HUẾ: PHẦN MỀM “ĐÔ THỊ THÔNG MINH” NHƯNG NHIỀU NGƯỜI SỬ DỤNG CHƯA HỢP LÝ

Phần mềm “Đô thị thông minh” nhưng nhiều người dân sử dụng vẫn chưa hợp lý, điều này đã gây khó khăn cũng như mất thời gian cho lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình tiếp nhận xử lý.

 

Phản ánh hiện trường là một thành phần của ứng dụng Dịch vụ đô thị thông minh (Hue-S)- một trong những phần mềm đang được đại bộ phận người dân Thừa Thiên-Huế sử dụng.

Đây là công cụ giúp người dùng phản ánh các vấn đề bất cập trong cuộc sống, thông qua đó hỗ trợ công tác xử lý hiệu quả từ các đơn vị chức năng, hướng đến cải thiện môi trường sống và làm việc  tốt cho người dân.

Dân sinh - Huế: Phần mềm “Đô thị thông minh” nhưng nhiều người sử dụng chưa hợp lý

Phần mềm Hue-S, Dịch vụ đô thị thông minh đang được người dân tỉnh Thừa Thiên -Huế hưởng ứng sử dụng.

Thông qua ứng dụng này, những phản ánh của người dân về các lĩnh vực: trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị,  an toàn, trật tự xã hội, chất lượng dịch vụ du lịch... sẽ được gửi về Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Sau khi tiếp nhận, Trung tâm này sẽ phân loại nội dung và chuyển phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Từ khi đưa vào sử dụng ứng dụng này, đã có 132 cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Thừa Thiên-Huế cùng tham gia vào hoạt động xử lý phản ánh hiện trường. Đây là con số được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên–Huế thống kê tại cuộc họp đánh giá tình hình vận hành, kết quả xử lý trên hệ thống thông tin phản ánh hiện trường do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức mới đây.

Tại cuộc họp, Sở này cũng đưa ra con số ấn tượng với gần 4.500 phản ánh của người dân được tiếp nhận xử lý từ đầu năm 2019 đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, qua xác minh thì chỉ có 4.376 phản ánh đủ điều kiện theo quy định được xử lý. Nghĩa là, có gần 200 phản ánh không đủ điều kiện để xử lý, đó là chưa kể đến trong 4.360 phản ánh đủ điều kiện này có hàng trăm phản ánh vẫn ở trạng thái “Đang xử lý”.

Dân sinh - Huế: Phần mềm “Đô thị thông minh” nhưng nhiều người sử dụng chưa hợp lý (Hình 2).

Các nội dung phản ánh sẽ được gửi về Trung tâm Giám sát, Điều hành Đô thị thông minh tỉnh để phân loại gửi về cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Nguyên nhân nào khiến nhiều phản ánh thời gian xử lý quá hạn, kéo dài và xử lý không dứt điểm? Có phải do các cơ quan xử lý chưa thật sự coi trọng việc tham gia tương tác với người dân hay tương tác theo kiểu đối phó… như những hạn chế mà ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa ra tại cuộc họp nêu trên hay vì lý do nào nữa.

Bằng cách tiếp cận với những người làm việc tại các cơ quan, đơn vị đang tham gia vào hoạt động xử lý hiện trường như công an, cán bộ UBND phường, xã, sở ban ngành… (những người này xin giấu tên) – PV báo điện tử Người Đưa Tin đã một phần nắm được một số nguyên nhân dẫn đến việc nhiều phản ánh của người dân khó xử lý hay thời gian xử lý kéo dài. Một trong nhiều nguyên nhân được những người này đưa ra đó chính là xuất phát từ sự phản ánh không rõ ràng, thiếu căn cứ của người dân.

“Phản ánh việc một xe máy chạy lạng lách, đánh võng thì không chỉ chụp ảnh chiếc xe ấy mà còn cần có cả clip, video ghi lại cảnh lạng lách, đánh võng và ngày giờ, địa điểm cụ thể… Từ đó, lực lượng của đơn vị mới đủ căn cứ để xử lý người vi phạm, chứ không sẽ bị bắt lý ngay”, một cán bộ CSGT, Công an TP.Huế chia sẻ.

Người này còn cho hay, khi chưa áp dụng hình thức phạt “nguội” thông qua hình ảnh, nhiều phản ánh của người dân như xe ô-tô đậu đỗ không đúng quy định, đi vào đường ngược chiều… nhưng khi lực lượng công an đến nơi phản ánh thì xe vi phạm không còn ở hiện trường nên rất khó khăn trong việc xử lý.

“Có phản ánh về tình trạng khai thác đất sét trái phép nhưng chỉ chụp ảnh vết bánh xe cùng địa chỉ xã, huyện mà không thông tin cụ thể thôn xóm hay hình ảnh khu vực khai thác nên cán bộ xã không biết nơi nào để tiếp cận xử lý”, một cán bộ UBND xã của thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế) lắc đầu nói.

“Phản ánh nhà bên cạnh hát karaoke gây ồn ào dân phố nhưng chỉ chụp ảnh nhà rồi đưa lên kênh phản ánh... mà không hề có clip ghi lại. Tất nhiên, chúng tôi cũng có thể đến nhắc nhở nhà người đó nhưng cứ khan khan vậy sẽ không thể thuyết phục họ được”, cán bộ một phường của TP.Huế nêu một ví dụ.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia luật, luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Văn phòng Luật sư Võ Minh Tuấn – Thừa Thiên-Huế chia sẻ, xem những phản ánh của người dân trên phần mềm Hue-S, có cảm giác như người dân đang quá lạm dụng kênh phản ánh này để bày tỏ bức xúc hay “tố cáo” nhau từ những chuyện như: nhà hàng xóm hát hò, xả rác, rồi phân bò dọc đường đến quán xá vỉa hè ngồi ăn lộn xộn…

“Người dân nên biết rằng, việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường hay thẩm mỹ đô thị …đã có những lực lượng chuyên trách thường xuyên túc trực kiểm tra, xử lý. Nên phản ánh những việc ảnh hưởng đến số đông, cộng đồng không nên vì chuyện cá nhân mà đưa lên để “tố” nhau, những chuyện đó chính họ có thể giải quyết, thương lượng, thỏa thuận, góp ý trực tiếp hoặc liên hệ một đơn vị chuyên trách gần đó”, Luật sư Tuệ Minh nói.

Nữ luật sư này cũng quan điểm, nếu phản ánh thì vấn đề đó cũng cần phải đủ căn cứ thuyết phục từ: Câu cú ngữ pháp, nội dung phản ánh, thông tin hình ảnh, clip rõ ràng… Không thể dùng các từ ngữ cụt, không ngữ pháp, hay hình ảnh không đủ căn cứ để phản ánh được. Phần mềm Đô thị thị thông minh nhưng nhiều người dân sử dụng vẫn chưa thật sự thông minh, điều này sẽ, đã gây khó khăn cũng như mất thời gian cho lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình tiếp nhận  xử lý.

Dân sinh - Huế: Phần mềm “Đô thị thông minh” nhưng nhiều người sử dụng chưa hợp lý (Hình 3).

Từ ngày 1/11, Huế bắt đầu triển khai hình thức phạt thông qua hình ảnh của camera giám sát.

Chia sẻ thêm về hình thức phạt “nguội” vi phạm giao thông qua hình ảnh camera giám sát, luật sư Tuệ Minh cho rằng, việc xử lý xe ô-tô vi phạm có thể không gặp khó khăn vì xe ô-tô đa phần đều chính chủ nên có thể mời hay triệu tập người vi phạm dễ dàng. Tuy nhiên, với xe gắn máy việc mời người vi phạm làm việc không phải dễ, bởi nhiều xe máy hiện đã qua rất nhiều chủ sở hữu… Thiết nghĩ, cơ quan chức năng Thừa Thiên-Huế nên có giải pháp nào đó để đồng bộ quản lý việc đăng ký xe máy chính chủ trên địa bàn.

Trở lại nội dung cuộc họp đánh giá tình hình vận hành, kết quả xử lý trên hệ thống thông tin phản ánh hiện trường do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức mới đây, về mức độ hài lòng của người dân khi đánh giá sự xử lý các phản ánh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này đã đưa ra con số đáng khen ngợi.

Theo đó, có 2.281 phản ánh được người dân tham gia đánh giá mức độ hài lòng, chiếm tỷ lệ 57% trên tổng số phản ánh đã được xử lý, trong số đó tỷ lệ đánh giá từ mức chấp nhận trở lên chiếm gần 84%.

“Những phản hồi tích cực này đã nói lên sự hiệu quả, niềm tin của công dân khi gửi các phản ánh, kiến nghị. Góp phần thu hút được người dân tham gia vào các hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên –Huế nhấn mạnh tại cuộc họp.

Theo Người Đưa Tin