CỔ VŨ CÁI ĐẸP, DẸP BỎ CÁI XẤU

Cổ vũ cái mới, cái tốt đẹp, đấu tranh phê phán, lên án, dẹp bỏ cái xấu là chức năng, nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, truyền thông. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thường xuyên quan tâm, yêu cầu và mong mỏi, gửi gắm sự tin cậy đối với báo chí, truyền thông nước nhà trong thực hiện nhiệm vụ này.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong những lần chỉ đạo, yêu cầu các bộ, ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đều đã nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan truyền thông trong phản ánh cái tốt, lên án những hiện tượng thiếu văn hóa, thiếu đạo đức để định hướng lối sống chuẩn mực.

CỔ VŨ CÁI ĐẸP, DẸP BỎ CÁI XẤU
Ảnh minh họa. TTXVN.

Thực tế, vấn đề văn hóa ứng xử, đạo đức xã hội đã “nóng” lên nhiều trong những năm qua. Có thể thấy rõ những nguyên nhân từ tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, chủ nghĩa cá nhân, lối sống vị kỷ cùng những hệ lụy của mạng xã hội… làm không ít bộ phận xã hội lãng quên, rời xa những giá trị văn hóa tinh thần và tiêm nhiễm sự sùng bái hưởng thụ, sai lệch tư duy, nhận thức. Trong bối cảnh đó, công tác tuyên truyền càng cần được tiến hành bài bản, tập trung mạnh mẽ hơn nữa để điều chỉnh, thống nhất nhận thức và xây dựng cuộc sống văn hóa.

Lấy “xây” để “chống” là trọng tâm thường xuyên của báo chí, tuyên truyền. Chúng ta đã đạt được nhiều thành công trong phát hiện, cổ vũ, nhân rộng các điển hình tập thể, địa phương và con người đã sống vì mọi người, đề cao lợi ích chung, "thương người như thể thương thân". Chúng ta đã từng đưa ra được những mô hình văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, quảng bá nhiều tấm gương người tốt, việc tốt… Song, thực tiễn xã hội còn đòi hỏi chúng ta cần làm nhiều, làm tốt hơn thế. Việc tuyên truyền về thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quy tắc ứng xử nơi công cộng chưa được tuyên truyền sâu đậm, cả những điều đã làm được và chưa làm được. Văn hóa giao thông, học đường, nếp sống gia đình, văn hóa tâm linh, việc phòng, chống tệ nạn xã hội… còn gì yếu và thiếu chưa được làm rõ? Thật tiếc, sự lệch lạc trong tuyên truyền về văn hóa, đạo đức trong một số cơ quan báo chí, truyền thông là có thật. Sự lệch lạc đó thể hiện trong thông tin giật gân câu khách, thông tin không chính xác, đặc biệt là xem nhẹ thông tin phát hiện, cổ vũ cái mới tốt đẹp, những giải pháp và kinh nghiệm trong xây dựng văn hóa, giáo dục, rèn luyện đạo đức.

Văn hóa, đạo đức là những điều diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong mọi ngóc ngách cuộc sống. Thế mạnh của báo chí, truyền thông là sự nhanh nhạy, chính xác, cụ thể. Chúng ta cần kiên trì, bền bỉ biểu dương những hành động, hành vi đẹp thường ngày, những con người, câu chuyện bình dị mà sáng trong, cao quý trong cuộc sống, đồng thời với việc đi sâu phân tích về những giá trị truyền thống và giá trị mới của con người Việt Nam. Ở đâu có việc làm, sáng kiến hay để khơi dậy, nuôi dưỡng những điều, những nhân cách tốt đẹp? Ở đâu nồng ấm tình người? Và ở đâu con người còn ngoảnh mặt với nhau, ở đâu còn xem nhẹ vận động, giáo dục, buông lỏng quản lý con người? Mặt khác, công tác tuyên truyền cần nêu ra và phân tích được những rào cản nào đang ngăn trở, những tác động gì có thể và đã làm xuống cấp văn hóa, đạo đức trong từng bộ phận xã hội? Những lỗ hổng nào làm suy yếu "sức đề kháng" văn hóa?

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần và có thể thúc đẩy ý nghĩa, hiệu quả của một nền truyền thông-báo chí giải pháp để định hướng xây dựng văn hóa-nền tảng tinh thần của dân tộc Việt Nam văn minh, hiện đại.

Lê Thanh (st)