LO NGẠI CHUYỆN THẦN TƯỢNG KHÁ "BẢNH": PHẢI LAN TỎA ĐIỀU TỐT!

Lo ngại hiện tượng thần tượng lệch lạc sau vụ Khá "bảnh", Chủ tịch Huế muốn lan tỏa điều tốt, thay đổi suy nghĩ, lối sống của học sinh Huế. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cũng như nhận thức lệch lạc trong tư duy của giới trẻ thật sự đang là mối lo chung của toàn xã hội.

 

Hình ảnh những học sinh theo dõi phiên xử Khá "bảnh" khiến nhiều người phải suy nghĩ. Ảnh: Zing

Đặc biệt là sau một số sự việc đã diễn ra như học sinh bị bạo hành, học sinh đánh bạn, chửi bậy, gặp người lớn không chào hỏi... khiến ông Thọ rất trăn trở.

Nổi lên thời gian gần đây là trường hợp một tội phạm bị đưa ra hầu tòa về tội tổ chức đánh bạc nhưng lại được chào đón như một… “siêu anh hùng”. Cảnh tượng hò reo cuồng nhiệt chào đón Khá “bảnh” của một số người trẻ, trong đó có rất nhiều học sinh còn đang mặc đồng phục khiến ông Thọ thật sự lo ngại.

Ông Thọ lo ngại sự lệch lạc về nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay, nói rộng hơn là sự lệch chuẩn thần tượng mà nếu không được tuyên truyền, định hướng có thể sẽ dẫn đến những hành động, hành vi sai lệch thậm chí là phạm tội do nhận thức sai lệch.

Ví dụ từ câu chuyện học sinh tụ tập, đánh bạn là do các em bị ảnh hưởng bởi những thông tin, hình ảnh xấu, bị lôi kéo, cổ xúy bằng những tư tưởng cực đoan, định hướng lệch lạc khiến các em hiểu sai nên ứng xử sai.

Có em đánh bạn tới ngất xỉu, tới nhập viện nhưng không thấy có lỗi mà ngược lại còn tự cho mình là một anh hùng. 
 
Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng khi điều tốt ít được lan tỏa, còn cái xấu lại đang lấn lướt mà gia đình, nhà trường thiếu kiểm soát, thiếu quan tâm, những liều thuốc độc  vô hình đang tiêm nhiễm vào quá trình phát triển, hình thành nhân cách của từng đứa trẻ. Điều này rất nguy hiểm.

"Học sinh như những tờ giấy trắng, vẽ gì nên đấy. Nếu ngày nào cũng được tiếp cận với những thông tin xấu trên mạng, ngoài xã hội, thậm chí ngay cả trong gia đình, nhà trường sẽ khiến một đứa trẻ quen với điều xấu, bị mất dần sự phản vệ với những điều xấu, nhìn điều xấu thành hay và học theo, làm theo.

Vấn đề bây giờ là phải lấy điều tốt đẩy điều xấu ra khỏi suy nghĩ của các em, để các em suy nghĩ tích cực hơn, sống tốt hơn", ông Thọ tâm tư.

Vì những trăn trở trên, ông Phan Ngọc Thọ rất mong muốn qua những việc làm cụ thể sẽ giúp thay đổi được nhận thức, đạo đức, lối sống của giới trẻ.

Thời gian gần đây, ông đã trực tiếp tham dự một số giờ học môn Giáo dục Công dân từ cấp tiểu học cho tới cấp THPT.

Ông nhận thấy thời gian lên lớp dành cho môn giáo dục đạo đức, lối sống trong trường học là quá ngắn ngủi, chưa đủ thời gian để các thầy cô và các em chia sẻ, trao đổi về những trải nghiệm, những kinh nghiệm ứng xử trong đời sống thực tế.

Do đó, ông cho rằng, cần phải có thêm nhiều giờ học ngoại khóa và học sinh cần được tham gia, lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện, chia sẻ từ những người có kinh nghiệm, có kiến thức để định hướng, chuẩn lại hành vi của các em.

Theo vị lãnh đạo, không cần phải là những câu chuyện to lớn mà đi từ những câu chuyện gần gũi thường ngày, từ cách ứng xử với ông bà, cha mẹ trong gia đình, với bạn bè, người thân... mà chính bản thân các em đang từng ngày trải qua.

Vì điều này, ông Thọ đã mời chuyên gia tâm lý về nói chuyện với học sinh của Huế.

Theo chia sẻ của ông Thọ, sau những câu chuyện của chuyên gia thì đã có rất nhiều học sinh trong số hàng nghìn học sinh của Trường THPT chuyên Quốc học Huế đã phải khóc nức nở.

"Điều này cho thấy, câu chuyện thật, lời kể thật đã thật sự lay động được lòng thiện của các em, làm thay đổi  suy nghĩ của các em, giúp các nhìn thấy được cách ứng xử của chính mình trong mỗi câu chuyện đó.

Qua đó cũng giúp các em ý thức được đâu là hành vi đúng, sai, tốt, xấu để thay đổi", ông Thọ kỳ vọng.

Theo Báo Đất Việt