NÓNG BỨC HƠN CẢ NẮNG HÈ

Chúng ta vừa bước vào tháng đầu của mùa hè 2021 với những đợt nắng nóng gay gắt cao độ. Dịch COVID-19 đợt thứ tư kéo dài gần tháng rưỡi với số người nhiễm tăng quá nhanh, hơn gấp đôi tổng người nhiễm của cả ba đợt trước cộng lại. Nhưng nắng nóng và dịch bệnh cũng không nóng bức như những gì vừa diễn ra trên mạng xã hội.

Những lùm xùm xung quanh việc làm từ thiện của các nghệ sĩ gần đây đang là đề tài nóng trên mạng xã hội

Đến lúc này, mạng xã hội mà chủ yếu là facebook, với người Việt, không còn là thế giới ảo nữa. Nó đã trở thành nơi bày tỏ rất thật suy nghĩ, cảm xúc, thái độ, ứng xử, và cả hành động của người dân. Vì vậy, có thể nói không quá lời rằng: dân trí, dân tình và cả dân tính của Việt Nam đang phô bày rất rõ trên mạng xã hội.

Ở đó, mỗi ngày ta vẫn bắt gặp những lời nói hay, hình ảnh đẹp, câu chuyện vui, việc làm tốt... như “cây táo nở hoa”. Nhưng bên cạnh đó là vô số chuyện xấu xí, tệ hại, đồi bại, từ chuyện nhảm nhí, vớ vẩn cho đến chuyện kinh thiên động địa, khiến cho không ít người lao đao, suy sụp, tan cửa nát nhà... Và xót xa thay, những chuyện “giật gân” vẫn cứ thu hút nhiều người quan tâm hơn.

Những buổi nói chuyện được phát trực tiếp (livestream) trên mạng facebook của bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đại Nam đã thu hút đến gần nửa triệu người xem. Báo chí cho hay bà Hằng đã xác lập kỷ lục “luồng truyền phát trực tuyến Việt Nam được xem cùng lúc nhiều nhất trên facebook”. Bà Hằng đã nói chuyện gì hay đến mức như vậy? Bạn cứ chịu khó nghe một lần để biết vì sao.

Từ những cuộc “talk show” độc diễn của bà Hằng, mới sinh ra thêm những chuyện khác cũng nóng nảy không kém. Đó là chuyện nghệ sĩ Hoài Linh nhận tiền đóng góp của người hảo tâm giúp đỡ đồng bào miền Trung bão lụt gần 14 tỷ đồng đã nửa năm vẫn còn nằm im trong tài khoản cá nhân. Đó là chuyện các nghệ sĩ quảng cáo vô tội vạ các loại dược phẩm, đến độ người ta hoang mang sao thuốc gì cô Nghệ sĩ Nhân dân ấy cũng nói tôi dùng rồi, hiệu quả lắm. Chuyện video clip của một nữ diễn viên bị tung lên mạng và dân gian mạng nhanh chóng lưu truyền lời ví von“du hý trong bồn tắm”...

Và vô số chuyện hầm bà lằng có thể mô tả bằng những từ ngữ: rình mò, quay lén, tung lên mạng, dựng chuyện, trả thù, chửi bới, đe dọa, tung tin thất thiệt, khoe của, khoe thân, nhảm nhí, vớ vẩn, bạo lực, cuồng tín, cực đoan... Có ý kiến cho rằng đó là điều bình thường, vì xã hội thì luôn có đủ thượng vàng hạ cám, cái tốt lẫn thứ xấu; rằng không nên chỉ nhìn mặt tiêu cực mà bi quan. Vâng, xã hội đương nhiên đã là như vậy, nhưng khi cái xấu xí, cái tầm thường càng ngày càng nhiều hơn, thậm chí cái xấu lên ngôi như một thế lực, cái nhảm nhí được nhiều người tung hô... thì có còn là bình thường nữa không?!

Cố nhiên, những gì không vui đang diễn ra trên mạng cũng cho thấy nhu cầu bức bách của người dân về một không gian tự do, một diễn đàn thật sự dành cho họ, để họ bày tỏ thái độ, cảm xúc thật của mình. Làm sao cho người dân không phải lên mạng để giải quyết những bức xúc của mình, từ những xích mích nhỏ nhặt mỗi ngày cho đến những oan sai kéo dài qua nhiều năm tháng? Làm sao cho người dân không phải chọn cách giải quyết những mâu thuẫn của đời sống bằng những cách thức tiêu cực, xấu xí, tệ hại? Câu trả lời thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý xã hội. Vì luật pháp không phải để trừng phạt người phạm tội, mà trước tiên là để giúp cho người ta không phạm tội. Và không chỉ luật pháp của Nhà nước, mà còn phải có sự điều chỉnh của đạo đức, bắt đầu từ giáo dục của gia đình, tiếp đó là nhà trường và dứt khoát phải có vai trò nêu gương của những người lãnh đạo, những người của công chúng.

Tất cả những nỗ lực đó của cả xã hội đều phản ánh qua truyền thông và đều được truyền thông chuyển tải. Vì vậy, từ các cơ quan truyền thông cho đến từng cá nhân làm công việc truyền thông, không thể từ chối trách nhiệm của mình trước những bê bối trên mạng xã hội. Truyền thông bẩn thì bê bối càng nhân lên thành thảm họa. Nhưng truyền thông sạch mà xã hội đầy rác thì cũng không thể vô can. Vì vậy, giới truyền thông phải gánh vác trách nhiệm quan trọng trong việc cân bằng thông tin, định hướng dư luận, cung cấp năng lượng tích cực cho xã hội và mạng xã hội.

Khi bạn viết một mẩu status lên trang mạng của mình, hoặc chia sẻ một mẩu tin, một hình ảnh, một bài báo, là bạn đã tham gia vào hoạt động truyền thông xã hội (social media). Bạn đang một nhân viên truyền thông đấy. Bạn đang là một nhà báo công dân -civic journalism - với đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm nặng nề. Vì vậy, để làm được công việc của người truyền thông trên mạng xã hội, không chỉ đòi hỏi phải hiểu biết pháp luật, đạo đức, mà còn đòi hỏi phải có văn hóa. Những đòi hỏi đó, không phải để làm cho không gian mạng ít rác nhiều hoa, mà trước tiên là để bảo vệ cho chính mỗi người tham gia mạng xã hội, tránh được tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào!

Thừa Thiên Huế online