CHIẾN DỊCH BABYLIFT 1975 VÀ NHỮNG TOAN TÍNH BẨN THỈU CỦA NHÀ TRẮNG

Từ ngày 4/4 đến 26/4/1975, trên các mặt trận, quân đội Sài Gòn bị quân Giải phóng đánh tơi tả, phải lùi dần. Vòng vây quanh Sài Gòn dần khép lại như chiếc thòng lọng. Trong khi các bước chân quân Giải phóng đang dồn dập tiến về thì trong nội thành Sài Gòn, quan chức Sài Gòn và cố vấn Mỹ cũng đang chen lấn trong một cuộc di tản hỗn loạn mà nhiều sử gia sau này gọi là cuộc tháo chạy.

Những thành phần tháo chạy là những nhân vật trong chính quyền Sài Gòn và các nhân viên người Mỹ. Họ tháo chạy vì lo sợ một cuộc tắm máu khi quân Giải phóng vào Sài Gòn. Điều bất thường là trong hàng nghìn người di tản đó, có những chuyến bay riêng, chở các trẻ mồ côi từ Sài Gòn ra nước ngoài.

Chiến dịch babylift

Chiến tranh tuy tàn khốc song bản chất người Việt Nam nhân đạo, đối với kẻ thù từ thời Lê, khi đã thắng cũng không giết hại, còn cấp lương cấp ngựa cho về. Đến thời đại Hồ Chí Minh, các binh sĩ Pháp bị bắt ở Điện Biên rồi các phi công Mỹ bị bắn rơi được đối xử nhân đạo như thế nào, cả cộng đồng quốc tế đều biết.

Vậy mà cơ quan phụ trách vấn đề xã hội của chính quyền Sài Gòn tuyên truyền rằng, Cộng sản sẽ trả thù, mổ bụng các trẻ em mồ côi, nhất là con lai của Mỹ để có cớ đưa trẻ em ra nước ngoài.

Người Mỹ thì rêu rao rằng những đứa trẻ được đưa đi phần lớn là con lai của lính Mỹ và họ làm như vậy là biểu hiện một chút trách nhiệm cuối cùng. Người ta đã đặt tham vọng đưa 70.000 trẻ em Việt Nam ra nước ngoài trong chiến dịch này.

Ngày 4/4/1975, một chiếc máy bay vận tải C-5A bay đến Tân Sơn Nhất để chuyển cho quân đội Sài Gòn vũ khí. Theo kế hoạch đã định, ở chiều bay về, máy bay này mang theo 300 người trong đó có nhân viên sứ quán Mỹ và nhiều trẻ nhỏ Việt Nam để mở đầu cho một chiến dịch Babylift.

Chiếc máy bay cất cánh được hơn 1 giờ thì bắt đầu bốc cháy sau tiếng nổ to ở phía sau. Đúng theo thiết kế, chiếc máy bay này chỉ có thể chở hơn 100 người nhưng nó đã chở tới 300 người. Do đó, mặt nạ ô xy thiếu trầm trọng.

Phi hành đoàn phải quay đầu lại sân bay Tân Sơn Nhất nhưng không kịp. Khi còn cách Sài Gòn khoảng trên 10 km, chiếc máy bay bắt đầu rơi và vỡ tan tành. Sau vụ nổ, chỉ còn 170 người lớn và trẻ em sống sót với nhiều thương tích.

Máy bay C-5A chở chuyến đầu tiên bốc cháy

Tuy nhiên, bi kịch C-5A không làm hoãn chiến dịch Babylift. Các tài liệu phương Tây như Operation babylift, The Legacy of Operation Babylift cho biết: Từ ngày 4/4 đến 26/4/1975, chiến dịch Babylift đã mang 3.300 trẻ em Việt Nam đến Mỹ, Canada, châu Âu và Úc…

Lật tẩy những âm mưu

Bọc ngoài bằng những danh nghĩa nhân đạo nhưng thực tế, chiến dịch Babylift là một âm mưu chính trị đê hèn của các quan chức chính quyền Sài Gòn khi chế độ của họ đã đến cơn hấp hối.

Theo hồi ký của ông Nguyễn Văn Hàm, nguyên là giáo sư, nghị sỹ của Hạ viện Sài Gòn trước năm 1975 (được đăng trên website Haylentieng.vn) thì cuộc di tản trẻ em này hoàn toàn mang động cơ tuyên truyền chính trị.

Trong thời điểm những ngày đầu tháng 4/1975, khi Đà Nẵng thất thủ, ông Hàm gặp Albert Francis là nhân vật quan trọng của CIA kiêm Tổng lãnh sự Đà Nẵng và được Francis cho một tài liệu có liên quan đến chiến dịch Babylift.

Hồi ký viết: “Đây là bức thư của Phó thủ tướng, bác sĩ Phan Quang Đán, Quốc vụ khanh đặc trách Xã hội, gởi Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa, để xin đưa bốn ngàn trẻ em Việt mồ côi sang Mỹ với mục đích: “… sẽ gây thêm xúc động trên khắp thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, rất có lợi cho Việt Nam Cộng Hòa… Đại sứ Hoa Kỳ cũng can thiệp trực tiếp với tôi để số cô nhi trên được xuất ngoại tập thể… Việc xuất ngoại tập thể này, thêm vào việc hàng triệu đồng bào nạn nhân chiến cuộc lìa bỏ những vùng Cộng sản chiếm đóng, sẽ giúp xoay chuyển dư luận dân chúng Hoa Kỳ, sẽ được các hãng Truyền thanh và Truyền hình cùng báo chí Hoa Kỳ mục kích, tường thuật, do đó có ảnh hưởng rất lớn lao…”. Bức thư ký tên và đóng dấu của bác sĩ Đán, đề ngày 2/4/1975″.

Cuốn hồi ký này cũng cho biết thêm: “Để đủ túc số mà tuyên truyền, chẳng gì đáng ngạc nhiên khi, trong chuyến đầu tiên, người ta bốc cả những trẻ con ở ngoài các trại cô nhi.

Một người bạn cùng quê, cùng tuổi với tôi, bấy giờ gia đình đang ở Quy Nhơn, có đứa con gái mười tuổi, đi học bán trú một trường Đạo, một hôm không thấy về nhà. Đăng báo, nhờ đài tìm trẻ thất lạc vô hiệu, coi như mất tích luôn”.

Ngay lúc khởi đầu chiến dịch này, mục đích chính trị khuất tất của nó đã bị các cô nhi viện phát giác và tố cáo đồng thời họ nêu quyết tâm sẽ giữ các trẻ em, không để người ta mang ra nước ngoài.

Vẫn theo tài liệu của ông Hàm, vào ngày 6/4/1975, một bức thư có con dấu của cô nhi viện Ngọc Ninh (Phan Rang), Nhất Chi Mai (Lâm Đồng) và Biên Hòa gửi Quốc hội, nhân dân Hoa Kỳ, Hội đồng Thập tự Quốc tế, Cơ quan bảo trợ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc… tố giác: “ Chúng tôi đau đớn mà tố giác rằng trong khi đời sống của bốn ngàn cô nhi đang bình lặng tại các cơ sở nghĩa dưỡng toàn quốc, thì Chính phủ Sài Gòn do sự khuyến khích của Tòa Đại sứ Mỹ đã bất ngờ đưa hết số cô nhi trên về Sài Gòn để chờ lên máy bay rởi bỏ quê hương. Chúng tôi cũng gay gắt lên án các Hội Nghĩa Dưỡng quốc tế tại Việt Nam đã cấu kết chặt chẽ với âm mưu trên nhằm ý đồ chính trị, bội phản lại chủ trương nhân đạo nhân chánh một cách bỉ ổi… Chúng tôi long trọng xác nhận: Quyết tâm bảo vệ cô nhi Việt Nam đến cùng. Không bao giờ chấp nhận xuất cảng cô nhi cho mưu đồ chính trị tàn nhẫn. Số cô nhi còn lại tại các cô nhi viện, chúng tôi thà chết chứ không để chính quyền bắt mang đi”.

Có lẽ nhờ đó mà ý định “xuất cảng” 70.000 cô nhi Việt Nam ra nước ngoài của đã không thực hiện được. Dù thế, với 3.300 trẻ em đã bị mang đi, trong đó có nhiều trẻ em vốn vẫn có cha mẹ, đã gây ra nhiều cảnh biệt ly cho các gia đình, để lại hệ lụy xã hội mãi về sau.

Một số hình ảnh về chiến dịch babylift