PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ DI SẢN ĐẶC BIỆT

Phiên thảo luận tại hội trường về Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương (Đề án) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đánh giá cao công tác bảo tồn di sản của Huế; đồng thời, có những ý kiến đóng góp đối với sự phát triển đô thị di sản đặc biệt.

 Huế định hướng phát triển đô thị gắn liền với bảo tồn di sản

Bảo tồn và phát triển

Theo Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương, định hướng phát triển TP. Huế sẽ có tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%. Dù vậy, là đô thị di sản, các quy thức được đặt ra với đô thị Huế rất lớn. Điển hình như sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số, đặc biệt là dân số cơ học có thể tạo ra áp lực lên các khu vực lân cận và gây tăng nhu cầu về nhà ở và hạ tầng. Việc mở rộng đô thị và xây dựng các khu chức năng mới có thể gây tác động lên Quần thể di tích Cố đô Huế và các khu vực xung quanh.

Sự gia tăng lượng khách du lịch cũng tạo ra sức ép lên cơ sở hạ tầng, văn hóa và môi trường. Ngoài ra, việc phát triển đô thị có thể làm thay đổi cảnh quan và gây tác động lên hình ảnh, không gian xung quanh các khu vực di tích.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị. Qua đó, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp với từng vùng miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản du lịch, tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương... Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng băn khoăn, TP. Huế nếu được thành lập bước đầu sẽ rất còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đô thị hóa hiện nay mới chỉ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.

 Tái hiện lễ ban sóc Triều Nguyễn tại sân Ngọ Môn

Đối với định hướng không gian phát triển đô thị, đại biểu Phạm Thị Kiều của Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhận định, cần có các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian đô thị Huế hiện hữu và phần mở rộng các đô thị vệ tinh; đồng thời, nghiên cứu các giải pháp quản lý tầng cao và mật độ các khu vực đặc trưng như khu vực Kinh thành Huế, khu vực lân cận các điểm di tích, dọc hai bên bờ sông Hương, ven biển, các đầm phá và vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…

Phát huy tốt hơn các giá trị di sản

Ngày 11/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 42/QĐ-TTg về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, việc quy hoạch bảo đảm thực hiện theo đúng định hướng tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Quy hoạch định hướng chiến lược phát triển đô thị di sản, kết nối không gian, hình thành và phát triển Cố đô lịch sử; không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế trên toàn tỉnh, bao gồm, TP. Huế, các thị xã: Hương Trà, Hương Thủy, các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông và A Lưới.

Câu chuyện phát triển đô thị cũng thể hiện rất rõ trong Đề án. Quận Phú Xuân là trung tâm di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế; trung tâm tổ chức Festival cấp quốc gia và mang tầm quốc tế; khu vực đô thị cũ mở rộng gắn với hoạt động văn hóa, kinh tế, dịch vụ và du lịch. Điểm nhấn là Kinh thành Huế, khu vực Phố cổ Bao Vinh, làng nghề truyền thống Kim Long được quản lý và bảo tồn theo quy định quản lý xây dựng. Khu vực di tích lịch sử như khu lăng mộ được bảo tồn trên nguyên tắc tuân thủ theo luật pháp, quy hoạch và chỉ đạo của các cấp chính quyền, mở rộng chức năng du lịch và nâng cao giá trị lịch sử văn hóa thông qua các dự án trùng tu và khôi phục các di tích lịch sử. Phát triển du lịch sinh thái khu vực dọc sông Hương, sông Ngự Hà.

Quận Thuận Hóa là trung tâm hành chính trị toàn đô thị và cấp quận; trung tâm văn hóa, dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính chính, y tế, giáo dục cấp quốc gia và quốc tế; là khu vực mở rộng đô thị trung tâm về phía Nam theo sự tăng trưởng đô thị. Đối với khu vực này vẫn lưu giữ các công trình kiến trúc Pháp, quản lý và bảo tồn các công trình xây dựng thời Pháp thuộc theo quy định của Luật Di sản; bảo tồn, tôn tạo khu vực di sản lịch sử như đàn Nam Giao, lăng vua Tự Đức...

“Thừa Thiên Huế lựa chọn mô hình đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh. Huế sẽ không phát triển dân cư, nhà cửa, mật độ cao; đồng thời quá trình phát triển sẽ tạo điều kiện cho Huế tổ chức, bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước”, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định tại phiên thảo luận tại hội trường về Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Báo Thừa Thiên Huế online