GIỮ ẤM TRONG NGÀY LẠNH

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết rét đậm, rét hại còn có thể kéo dài đến giữa tháng 1/2021, nền nhiệt thấp. Tình trạng thời tiết này bất lợi cho người già trẻ nhỏ và người có bệnh lý về huyết áp, hô hấp. Điều kiện đảm bảo sức khỏe quan trọng là bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và đặc biệt giữ ấm cho cơ thể.

Bệnh nhân nhi đến khám, điều trị tăng cao trong những ngày rét

Mùa của bệnh hô hấp

Tại Bệnh viện Trung ương Huế, những ngày nhiệt độ xuống sâu, rét lạnh không phải là những ngày có lượng bệnh nhân nhập viện đông. Những trường hợp nhập viện thường đã ở tình trạng bệnh nặng. Tuy vậy, điều kiện thời tiết lạnh bất lợi cho người già, trẻ em và người có bệnh huyết áp nên các khoa bệnh về nội tiết-thần kinh, tim mạch, nhi… lượng bệnh nhân luôn tăng cao. Tại các phòng khám nhi trên địa bàn TP. Huế, lượng bệnh đến khám ngoài giờ cũng rất đông. Phần lớn các bé đều ho và có sốt.

Tại phòng khám của bác sĩ S. ở Vỹ Dạ, chị Kim Đào (thị xã Hương Thủy) thì phiền muộn hơn. Bé trai nhà chị có bệnh hen nên ngay khi trời trở lạnh chị đã rất cẩn thận giữ ấm cho con. Nhưng qua vài ngày, thấy con lẹc khẹc ho, người âm ấm, chị đã đưa con đi khám. Cơn hen không lên, nhưng bé lại bị viêm phổi, phải điều trị. “Mặc ít thì lạnh, mặc nhiều lớp áo thì chạy nhảy, ra nhiều mồ hôi con không biết xử lý. Mình lại không thể theo con cả ngày”, chị Đào lo lắng. Đứng cạnh đó, anh Tuấn vừa phụ vợ bồng bé trai 4 tháng tuổi, vừa vui vẻ bắt chuyện: “Lạnh quá nên ai cũng dễ đau. Bé con đây cả ngày chỉ ở trong nhà thôi, giữ kỹ lắm mà bé cũng ho”.

Thời tiết quá lạnh và lạnh dài ngày không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người già, trẻ nhỏ mà ngay cả thanh niên và người có sức đề kháng tốt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm các bệnh về hô hấp, trong đó có bệnh viêm thanh quản cấp.

Theo các chuyên gia y tế, viêm thanh quản cấp xảy ra quanh năm. Nhưng mùa mưa, ẩm ướt, lạnh, rét, bệnh dễ xuất hiện hơn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều người. Nguyên nhân của bệnh do thời tiết thay đổi, nhất là khi có những đợt rét đậm, rét đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp nên dễ dẫn đến viêm thanh quản cấp. Để phòng bệnh viêm thanh quản cấp và các bệnh về hô hấp khác trong mùa lạnh, mọi người cần giữ ấm cơ thể, giữ ấm cổ.

BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhấn mạnh: “Mọi người, nhất là người già và trẻ em cần đặc biệt quan tâm việc giữ ấm cho cơ thể. Nóng một chút không sao, nhưng cơ thể lạnh thì nguy cơ nhiễm nhiều bệnh. Những người có sức đề kháng yếu chỉ ra đường khi cần thiết và cần mặc ấm, giữ ấm và nên đeo khẩu trang”.

Bảo vệ huyết áp

Theo các chuyên gia y tế, trời lạnh là yếu tố bất lợi đối với người mắc bệnh tăng huyết áp. Bởi vì nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng, đặc biệt là tim mạch, đột quỵ... Kể cả những người trẻ tuổi, trong những ngày giá rét, nếu không giữ ấm cũng dễ bị tê bì tay chân, đau tức ngực, huyết áp tăng... Do vậy, khi trời lạnh, người mắc bệnh tăng huyết áp cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh.

Trong điều kiện trời mưa lạnh giá, để tránh các biến cố tim mạch, đột quỵ, TS. BS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế gợi ý những người lớn tuổi, những người đang mắc bệnh tim mạch hay đột quỵ cũ tốt nhất không nên vận động ngoài trời giá lạnh và không nên hoạt động quá gắng sức trong thời tiết lạnh. “Nếu bạn ra ngoài trời lạnh và thấy mình đổ mồ hôi, như vậy bạn đang bị quá nóng và không ổn. Nếu bạn bị bệnh tim mạch, hãy coi đây là dấu hiệu nguy hiểm. Hãy dừng việc bạn đang làm và vào ngay trong nhà”, ông nói.

Theo TS. BS. Lê Thanh Hải, mùa thu đông cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm do độ ẩm thấp trong thời tiết lạnh và hệ thống giữ ấm trong nhà không đủ. Đây là điều kiện thuận lợi để bệnh cúm có cơ hội tấn công người có sức đề kháng yếu và với bất kỳ ai đang bị bệnh tim mạch. Do vậy, lời khuyên hữu ích là mọi người cần có thói quen tiêm phòng vắc xin cúm trước khi mùa lạnh tới. Mặt khác, trải qua những ngày giá lạnh, uống nước ấm để giữ ấm cho cơ thể là việc đơn giản mà ai cũng có thể làm.

“Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, uống nước nóng có lợi lâu dài cho sức khỏe mỗi chúng ta trong việc cải thiện tiêu hóa, giảm chứng đau co thắt, giảm cân, tăng cường giải độc cơ thể, ngăn chặn sự lão hóa và gây ngủ một tự nhiên. Uống nước ấm mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn có thể thêm một vài lát chanh, hoặc vài lát gừng để tăng hương vị và mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể”, TS.BS. Lê Thanh Hải gợi ý.

Thừa Thiên Huế online