Dâu Truồi mất mùa

Thời gian này năm 2018, có dịp đến chợ Truồi, nhan nhản khắp chợ là đặc sản dâu Truồi. Năm nay, cả khu chợ vắng bóng dâu, các hộ dân trồng dâu buồn rầu bên những gốc cây đặc sản. Nỗi lo của họ không chỉ dừng lại ở đó…

 

 Đã vào mùa nhưng vườn dâu vắng trái

Ông Nguyễn Văn Lượng, ngụ tại thôn Lương Điền Đông (Lộc Điền, Phú Lộc) bồn chồn bên khu vườn dâu bề thế: “Nhà tôi có cả thảy 60 gốc dâu tiên. Năm nay cả vườn hái được 4kg, có thể gọi là mất trắng”.

Thời điểm này năm ngoái, gia đình ông Lượng thu hoạch trung bình 1 tạ/cây trưởng thành. Với giá 35 nghìn đồng/kg, ông Lượng thu lãi hơn 55 triệu đồng. Thế mà năm nay, toàn bộ khu vườn, từ gốc dâu tiên cổ thụ đến dâu tơ đều vắng trái. Lý giải điều này, ông Lượng cho biết: “Năm nay thời tiết quá khắc nghiệt. Hạn hán kéo dài nên dâu tiên mất mùa trầm trọng”.

Lão nông Trần Trọng Nhĩ, thâm niên hàng chục năm chăm bón dâu tiên khẳng định: “Cây dâu tiên có quy luật sinh trưởng của nó. Cứ vài năm được mùa thì sẽ có một năm thất bát. Năm nay thời tiết quá bất thường, cả xứ Truồi (từ Lộc Điền, Lộc An đến Lộc Hòa) mất mùa dâu. 15 gốc dâu nhà tôi cũng thế, mặc dù đã chăm bón rất kỹ”.

Ông Nhĩ là một trong những hộ trồng dâu tiên kỹ tính có tiếng tại xứ Truồi. Cứ sau mỗi lứa thu hoạch, ông kỳ cạch bón phân cho cả sào dâu tiên. Vả lại, vì dâu là loài cây khá “đỏng đảnh”, hầu hết côn trùng, sâu bọ ông đều dùng mẹo để bắt chứ không phun thuốc phòng trừ.

Trao đổi với ông Ngô Cao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Điền, chúng tôi được biết thêm thông tin: “Năm nay, trên 90% diện tích dâu tiên tại Lộc Điền không cho quả. Trong đó, yếu tố tác động chủ đạo là do thời tiết quá khắc nghiệt”.

Hiện nay tại xã Lộc Điền có 40 hộ trồng dâu tiên, diện tích trên 2,5 ha, chủ yếu tập trung tại địa bàn thôn Đồng Xuân, Lương Thượng. Chẳng riêng năm nay, khi mà cây dâu tiên mất mùa, những năm trước, dù được mùa, được giá nhưng ông Lượng vẫn băn khoăn.

Lão nông 62 tuổi nói: “Năm ngoái dâu tiên bán rất được giá, nhưng những hộ trồng dâu chúng tôi vẫn không có niềm vui trọn vẹn. Dâu tiên xứ Truồi chính gốc quả ngon ngọt nức tiếng. Giá thu mua tại vườn đã rất cao, nhưng khi đến chợ, người ta lại trộn dâu Truồi với các loại dâu chua nơi khác.Vì thế mới có chuyện dâu Truồi vườn 35 nghìn đồng/kg, ra đến chợ giá chỉ còn phần nửa, chất lượng không đảm bảo”.

Việc gây dựng thương hiệu cho dâu Truồi rất quan trọng, tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa để trục lợi, hạ thấp uy tín của loại trái đặc sản. Để tạo động lực, năm 2016, Chi hội Nông dân thôn Đồng Xuân (Lộc Điền) đã hình thành Câu lạc bộ (CLB) Cải tạo vườn tạp. Đây là nơi các hộ dân học tập, đúc rút kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó tập trung vào việc cải tạo vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng dâu tiên, chuối, thanh trà. “Sau 3 năm đi vào vận hành, một số thành viên CLB chủ động phá bỏ vườn tạp kém hiệu quả sang trồng dâu. Từ đó góp phần thay đổi tư duy canh tác của bà con, tăng diện tích dâu tiên trên địa bàn xã”, ông Ngô Cao nói.

Mong muốn của các hộ dân là vừa mở rộng diện tích một cách bền vững, vừa được tập huấn, nâng cao năng lực trồng và tiêu thụ dâu tiên. Dâu tiên là loại ăn quả lâu năm, thời gian thu hoạch lên đến hàng chục, thậm chí cả trăm năm. Hiện nay, cách trồng phù hợp nhất là chiết cành. Giá thành trung bình cho mỗi cành chiết là 100-200 nghìn đồng. Các hộ dân như ông Lượng, ông Nhĩ đang tích cực tăng diện tích. Không chỉ mong dâu được mùa, được giá, bà con Nhân dân còn rất mong sự xuất hiện của thương hiệu dâu tiên xứ Truồi. Khi có thêm động lực, đầu ra ổn định hơn, bà con mới mạnh dạn canh tác, tăng thu nhập chính đáng trên mảnh đất của mình.

Theo Thừa Thiên Huế online