Đấu tranh với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng

 

Ngành TT&TT với các sứ mạng và định hướng mới, báo chí truyền thông phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, là nhân tố chính đấu tranh với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, góp phần tích cực tạo ra niềm tin và đồng thuận xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường.

Đây là khẳng định của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in

Báo cáo tại hội nghị, trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, đến tháng 6-2019, cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in; 24 báo, tạp chí điện tử độc lập; 23.402 thẻ nhà báo đã được cấp; có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; có 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng; có 279 kênh chương trình phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép (trong đó có 87 kênh phát thanh, 192 kênh truyền hình).

Cả nước hiện có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền (trong đó có 20/36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet); số lượng thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 15,3 triệu thuê bao.

Hiện nay có 1.575 trang thông tin điện tử đã được cấp phép, trong đó, 6 tháng đầu năm 2019 đã cấp phép là 27 trang tin. Ngoài ra, có khoảng gần 1 triệu trang thông tin điện tử cung cấp tin tức không phép có tên miền quốc tế, đặt máy chủ tại nước ngoài cung cấp vào Việt Nam; có 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép, trong đó cấp mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 giấy phép. Tổng người sử dụng của 5 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam không vượt quá 10 triệu người, trong khi đó chỉ riêng mạng xã hội Facebook, hiện đã có 65 triệu người Việt Nam sử dụng. Thực tế hiện nay, thời lượng sử dụng internet và mạng xã hội trong một ngày của người sử dụng Việt Nam khoảng 7 giờ. Người sử dụng internet bằng mobile tại Việt Nam (số liệu năm 2017) dành nhiều thời gian cho vào mạng xã hội (94%), nhắn tin (91%), tìm kiếm thông tin (87%).

Đấu tranh với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng
Quang cảnh hội nghị.

Ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới

Theo yêu cầu của Bộ TT&TT, tính đến tháng 6-2019, Facebook đã gỡ 201 tài khoản cá nhân giả mạo; 109 đường link tuyên truyền thông tin giả mạo, xấu, độc, kích động chống phá nhà nước; 2.444 đường link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; 214 đường link phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ các lãnh đạo Đảng và nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức; 215 fanpages về game cờ bạc, đổi thưởng. Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 7.192 video vi phạm trên YouTube; ngoài các video riêng lẻ, Google đã gỡ bỏ 15/62 kênh YouTube, trong đó đặc biệt có 1 kênh YouTube có tên là tin tức hằng ngày bao gồm 501 video. Google đã gỡ 58/63 game bài; Apple đã gỡ 7/15 game không phép).

Từ nay đến cuối năm, trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, Bộ TT&TT sẽ tăng cường thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới. Báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống ngăn chặn thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam. Tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động.

Đấu tranh với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.

Tích cực thanh tra, kiểm tra các trang thông tin điện tử có dấu hiệu đăng bài như cơ quan báo chí; xử phạt các trang thông tin điện tử thông tin không đúng sự thật. Nghiên cứu về tin giả (Fake news) và các phương thức xử lý các hành vi tung tin giả trên mạng xã hội. Tích cực làm việc với Facebook, Google về các vấn đề còn tồn tại của các doanh nghiệp này khi hoạt động ở Việt Nam, đồng thời yêu cầu gỡ bỏ các tin, bài viết, video clip vi phạm pháp luật. Phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế xây dựng phương án quản lý các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua kiểm soát thanh toán, thực thi chính sách thuế; thí điểm triển khai giám sát lượng doanh thu của Facebook và Google qua hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Bộ cũng đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp, nhãn hàng, thương hiệu ngừng quảng cáo trên các clip có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên Youtube. Làm việc với Apple về các ứng dụng vi phạm đang cung cấp trên AppStore. Tiếp tục rà soát các trò chơi điện tử trực tuyến có dấu hiệu đánh bạc.

Về định hướng cho lĩnh vực báo chí xuất bản trong thời gian tới, thực hiện quy hoạch báo chí, Bộ TT&TT sẽ làm việc trực tiếp với từng tờ báo của các Hội, với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Trung ương Đoàn về sắp xếp báo chí. “Quy hoạch báo chí không chỉ là sắp xếp mà còn là cơ chế chính sách phát triển báo chí, là nâng cao năng lực của 6 cơ quan báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện, là đào tạo nhân lực báo chí, giải quyết tốt các phát sinh khi quy hoạch báo chí, giải quyết các tồn tại như báo hóa tạp chí, báo hóa trang tin tổng hợp, xa rời tôn chỉ, tư nhân hóa, khoán bài, khoán view, làm tiền doanh nghiệp", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có tới 1.000 khiếu nại liên quan đến báo chí. Sự tuân thủ luật pháp Việt Nam của các mạng xã hội nước ngoài, quy định về xử lý tin giả, tin xấu độc trên mạng, xây dựng cơ chế, giao nhiệm vụ cho các báo kèm theo điều kiện đảm bảo cơ chế đặt hàng báo chí, báo chí cách mạng phải được hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước. Ra chính sách để kết nối nhà mạng và báo điện tử, xây dựng các platform cung cấp nội dung trên không gian mạng cho các báo nhằm hỗ trợ báo chí dùng công nghệ để phát triển. Nguồn tài chính dành cho đào tạo báo chí và giải quốc gia năm 2019 tăng 6 lần trong năm nay, bởi vậy sẽ có những đổi mới quan trọng theo hướng đào tạo chất lượng cao và giải Nhất cho báo chí, sách quốc gia sẽ có phần thưởng xứng đáng. Hỗ trợ các Bộ xây dựng bộ phần truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, tránh khủng hoảng truyền thông.

Bài, ảnh: VĂN PHONG