PHÁ VỤ ÁN ÔN NHƯ HẦU - MỘT CHIẾN CÔNG CHÓI LỌI CỦA LỰC LƯỢNG AN NINH NHÂN DÂN

 

 

Về chiến công vẻ vang này, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đã đánh giá: "Những vụ khám bắt trên đây có một tác dụng vô cùng quan trọng; nó lột mặt bọn phản động bên trong, tay sai của bọn phản động bên ngoài... Nó lôi ra ánh sáng dư luận một bọn giả danh chính trị, giả danh quốc gia dân tộc... Mấy cuộc khám bắt vừa đây cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân...".

Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, chính quyền cách mạng và nhân dân ta phải bước ngay vào thử thách mới. Các thế lực ngoại xâm núp dưới chiêu bài là quân Đồng minh vào giải giáp quân Nhật để thực hiện dã tâm xâm lược nước ta. Tưởng là thời cơ lật đổ chính quyền cách mạng đã đến, hàng trăm tổ chức, đảng phái phản động đã bị đánh gục trong Cách mạng Tháng 8 lại đua nhau ngóc đầu dậy.

 Thế lực ngoại xâm câu kết với bọn phản động bên trong thành liên minh phản cách mạng cực kỳ nguy hiểm. Chúng lợi dụng tình hình kinh tế - xã hội của đất nước vừa được giải phóng còn muôn vàn khó khăn, ráo riết và manh động tiến hành chống phá ta quyết liệt. Quốc dân đảng là một đảng phái phản động, có thực lực, lại được quân Tưởng và sau đó là quân Pháp nuôi dưỡng, đã đánh chiếm, khống chế được chính quyền ở một số xã; nhất là tại các tỉnh phía Bắc; chúng còn đòi ta phải nhường cho 70 ghế trong Quốc hội. Bối cảnh đó không chỉ đe dọa trực tiếp đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc mà còn đẩy chính quyền cách mạng vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Lực lượng An ninh vừa mới ra đời, quân số ít, nghiệp vụ còn non yếu nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường lại được nhân dân hết lòng đùm bọc, giúp đỡ và khéo vận dụng luật pháp nên đã sớm khẳng định là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống phản cách mạng.

Tại Nam Bộ, các chiến sỹ vừa tham gia chiến đấu kìm chân quân Pháp, vừa tổ chức trấn áp phản cách mạng, bảo vệ an toàn cơ quan chỉ huy đầu não kháng chiến, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tại Trung Bộ và Bắc Bộ, lực lượng An ninh triệt để vận dụng luật pháp, thực hiện sách lược mềm dẻo của Đảng để trấn áp các tổ chức phản động và vận động quần chúng công khai đấu tranh tạo ra áp lực chính trị mạnh mẽ; vô hiệu hóa các hoạt động của liên minh phản cách mạng trong, ngoài.

Bọn Quốc dân đảng luôn có dã tâm lật đổ chính quyền cách mạng; đã ráo riết chống phá ta liên tục nhưng không thực hiện được dã tâm đó. Nhân cơ hội Hiệp ước Hoa - Pháp ký kết, quân Pháp thay chân Tưởng chiếm đóng Bắc Bộ, chúng đã xúc tiến kế hoạch đảo chính hòng lật đổ chính quyền cách mạng, lập chính quyền làm tay sai cho Pháp.

Được quân Pháp giúp sức, Quốc dân đảng vạch kế hoạch: Lợi dụng quân Pháp tổ chức diễu binh mừng Ngày Quốc khánh (14/7), khi đi qua Bắc Bộ Phủ, chúng sẽ ném lựu đạn để gây đổ máu. Với lý do này, Pháp đổ lỗi cho ta, kéo ngay vào Bắc Bộ Phủ bắt các thành viên Chính phủ, tuyên bố thành lập chính quyền mới của Quốc dân đảng, làm tay sai cho Pháp.

Trinh sát chính trị của Sở Công an Bắc Bộ và Nha Công an theo dõi, bí mật bắt một số tên khai thác và nắm được âm mưu đảo chính của Quốc dân đảng từ mấy tháng trước. Ty tập trung tài liệu, còn xây dựng được 2 cơ sở đánh vào trụ sở quan trọng nhất của Quốc dân đảng là 132 phố Đuyvinhô (Bùi Thị Xuân ngày nay), cung cấp cho ta những tin tức rất giá trị về âm mưu và hoạt động của chúng. Nhưng đến ngày 11/7, ta vẫn không thu được một bằng chứng nào để trình Chính phủ cho phép mở cuộc trấn áp. Đêm 11/7, cơ sở báo tin chúng đã in xong các loại truyền đơn, lời hiệu triệu, một số đã chuyển đi các tỉnh, sáng sớm 12/7 các trụ sở ở Hà Nội sẽ rút vào bí mật để thực hiện giai đoạn cuối cùng là lật đổ chính quyền cách mạng.

Đêm đó, lãnh đạo Nha Công an và lãnh đạo Sở Công an Bắc Bộ tiến hành 3 cuộc họp liên tục để bàn kế sách trấn áp. Cuộc họp cuối cùng diễn ra vào 12h đêm, và thống nhất quyết định: Phải đột kích vào trụ sở 132 Đuyvinhô, thu chứng cứ trình Chính phủ để xin được mở cuộc trấn áp Quốc dân đảng. Nếu không sẽ không còn thời cơ, vận mệnh của quốc gia, dân tộc là trên hết.

Mờ sáng 12/7, một tiểu đội Công an xung phong và trinh sát chính trị bất ngờ đột kích vào 132 Đuyvinhô. Khi ấy, hơn 20 tên Quốc dân đảng còn đang nằm ngủ la liệt trên sàn nhà, bên những đống truyền đơn, tài liệu đã đóng gói. Cuộc đột kích thắng lợi, ta thu một xe cam nhông tài liệu phản động và cả máy in, bắt hết bọn ở đó. Nhờ có bằng chứng rõ ràng, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng lập tức ra lệnh cho phép lực lượng An ninh mở cuộc trấn áp tất cả các trụ sở công khai và bí mật của Quốc dân đảng.

Được nhân dân ủng hộ, trong hai ngày 12 và 13/7, ta khám xét 41 điểm là trụ sở công khai và bí mật của bọn phản động, bắt hơn 300 tên, trong đó có Phan Kích Nam là Bí thư Đệ nhất khu; y còn có chân trong Quốc hội. Trong khi trấn áp, ta còn mở một cuộc triển lãm về tội ác của chúng tại số 7 phố Ôn Như Hầu, hàng vạn đồng bào ở Hà Nội đến xem, càng nhận rõ bộ mặt quốc gia giả hiệu của Quốc dân đảng. Vì thế, đồng bào càng tích cực giúp đỡ, tạo ra áp lực chính trị mạnh mẽ, làm cho quân đội Pháp không dám can thiệp.

Cuộc trấn áp không chỉ được tiến hành ở Hà Nội, mà nhân thời cơ đó, Nha Công an chỉ đạo các tỉnh đồng loạt mở cuộc trấn áp Quốc dân đảng. Đây là quyết định rất sáng suốt, có tác dụng to lớn là chúng ta đã làm tan rã lực lượng của một đảng chính trị phản động nhất, có thực lực nhất lúc bấy giờ. Lực lượng vũ trang ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ... liên tục tấn công, dẹp tan chính quyền phân liệt của chúng ở một số xã, củng cố một bước chính quyền cách mạng.

Cuộc tổng trấn áp Quốc dân đảng thắng lợi, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng do chúng câu kết với quân đội viễn chinh Pháp trước 48 giờ, xứng đáng là một mốc lịch sử vẻ vang; là đỉnh cao sau gần 1 năm chiến đấu liên tục để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân củng cố chính quyền cách mạng, thoát khỏi tình thế "ngàn cân treo sợi tóc"

Minh Ngọc(Ghi theo lời kể của ông Lê Hữu Qua, Phó Chủ sự Phòng Chính trị Sở Công an Bắc Bộ, trực tiếp chỉ đạo phá án; tháng 7-1996