CẢNH GIÁC NHỮNG LUẬN ĐIỆU “MIỆT THỊ, KÍCH ĐỘNG GÂY CHIA RẼ VÙNG MIỀN”

Vừa qua, trên nền tảng mạng xã hội TikTok xuất hiện tài khoản “Hải Dương Xâu Sắc” và một số tài khoản vệ tinh đăng tải các video có nội dung “bất mãn” với Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 54); “hạ thấp kết quả” nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan ban, ngành Trung ương từng bước công nhận trong việc thực hiện các yêu cầu, tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.

Các tài khoản này có luận điệu “kích động gây chia rẽ phân biệt vùng miền” khi sử dụng tình hình tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế so sánh với các địa phương khác trong cả nước, gây môi trường tranh luận tiêu cực. Trong đó, có nhiều luận điệu xuyên tạc, chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gây ra “điểm nóng” dư luận xã hội trên không gian mạng.

Tài khoản TikTok "Hải Dương Xâu Sắc" liên tục đăng tải nội dung kích động, chia rẽ vùng miền 

Nghị quyết 54 có vai trò quan trọng không chỉ với riêng Thừa Thiên Huế

Nằm ở vùng duyên hải miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế giữ một vị thế chiến lược quan trọng, là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc cùng với bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang. Đặc biệt, Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có tới 8 di sản được UNESCO công nhận; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam, gồm rừng núi, vùng đồi, đồng bằng, đầm phá, biển. 

Giá trị di sản Cố đô Huế còn được hun đúc bởi con người Huế, tính cách Huế, phong vị Huế rất riêng có, rất đặc trưng. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước, được khẳng định trong quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh; không chỉ là của riêng Thừa Thiên Huế mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước”. 

Tôn trọng giá trị cốt lõi và hướng đi riêng

Trong quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 54 đã nêu rõ những định hướng riêng mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc trung ương: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hoà giữa di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và con người Huế. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa đô thị hoá với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, phát triển thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản; giữa hỗ trợ của Trung ương và nỗ lực của địa phương”.

Các bài viết có nội dung kích động, chia rẽ vùng miền cần bị lên án, bác bỏ 

Từ quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ được ban hành là sự quan tâm đặc biệt của Trung ương dành cho Huế, là định hướng quan trọng và là kim chỉ nam để Huế phát triển đúng với đặc trưng, thế mạnh của mình, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.

Chính vì vậy, việc lấy tình hình tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế để so sánh với các địa phương khác là không phù hợp, không cần thiết và có dấu hiệu đánh tráo khái niệm, sử dụng các tiêu chí so sánh không đồng bộ, dẫn dắt dư luận để “hạ thấp” sự quyết tâm, nỗ lực và định hướng phát triển của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã được các cơ quan Trung ương hướng dẫn, phê duyệt, gây ra những điểm nóng trên không gian mạng vì mục đích xấu.

Luận điệu “miệt thị, kích động gây chia rẽ vùng miền” là vô cùng nguy hiểm

Mọi người cần tỉnh táo và hiểu đúng về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước. Trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước ta luôn quán triệt quan điểm phát triển một cách đồng đều, bảo đảm sự công bằng. Đây là nền tảng để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

 Tuy nhiên, đặc điểm kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng khu vực là không giống nhau nên sẽ có những mục tiêu, định hướng và giải pháp khác nhau để phát triển từng địa phương và đóng góp vào tổng thể chung phát triển của đất nước. Việc lấy địa phương này để so sánh với địa phương khác nhằm “miệt thị, kích động gây chia rẽ vùng miền” là hành vi cần phải lên án, bác bỏ.

Cần cảnh giác cao độ những thông tin mang tính quy chụp, phiến diện một chiều, thể hiện sự hẹp hòi, ích kỷ, đi ngược lại mục tiêu phát triển chung của dân tộc. Đằng sau những lời lẽ tưởng như thuyết phục có thể ẩn chứa những mưu đồ nguy hiểm. Vì vậy, mọi người phải hết sức tỉnh táo, có cách nhìn toàn diện, đa chiều, tránh để các đối tượng lợi dụng, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình ổn định của địa phương, đất nước.

Phong Chi