NÂNG TẦM CỬA NGÕ PHÍA BẮC

Một loạt các công trình, dự án hạ tầng giao thông được lên kế hoạch đưa vào đầu tư giai đoạn 2021-2025 hứa hẹn diện mạo đô thị Hương Trà – cửa ngõ phía Bắc TP. Huế và tỉnh sẽ đổi thay mạnh mẽ.

Hình ảnh cửa ngõ phía Bắc tỉnh sẽ khang trang, hiện đại hơn trong thời gian tới

Từ chỉnh trang đô thị

Gần 10 năm sau ngày “lên” thị xã, Hương Trà đã có những bước chuyển rõ nét. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng có tính đột phá được triển khai, tạo điểm nhấn, thị xã cũng tập trung quy hoạch, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng để vừa phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đồng thời chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Đến nay, tỷ lệ đô thị hoá của thị xã đạt 75%, kết cấu hạ tầng KT-XH khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, từ các cơ sở giáo dục, trạm y tế đến các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở.

Tại phường Tứ Hạ, sau khi chỉnh trang, giải phóng 2 dải phân cách dọc QL1A qua khu vực trung tâm phường, đoạn đường này trở nên rộng, thoáng, thuận lợi cho việc lưu thông, tạo bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại. Nhiều tuyến đường hoa tạo điểm nhấn cũng được triển khai thực hiện trên địa bàn.

Có trung tâm hành chính - kinh tế - văn hóa của phường nằm dọc trục QL1A, Chủ tịch UBND phường Hương Văn Nguyễn Xuân Chinh cho hay, những năm qua, có trên 80% các tuyến đường phố được địa phương đầu tư mở rộng nền đường đảm bảo chiều rộng tối thiểu và lắp điện chiếu sáng (từ nguồn kinh phí Nhà nước và Nhân dân đóng góp), xây dựng đạt chuẩn 2 tuyến phố văn minh. Phường còn vận động người dân tham gia bảo dưỡng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị và đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo hình ảnh đẹp ở cửa ngõ phía Bắc TP. Huế và tỉnh. Từ phong trào Chủ nhật xanh, các tuyến đường ở đô thị Hương Trà ngày càng xanh - sạch - sáng.

Đến công trình trụ cột

Theo Chủ tịch UBND thị xã Hà Văn Tuấn, muốn cửa ngõ phía Bắc đẹp lên, “thị xã phải triển khai các công trình kết cấu hạ tầng mang tính trụ cột; cải thiện môi trường cảnh quan để nâng cao chất lượng đô thị và cuộc sống cho người dân”.

Đó là thực hiện chỉnh trang diện mạo đô thị trên trục QL1A từ Tứ Hạ đến Hương Chữ. Tuyến đường và điện chiếu sáng dọc sông Bồ từ Tứ Hạ đến Hương Toàn để phát triển vùng phía đông. Đầu tư hệ thống điện chiếu sáng dọc QL49 từ cầu Tuần đến Bình Tiến để phát triển vùng núi. Mở rộng tuyến Tỉnh lộ 16 đến đường tránh phía Tây để phân luồng lại giao thông đô thị và các tuyến đường ngang nối từ QL1A vào trung tâm các phường, xã: đường Thanh Lương (Hương Xuân), đường Hà Công (Hương Chữ), đường 19-5, Tỉnh lộ 8A (từ Hương Xuân về Quảng Thọ), đường về Hương Toàn. Phối hợp với tỉnh và Bộ Giao thông vận tải mở rộng QL49A từ Hương Thọ lên Bình Điền…

Tới đây, 6/15 xã, phường của địa phương sẽ sáp nhập vào TP. Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Chuyển giao 6 đơn vị hành chính, “lõi” đô thị Hương Trà sẽ tập trung ở khu vực trung tâm và các xã miền núi. Với 9 xã phường còn lại, địa phương sẽ lựa chọn mô hình đô thị hoá hợp lý, đáp ứng tiêu chí xanh-sạch-đẹp.

Hiện tuyến đường Cách mạng Tháng 8 đang làm lề đường, sắp tới sẽ lát vỉa hè, thoát nước, trồng cây xanh đoạn từ Tứ Hạ đến cầu An Lỗ theo vốn đầu tư công của tỉnh với kinh phí 20 tỷ đồng. “Chúng tôi đang chờ Tổng cục đường bộ phê duyệt giấy phép để cải tạo, chỉnh trang, tạo cảnh quan khu vực vòng xuyến Tứ Hạ - đường tránh phía tây. Dự án Quảng trường - Nhà văn hoá, trung tâm thể dục thể thao Hương Trà (ở ngã 3 đường tránh), đã đưa vào đầu tư công trung hạn 2021-2025, kinh phí dự kiến 40 tỷ đồng. Chủ tịch TX. Hương Trà thông tin.

Trước mắt, thị xã tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đô thị, đẩy mạnh phát triển KT-XH bằng nhiều chủ trương, chính sách linh hoạt như: sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, huy động mọi nguồn lực trong dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh. Xây dựng các điểm và vùng trung tâm thương mại - dịch vụ, góp phần tạo động lực phát triển đô thị.

Thừa Thiên Huế online