“LÔ CỐT TRÌ TRỆ” VÀ BÀI KIỂM TRA ĐỘT XUẤT CỦA THỦ TƯỚNG

Ngày 1/9, chỉ chưa đầy 1 ngày sau cuộc kiểm tra đột xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại điểm nóng dịch COVID-19 của Hà Nội, Đảng uỷ phường Thanh Xuân Trung đã có Bí thư. Tân Bí thư là ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thanh Xuân.

Trong cuộc kiểm tra đột xuất chiều 31/8 tại phường Thanh Xuân Trung, một ổ dịch phức tạp nhất Thủ đô hiện nay vì có hàng trăm ca F0, sau khi nghe lãnh đạo quận Thanh Xuân báo cáo hơn 1 tháng qua phường chưa có Bí thư Đảng uỷ, Thủ tướng đã phê bình Quận uỷ Thanh Xuân trong việc chậm trễ kiện toàn nhân sự lãnh đạo.

“Cả tháng rồi chưa kiện toàn bí thư phường, khuyết điểm này thuộc về quận Thanh Xuân. Phường là vùng đỏ rồi, trong lúc nước sôi lửa bỏng này phải kiện toàn ngay để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đáp ứng yêu cầu chống dịch, chăm lo cho dân”, Thủ tướng nghiêm khắc phê bình lãnh đạo địa phương.

Bởi từ ngày 15/8, tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID -19 với các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đã yêu cầu Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Các Phó Bí thư, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND phụ trách các lĩnh vực tùy theo chức năng, nhiệm vụ, tình hình cụ thể, bảo đảm “rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm”. Các địa phương cũng phải thành lập sở chỉ huy hoặc trung tâm chỉ huy do Phó Bí thư, Chủ tịch UBND làm chỉ huy trưởng, có bộ phận thường trực giúp việc 24/7. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu cao nhất, dứt khoát phải quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả và gần dân, bám sát dân.

“Lô cốt trì trệ” và bài kiểm tra đột xuất của Thủ tướng -0

Thủ tướng cùng Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra điểm nóng dịch COVID-19 tại quận Thanh Xuân. Ảnh: VGP.

Từ cuộc kiểm tra đột xuất của Thủ tướng, phường Thanh Xuân Trung đã có người chỉ huy chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo nêu trên. Hoá ra việc kiện toàn nhân sự Bí thư Đảng uỷ phường cũng không phải quá khó khăn như lãnh đạo quận Thanh Xuân đã báo cáo. Bởi việc ông Nguyễn Xuân Hải được điều động, chỉ định làm Bí thư Đảng uỷ phường đã được thực hiện rất nhanh ngay sau cuộc họp của Thường trực Quận uỷ Thanh Xuân trong đêm 31/8.

Tại cuộc họp này, một trong những nội dung là Thường trực Quận ủy giao Ban Tổ chức Quận ủy khẩn trương hoàn thành việc tham mưu kiện toàn chức danh Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung. Và ngay trong ngày 1/9, Quận uỷ Thanh Xuân đã có Quyết định số 868 điều động, chỉ định ông Hải làm Bí thư Đảng uỷ phường Thanh Xuân Trung.

“Lô cốt trì trệ” và bài kiểm tra đột xuất của Thủ tướng -0

Thủ tướng kiểm tra đột xuất tại phường Thanh Xuân Trung.

Trong cuộc họp đêm 31/8, Thường trực Quận uỷ cũng quyết nghị một loạt vấn đề phải làm ngay để phòng chống dịch, như bổ sung lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn phường, bao gồm: 3 công chức khối cơ quan Quận ủy, 5 công chức khối cơ quan UBND quận, 20 cán bộ chiến sĩ công an, 20 chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự quận và 10 đoàn viên thanh niên; tổ chức đưa một số người dân đi cách ly tập trung để giảm mật độ dân cư trong khu vực cách ly tạm thời, tránh lây nhiễm…

Vậy là một loạt yêu cầu của Thủ tướng đã được triển khai rất nhanh và không có gì quá sức của quận và đáng ra những việc đó Quận uỷ, UBND quận phải làm cách đây nhiều ngày rồi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu không có cuộc kiểm tra đột xuất của Thủ tướng thì liệu hàng loạt công việc có được lãnh đạo quận giải quyết một cách nhanh chóng như vậy hay không?

Trụ sở Quận uỷ, UBND quận Thanh Xuân nằm đối diện với trụ sở Đảng uỷ, UBND phường Thanh Xuân Trung trên đường Khuất Duy Tiến và chỉ cách ổ dịch chưa đầy 1km. Giữa lúc dịch bệnh bùng phát phức tạp, Thủ tướng liên tục yêu cầu “chống dịch như chống giặc”, mỗi phường xã là một pháo đài trong phòng chống dịch, vậy mà tại ổ dịch lớn và phức tạp nhất Thủ đô thì khi Thủ tướng tới đây lúc 16h30 chiều, trụ sở vắng người trực; Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo phường trình quyết định thành lập và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thì phải sau hơn 30 phút, quyết định được cán bộ phường tìm thấy, còn ông Chủ tịch phường thì “hồn nhiên” trả lời rằng quan điểm chỉ đạo chống dịch mỗi phường xã là một… lô cốt.

“Lô cốt trì trệ” và bài kiểm tra đột xuất của Thủ tướng -0

Di dời người dân khỏi “điểm nóng” Thanh Xuân Trung.

Chính quyền cơ sở phải là nơi sâu sát nhất, nắm rõ nhất tình hình địa phương và phải biết cần phải làm gì để xử lý. Nhưng từ cuộc kiểm tra đột xuất của Thủ tướng, thậm chí Thủ tướng phải “cầm tay chỉ việc” yêu cầu rõ quận, phường phải làm từng việc cụ thể cho thấy tình trạng trì trệ của một bộ phận chính quyền cấp cơ sở trong việc thực thi công vụ; để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận chứ không chỉ lãnh đạo phường. Bởi nếu như địa phương nào cũng có một cái “lô cốt trì trệ” như thế thì việc chống dịch khó mà hiệu quả.

Vì thế nhân dân mong muốn các cấp chính quyền phải thực sự là “công bộc của dân”, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, để không còn tình trạng đùn đẩy, chờ đợi.

Thủ tướng và Chính phủ dù có nhiệt huyết, trách nhiệm và “nóng” đến đâu mà bên dưới vẫn “lạnh”, thì mọi việc vẫn không thể hiệu quả. Đó phải là sự chuyển động đồng bộ của cả một hệ thống, mà trước hết là của từng cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp – nêu cao tinh thần trách nhiệm, việc gì thấy có lợi cho dân phải ra sức làm.

Nguyễn Thiêm