TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2024 - 2025 CÓ THỂ PHỤC HỒI TỐT HƠN

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023 nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5% - 7% theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.

Chiều 23/10, Quốc hội nghe Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH 5) năm 2021-2025, Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Năng suất lao động thấp, vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận. "Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt 8,02%", báo cáo nêu rõ.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7% giai đoạn 2021 - 2025 là
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; lạm phát được kiểm soát; cơ cấu thu ngân sách tiếp tục được củng cố; bội chi giai đoạn 3 năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công đều trong giới hạn cho phép. Giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô được điều hành linh hoạt; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu...

Qua thẩm tra, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) cơ bản đồng tình với những kết quả nêu trên và đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá rõ hơn: Cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức 6,26% của 3 năm 2016 - 2018. Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó, chỉ số IIP ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2021 - 2023 là khoảng 5,3% thấp hơn nhiều so với mức 12,5 - 13% của kế hoạch 5 năm.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7% giai đoạn 2021 - 2025 là
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

"Chất lượng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) còn yếu tố chưa bền vững, vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, dầu thô. Thu hút FDI mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn. Giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch", Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh chỉ ra.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại còn chậm, nhất là giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng tại các đô thị lớn. Quá trình triển khai, chuẩn bị đầu tư mạng lưới đường sắt đô thị rất chậm; bên cạnh đoạn tuyến Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào sử dụng, tiến độ triển khai, dự kiến thời gian đưa vào sử dụng các tuyến còn lại cũng cần được báo cáo như: Tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai...

Đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm

Về đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, UBKT nhất trí và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến hoàn thành 10/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 37%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hai năm 2021 - 2022 vượt mục tiêu đề ra; khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đã vượt mục tiêu đề ra...

Mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7% giai đoạn 2021 - 2025 là
 
Mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7% giai đoạn 2021 - 2025 là
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Tuy nhiên, UBKT đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 48,1%) bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan tới cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, năng suất lao động, phát triển thị trường tài chính, thị trường đất đai, khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp, lao động.

"Năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn hạn chế; tình trạng "sở hữu chéo", tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp "nội bộ", "sân sau" còn phức tạp. Quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng "mua bắt buộc" gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập.

Mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7% giai đoạn 2021 - 2025 là
Toàn cảnh hội trường.

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH và cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm 2021 - 2025, UBKT cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023, tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...

Từ đó, UBKT nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp, đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành thực hiện. Đặc biệt, nghiên cứu, đánh giá kết quả và đề xuất ban hành mới hoặc kéo dài các chính sách tiền tệ, chính sách thuế, phí, lệ phí... để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về quy định phòng cháy, chữa cháy, cung ứng điện; đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức...

CAND online