng ngự Quảng Nam-Đà Nẵng. Được sự chỉ đạo, chỉ huy sáng tạo kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, quân dân Trị Thiên - Huế và Quân đoàn 2 đã nắm vững thời cơ chiến lược thuận lợi, nhanh chóng tiến công, nổi dậy mau lẹ tiêu diệt làm tan rã hoàn toàn lực lượng của địch, làm thất bại kế hoạch co cụm ở Trị Thiên - Huế và kế hoạch bảo toàn lực luợng rút chạy về co cụm ở Đà Nẵng của chúng bị phá sản. Thắng lợi của chiến dịch đã đập tan lá chắn mạnh nhất của địch, mở toang cánh cửa án ngữ dày đặc của địch ở phía Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của ta phát triển tiến công vào phía Nam, giải phóng thành phố Đà Nẵng và một loạt các căn cứ, thành phố, thị xã khác của quân địch.

Thắng lợi to lớn của ta, thất bại thảm hại của địch ở Trị Thiên - Huế đã góp phần gây ra phản ứng dây chuyền, giáng một đòn mạnh vào tinh thần và sức chiến đấu của quân ngụy, càng đẩy quân đội Sài Gòn lao nhanh hơn nữa đến suy sụp lớn về tinh thần và tổ chức; uy hiếp trực tiếp tới tập đoàn phòng ngự của chúng ở Quảng Nam-Đà Nẵng; thế trận của địch đã bị co hẹp, rối loạn nay càng bị co hẹp rối loạn thêm. Kết quả của chiến dịch đã làm thay đổi hẳn tương quan lực lượng địch - ta trên hướng tiến công chiến lược phía Bắc, góp phần để ta củng cố quyết tâm tiếp tục mở chiến dịch tiến công vào Đà Nẵng và giành thắng lợi.

Chiến dịch đã giải phóng được hoàn toàn Trị Thiên - Huế, trong đó thành phố Huế là một trong những trung tâm chính trị, văn hóa lớn ở miền Nam, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ to lớn đối với cả nước và có ảnh hưởng lớn về chính trị đối với thế giới; đã chứng minh sức mạnh tiến công và nổi dậy của quân và dân ta không những có khả năng tiêu diệt, quét sạch những tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở chiến trường rừng núi, mà còn có khả năng giải phóng những vùng đồng bằng, thành phố rộng lớn, nơi địch cố sức bảo vệ.

Riêng đối với Trị Thiên - Huế, thắng lợi triệt để và trọn vẹn của chiến dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ và quân dân Trị Thiên - Huế nhanh chóng xây dựng chính quyền nhân dân, ổn định cuộc sống, thiết lập trật tự và phát huy được sức mạnh mới của cách mạng, trước mắt là tập trung, động viên sức người, sức của chi viện cho cuộc tổng tiến công giải phóng Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

Chiến dịch Trị Thiên - Huế diễn ra trong khoảng thời gian ngắn giành thắng lợi có ý nghĩa rất lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Từ một chiến dịch ở một hướng phối hợp, khi thời cơ đến, quân và dân Trị Thiên - Huế cùng Quân đoàn 2 đã tiến công, nổi dậy kiên quyết, táo bạo, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng hoàn toàn Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế.

NGUYỄN TRỌNG THÀNH, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam