“CANH CÁNH” NỖI LO SẠT TRƯỢT NÚI

Trên địa bàn tỉnh có hàng chục điểm nằm trong diện nguy cơ sạt lở núi, lũ quét do hoạt động tự nhiên cũng như khai thác vật liệu xây dựng của con người. Trong khi việc di dời tái định cư (TĐC) cho các hộ dân nhiều năm nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.

 

Khu vực thuộc sông Rào Trăng (thượng nguồn sông Bồ) tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt cao

4 lần di dời khẩn cấp

Ngoài sạt lở ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) với khoảng 2 triệu khối đất đá, trên địa bàn tỉnh, còn nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi, lũ quét đe dọa cuộc sống người dân.

Nhiều năm nay, 14 hộ dân sống ở khu vực ở chân đèo Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) luôn thấp thỏm lo lắng bởi tình trạng nguy cơ sạt lở núi tại đây. Từ tuyến QL1A dễ dàng nhận rõ vết nứt gãy kéo dài, với khối lượng đất đá khá lớn, nguy cơ sạt trượt trên lưng chừng núi khi có mưa lớn. Từ tuyến đường dẫn vào mỏ đá trước đây, các hộ dân sống rải rác dọc dưới chân núi trong khoảng cách từ 150-400m gần chân núi.

Chị Trần Thị Hoàng Phương, một hộ dân sống ngay dưới chân núi cho biết, gia đình chị về khu vực chân đèo Phú Gia ở năm 2009, với 7 thành viên. Từ khi xảy ra vụ sạt lở gây chết người ở Thủy điện Rào Trăng 3 đến nay, gia đình cứ thấp thỏm không yên. Nhà chị Phương cách chân núi chừng hơn 150m. “Từ năm 1999 đến năm 2013 gần khu vực nhà sinh sống cũng từng xảy ra sạt lở núi nên gia đình rất lo lắng nhưng chưa thể di dời”, chị Phương bày tỏ.

14 hộ dân sống sát khu vực chân đèo Phú Gia chủ yếu đời sống dựa vào trồng rừng, sản xuất nông nghiệp. Cứ đến mùa mưa bão, các hộ dân phải di dời khẩn cấp đến các địa điểm an toàn như công trình công cộng hoặc xen ghép trong khu dân cư. Tâm  lý “sẵn sàng di tản” luôn thường trực trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến thông tin, trong những tháng cuối năm 2020, chính quyền địa phương đã 4 lần phát “lệnh” di dời khẩn cấp đối với 14 hộ dân (65 nhân khẩu) sống dưới chân đèo Phú Gia. Khu vực đèo Phú Gia nhiều năm nay luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi với vết nứt gãy lộ rõ trên chiều dài khoảng 200m, bề ngang khoảng 1,5m, xuất hiện từ năm 2008. Nguyên nhân do trước đó đơn vị khai thác đất, đá đã đào làm hỏng chân núi. Qua theo dõi của chính quyền địa phương từ năm 2008 đến nay, vết nứt không dài và rộng thêm nhưng nguy cơ sạt trượt vẫn còn rất lớn trong mùa mưa bão.

Từ năm 2013, qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân và địa phương cũng đã đề xuất chính sách hỗ trợ và có phương án di dời nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Theo đó, sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ dân để TĐC tại khu TĐC Phước Lộc thuộc địa bàn xã. Tuy nhiên, các hộ dân không đồng ý di dời do kinh phí hỗ trợ quá ít không thể xây nhà, khu vực TĐC ở xa nơi sản xuất khiến việc đi lại khó khăn. Vừa qua, địa phương cũng đề xuất huyện hỗ trợ đền bù tài sản trên đất (nhà cửa, công tình hạ tầng) cho các hộ dân di dời TĐC nhưng đến nay vẫn không triển khai được do thiếu kinh phí.

Theo ông Cường, ngoài 14 hộ dân ở thôn Phú Gia, trên địa bàn còn 25 hộ ở các thôn Trung Kiền, Thổ Sơn cũng sống gần chân núi trong phạm vi vài trăm mét trở lên, cũng ảnh hưởng nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão. “Cũng như ở đèo Phú Gia, khu vực Khe Lệ xuất hiện nước chảy thành dòng từ trên núi xuống mỗi khi mưa lớn nên nguy cơ sạt trượt trong mùa mưa rất lớn. Các hộ dân này địa phương cũng đưa vào diện di dời khẩn cấp trong mỗi mưa mưa bão. Còn việc TĐC nằm ngoài khả năng của xã”,  ông Cường cho biết.

Vùng đất nguy cơ sạt trượt cao

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trượt lở dọc tuyến QL1A qua địa bàn huyện Phú Lộc thường xảy ra tại các đèo Phước Tượng, Phú Gia và bắc Hải Vân. Trong quá khứ, đã từng xuất hiện hàng loạt điểm trượt rất lớn với khối lượng cực lớn 100.000m3 đất đá trong trận lũ tháng 11 năm 1999. Những mùa mưa lũ tiếp theo, hiện tượng trượt lở vẫn tiếp tục xảy ra trên con đường này.

Khu vực thuộc đèo Phú Gia xuất hiện điểm sạt trượt, núi đã sạt xuống 1 đoạn dài 200m, rộng 1,5m (khoanh tròn)

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, ngoài QL1A, trên đường 49 đoạn đi qua xã Hồng Tiến (Hương Trà) tháng 11/1999 cũng đã từng xảy ra một vụ trượt đất với khối lượng đất đá lên đến 20.000m3 nhưng rất may là không có thiệt hại đáng kể.

Tại Mũi Né (Phú Lộc) trong đợt lũ đầu tháng 11/1999 đã xảy ra trượt đất làm 13 người chết. Theo điều tra sơ bộ toàn tỉnh có 15 vị trí trượt đất dọc sông Hương, sông Bồ, sông Truồi với nhiều điểm sạt lở bờ sông. Những điểm sạt lở nghiêm trọng là những nơi thường xảy ra lũ quét như Bảng Lảng, Dương Hoà, Hương Hồ, Hương Thọ. Hầu như năm nào cũng có sạt lở và số điểm sạt lở ngày càng gia tăng.

Địa bàn Thừa Thiên Huế trải dài theo chiều Tây Bắc - Đông Nam, trong đó khoảng 75,9% tổng diện tích là vùng núi đồi. Một trong đặc điểm của địa hình của tỉnh là việc hình thành nên các trũng giữa núi dạng hẹp kéo dài như A Lưới, Nam Đông và các vùng đồng bằng hẹp sát ngay trước núi như Cổ Bi, Lại Bằng, Phong Sơn, Phong Mỹ, Thủy Bằng, Hương Thọ, thị trấn Phú Lộc là những khu vực nhận thế năng địa hình rất lớn bởi độ cao địa hình lớn và giảm đột ngột, trực tiếp chịu tác động của các dạng hình lũ miền núi như lũ quét hoặc trượt lở đất đá.

Tai biến địa chất trượt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá thường xảy ra ở vùng địa hình núi thấp có độ cao từ 250-750m với độ dốc từ 15- 25% như ở A lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà và Hương Thủy chiếm khoảng 36% diện tích toàn tỉnh.

Theo nghiên cứu của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh có 48 điểm xảy ra lũ quét với mật độ là 0,0096 điểm/ km2 thuộc loại rất cao (>0,007). Con số lũ quét còn lớn hơn gấp nhiều lần, do phần lớn tiện tích đồi núi của tỉnh không có dân cư sinh sống, nên hiện tượng lũ quét còn chưa được ghi nhận.

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có lượng mưa nhiều nhất ở nước ta. Lượng mưa trung bình hàng năm trong toàn tỉnh đều trên 2.700mm, có nơi trên 4.000mm như Bạch Mã, Thừa Lưu. Do sự tác động giữa địa hình và hoàn lưu khí quyển, nên đã hình thành hai trung tâm mưa lớn. Trung tâm mưa lớn thứ nhất là Bạch Mã, Truồi, Thừa Lưu, Nam Đông, Phú Lộc với lượng mưa năm dao động trong khoảng 3.400-4.000mm; trung tâm mưa lớn thứ hai chịu ảnh hưởng của dãy Trường Sơn với Động Ngài cao 1.774m nằm ở huyện A Lưới, có lượng mưa hàng năm trên 3.400 mm, năm mưa nhiều nhất vượt trên 5.000mm.

Tổng lượng mưa năm tập trung chủ yếu vào mùa mưa chính của tỉnh với cường độ mưa tăng vọt trong các tháng mùa mưa làm khả năng xói mòn, trượt lở đất, lũ quét cũng tập trung chủ yếu trong thời gian này. Tuy cơ chế gây ra lũ quét và trượt lở đất có khác nhau nhưng cả hai quá trình đều phụ thuộc rất lớn vào cường độ mưa.

Kết hợp giải pháp

Ông Đặng Văn Hòa thông tin, để ứng phó lũ quét và trượt lở đất cần có giải pháp công trình và phi công trình. Theo đó, ngoài tăng cường khả năng thoát lũ của lòng dẫn, xây tường chắn, hồ chứa kiểm soát lũ… cần lắp đặt, vận hành các hệ thống cảnh báo lũ quét cho một số nơi dân cư và các hoạt động kinh tế tập trung mà có nhiều khả năng xuất hiện lũ quét và trượt lở đất; quy hoạch, điều chỉnh khu dân cư tránh những địa điểm thường xảy ra lũ quét và trượt lở đất; cắm các biển báo nơi có nguy xảy ra lũ quét và trượt lở đất; sơ tán khỏi vùng lũ quét và trượt lở đất nhờ các bản tin cảnh báo và dự báo; tăng độ che phủ mặt đệm bằng cách trồng rừng két hợp với phương thức canh tác hợp lý bảo đảm độ ổn định của kết cấu đất; tuyên truyền giáo dục về lũ quét và trượt lở đất, huấn luyện, diễn tập các phương án phòng tránh lũ quét và trượt lở đất phương án phòng tránh lũ quét và sạt lở đất.

Thừa Thiên Huế online